Dụ thuốc là "kẹo" con trẻ gặp nguy!

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Khoa Nhi (BV Bạch Mai) mới tiếp nhận trường hợp bệnh nhi 7 là bé P.M.N (7 tuổi) bị ngộ độc paracetamol. Sáng cùng ngày, khi thấy bà để vỉ thuốc tensin - flu (paracetamol) trên mặt bàn, bé N đã lấy ra và uống liền lúc 4 viên với hàm lượn 500mg. Sau3 tiếng, khi N xuất hiện các biểu hiện kích thích hơn bình thường, gia đình hỏi mới biết là bé đã uống hết vỉ thuốc.

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Phó trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết, bệnh nhi được gia đình đưa vào viện sau 3 tiếng uống 4 viên thuốc paracetamol với hàm lượng 500mg. Bé N tuy vẫn tỉnh táo, tiếp xúc được nhưng cũng có kích thích do dùng quá liều paracetamol.

Trước đó, khoa Cấp cứu hồi sức Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TPHCM) vừa tiếp nhận trường hợp bé gái 4 tuổi bị ngộ độc thuốc Paracetamol vì bé tưởng đó là kẹo! Bé gái bị ngộ độc này là L.T.N.Y (ngụ huyện Bình Chánh, TPHCM) được chuyển đến BV trong tình trạng lừ đừ, nôn ói, mệt, mạch nhanh. Trước lúc nhập viện 4 giờ, bé Y. đang chơi đồ chơi, phát hiện và đã uống 3 vỉ thuốc. Gia đình cho biết, do mỗi lần uống thuốc, gia đình đều dụ bé là kẹo ngọt, nên khi thấy 3 vỉ thuốc tây để lăn lóc trên bàn, bé nghĩ là kẹo thật nên với xuống nhai liền một mạch.Theo BS Nam, việc trẻ lấy được thuốc và uống, ăn vì tưởng là kẹo, đồ ăn không phải là cá biệt mà xảy ra khá phổ biến. Nguyên nhân bởi trẻ em vốn hiếu động, tò mò, thấy người lớn uống thuốc các bé nghĩ là đồ ăn được, người lớn uống được thì... mình cũng uống được nên khi thấy thuốc ở trong tầm tay là thử uống, dẫn đến tình trạng ngộ độc thuốc.

Thực tế, nhiều bà mẹ chia sẻ, mỗi khi con ốm, sợ nhất là khâu cho con uống thuốc. Vì nếu trẻ không cộng tác, cố ép uống trẻ hay có phản ứng nôn, trớ, nhổ thuốc... "Muốn cho con uống thuốc, dù mua loại thuốc ngọt rồi nhưng thấy mẹ cho thuốc vào xi lanh, cốc là con kiên quyết từ chối. Thế nên mình luôn phải lén lấy thuốc, cho ra cốc của con, lừa là siro ngọt, bé cầm uống ngay", chị Hải Linh (Xa La, Hà Đông) cho biết.

BS Nam khuyến cáo, mọi loại thuốc, hóa chất cần để xa tầm với của trẻ. Bởi việc ngộ độc thuốc, hóa chất rất nguy hiểm với trẻ. Thuốc lưu trữ trong nhà phải được ghi nhãn rõ ràng, vì cũng thường xuyên xảy ra tình trạng cho trẻ uống nhầm loại thuốc của người lớn. Tủ thuốc cần để trên cao, xa tầm nhìn và tầm với của trẻ. Không cho trẻ chõi với thuốc, tự ý uống thuốc... để phòng xảy ra nguy cơ ngộ độc do trẻ tò mò tự uống thuốc.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ