Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, ứng dụng công nghệ Nano trong tương lai sẽ được chú trọng vào lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm và y dược.
Mỹ chuyển giao công nghệ chiết xuất hợp chất có tác dụng hỗ trợ điều trị ung thư mới cho Việt Nam
Ứng dụng công nghệ nano vào sản xuất dược phẩm
Đó là nhận định của Giáo sư Nguyễn Hoàng Lương - Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc Gia Hà Nội tại hội thảo "Công nghệ nano và ứng dụng trong y - dược" do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức chiều 19/7.
Tại hội thảo, các đại biểu cùng nhau thảo luận những vấn đề khoa học liên ngành giữa vật lý và các ngành khoa học khác như sinh học, công nghệ sinh học, y sinh, hóa học…đề xuất các ý kiến nghiên cứu về phương pháp, thiết bị hiện đại có thể đưa vào ứng dụng để giải quyết một số vấn đề xã hội đang quan tâm như vệ sinh an toàn thực phẩm, chẩn đoán nhanh các bệnh dịch, đưa ra một số sản phẩm hỗ trợ điều trị…
Dịp này, các nhà khoa học giới thiệu một số thành tựu của công nghệ nano bước đầu được nghiên cứu thành công và ứng dụng vào hoạt động khám chữa bệnh như: Sử dụng hạt nano vàng với kích thước 30mm phát triển que thử nhanh giúp phát hiện virus rota gây tiêu chảy ở trẻ em với độ chính xác cao, giá thành rẻ; Công nghệ nano bạc để khử trùng trong y tế hiệu quả, an toàn và là giải pháp tốt thay thế thuốc kháng sinh do không gây kháng thuốc; Công nghệ nano ứng dụng trong tách chiết DNA/RNA giúp chẩn đoán nhanh và chính xác các bệnh ung thư; Công nghệ plasma lạnh điều trị các vết thương khó lành…
Công nghệ nano trong tương lai không xa sẽ giúp con người chống lại căn bệnh ung thư quái ác với dự án nanorobot
Ông Lê Quang Thành – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Xã hội và Tự nhiên cho biết, thực hiện chương trình phát triển Vật lý đến năm 2020, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ cụ thể hóa việc ứng dụng nghiên cứu một số hướng vật lý hiện đại, trong đó có ứng dụng công nghệ Nano vào sản xuất và đời sống, chú trọng là lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm và y dược: “Trong 3 năm tới, chúng tôi sẽ tập trung vào việc ứng dụng khoa học công nghệ nano cho công nghiệp dược như các loại calci nano, viên kẽm nano, sản xuất các kit chuẩn đoán bệnh. Ngoài ra ứng dụng công nghệ plasma cho bảo quản, an toàn thực phẩm”.
Ngày 24/3/2015, Thủ tướng phê duyệt Chương trình phát triển vật lý đến năm 2020, một trong những mục tiêu là "Triển khai nghiên cứu một số hướng vật lý hiện đại, làm nòng cốt cho sự phát triển một số lĩnh vực khoa học công nghệ đa ngành, ứng dụng các thành tựu của vật lý vào sản xuất và đời sống".
Để thực hiện mục tiêu này, ngày 8/4/2015 Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ đã ban hành quyết định về các định hướng nghiên cứu ưu tiên ngành vật lý, trong đó có hướng nghiên cứu ưu tiên "Các vật liệu y sinh, các vật liệu và linh kiện kỹ thuật y sinh, chú trọng các vật liệu và linh kiện cấu trúc nano” và định hướng ứng dụng trong một số lĩnh vực.
Bình luận của bạn