Empty
Empty
Empty

Trao đổi với tạp chí Sức khỏe+, Chuyên gia Chu Thị Thảo - Trung tâm Tâm lý trị liệu NHC Việt Nam cho hay, người lao động tìm tới tư vấn về Sức khỏe tâm thần có độ tuổi rất rộng, có người trẻ mới đi làm, có những người đã làm quản lý cấp cao. Nhìn chung, những vấn đề về sức khỏe tâm thần liên quan tới công việc thường gặp nhất gồm: Rối loạn lo âu, trầm cảm, trạng thái kiệt quệ nghề nghiệp (hội chứng burn-out) và rối loạn giấc ngủ.

Empty

Không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần, những vấn đề trên còn tác động tiêu cực tới thể chất của người lao động, từ đó gây thiệt hại cho phía doanh nghiệp. Theo thống kê tại Vương quốc Anh, năm 2022, sức khỏe tâm thần là nguyên nhân xin nghỉ ốm phổ biến thứ 5 với người lao động, nhưng số ngày nghỉ trung bình lên tới 18 ngày. Trong khi đó, người bị tai nạn thương tích chỉ nghỉ trung bình 10,6 ngày.  

Chuyên gia Chu Thị Thảo cho biết, trầm cảm khiến người lao động thấy chán nản với mọi thứ, khó có năng lượng và động lực để bắt đầu công việc. Về mặt cơ thể, không chỉ mệt mỏi, họ còn gặp những cơn đau đầu hoặc bị rối loạn tiêu hóa, suy giảm miễn dịch. Với đồng nghiệp, những người trầm cảm thường có xu hướng thu mình, dần dần tự cô lập chính mình, ảnh hưởng tới mối quan hệ với đồng nghiệp.

Người gặp vấn đề về rối loạn lo âu ở nơi làm việc có xu hướng “overthinking”, hay nghĩ quá nhiều. Đây cũng là những người cầu toàn, mong muốn mọi thứ phải hoàn hảo và thường hoàn thành công việc khá tốt. Nhưng khi rơi vào trạng thái rối loạn lo âu, họ sẽ trì hoãn công việc, lo lắng thái quá, do dự khi ra quyết định vì sợ thất bại, sợ làm sai. Rối loạn lo âu còn gây ra triệu chứng thực thể như đau đầu, đau dạ dày và mất ngủ. Đây đều là những "bệnh thường gặp" mà dân văn phòng, công sở nhiều khi chủ quan, không nghĩ tới nguyên nhân đến từ tâm lý.

Hội chứng burn-out hay kiệt sức nghề nghiệp, phải tới năm 2019 mới chính thức được Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa trong ICD (Phân loại quốc tế về bệnh tật) là “hội chứng phát sinh do căng thẳng tại nơi làm việc trong thời gian dài mà không được điều chỉnh”. Tuy chưa phải là bệnh lý, người lao động bị kiệt sức kéo dài sẽ không còn hứng thú với công việc, hay từ chối hoặc đẩy việc cho người khác, bề ngoài mệt mỏi và mất năng lượng.  

Empty

Hội chứng này không phải là bệnh của riêng giới trẻ. Sau đại dịch COVID-19, nền kinh tế bị chao đảo, kéo theo xu hướng nghỉ việc ồ ạt ở nhiều ngành nghề, trong đó có cả ngành y tế. Từ stress chuyển sang burn-out là quá trình âm thầm mà người lao động phải chịu đựng trong thời gian dài.

Theo ghi nhận của chuyên gia Chu Thị Thảo, có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới mức độ áp lực, stress mà người lao động gặp phải. Về tính chất công việc, những công việc nguy hiểm, rủi ro cao, đòi hỏi sự phản ứng nhanh (ví dụ như lính cứu hỏa) tạo ra áp lực về thời gian, dễ gây ra căng thẳng.

Người làm công việc đòi hỏi sự tỉ mỉ và chính xác cao độ (ví dụ như bác sĩ phẫu thuật) cũng dễ bị căng thẳng nếu họ làm việc thời gian dài mà không nghỉ ngơi hợp lý. Người gánh trách nhiệm lớn như làm quản lý, lãnh đạo, phải chăm lo cho cuộc sống của nhiều người lao động cũng áp lực hơn bình thường. 

Ngay cả với dân văn phòng, công sở tưởng chừng là “nhàn hạ”, khối lượng công việc dồn dập trong thời gian ngắn cũng tạo ra căng thẳng nhất định.

Empty

Ngày Sức khỏe Tâm thần Thế giới được tổ chức vào ngày 10/10 hàng năm nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy các hoạt động thiết thực chăm sóc sức khỏe tâm thần cho mọi người. Năm 2024, Tổ chức Y tế Thế giới chọn chủ đề “Sức khỏe tâm thần tại nơi làm việc” nhằm nhấn mạnh mối liên quan mật thiết giữa sức khỏe tâm thần và công việc.

Các khảo sát quốc tế cho thấy, người lao động hạnh phúc sẽ làm việc năng suất hơn. Trong toạ đàm trực tuyến với chủ đề "Phá vỡ rào cản: Vượt qua định kiến và kỳ thị về chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế", TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết: “Một hệ thống y tế hiệu quả, khoẻ mạnh khi nhân viên y tế khỏe mạnh. Một nhân viên y tế khỏe mạnh khi nhân viên đó khoẻ về cả thể chất lẫn tinh thần.” Nhưng ngay cả những người có chuyên môn về sức khỏe như nhân viên y tế vẫn phải đối mặt với các định kiến xã hội, sợ bị đánh giá là bất thường hoặc không đủ năng lực làm việc.

Để tháo gỡ được nút thắt về vòng lặp áp lực, căng thẳng ở nơi làm việc, cần sự cởi mở từ cả phía người lao động và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, để hỗ trợ công nhân viên đang gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, người sử dụng lao động cần có các chính sách hợp lý để xây dựng môi trường làm việc lành mạnh.

Empty

Áp lực công việc là một phần không thể thiếu trong cuộc sống, cũng là động lực tạo ra sự thăng tiến. Tuy nhiên, để có sức chống đỡ với gánh nặng “cơm áo gạo tiền”, người lao động trước hết cần bảo vệ sức khỏe của chính mình, cần chủ động cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Theo chuyên gia Chu Thị Thảo, để cân bằng sức khỏe tâm thần ở nơi làm việc, việc đầu tiên nên làm là phải chăm sóc sức khỏe về mặt thể chất. Chuyên gia gợi ý các biện pháp đơn giản giúp người lao động “lên dây cót tinh thần”, vượt qua căng thẳng trong công việc như: Tập thể dục và các bài tập thư giãn cơ thể như thiền định, hít thở 15 phút mỗi ngày; Ghi chép lại các suy nghĩ khi căng thẳng; Sắp xếp lại các ưu tiên trong công việc và san sẻ cho đồng nghiệp nếu có thể; Thiết lập lại ranh giới giữa công việc và cuộc sống. Người đang có các tổn thương về tâm lý, có suy nghĩ tiêu cực nên tìm tới sự hỗ trợ của người có chuyên môn như các bác sĩ, chuyên gia.

Empty
Empty
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Trò chuyện