Đưa chất độc hại vào thực phẩm là tội ác!

Trả lời chất vấn của đại biểu về công tác y tế dự phòng hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức, Chủ tịch Lê Hoàng Quân cho biết năm 2013, ngân sách thành phố chi cho y tế là hơn 2.500 tỷ đồng. Tổng số người được chăm sóc sức khỏe trên địa bàn thành phố là 31 triệu lượt, với hơn 50% là bà con các tỉnh, thành khác. Ông Quân khẳng định thành phố xem nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân là hết sức quan trọng. “Sức khỏe con người là tài sản quý giá nhất của cá nhân và xã hội. Và y tế dự phòng đóng vai trò chính trong hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân”- ông nói.

Đại biểu Từ Minh Thiện phát biểu tại buổi chất vấn. (Nguồn ảnh: QĐND)
Đại biểu Từ Minh Thiện phát biểu tại buổi chất vấn. (Nguồn ảnh: QĐND)

Từ năm 2014, thành phố sẽ tăng ngân sách cho y tế dự phòng. Trong đó, tập trung đầu tư về con người, cơ sở vật chất, đặc biệt cho 322 trạm y tế phường xã, để nâng cao ý thức vệ sinh, rèn luyện sức khỏe và dự phòng bệnh tật của người dân. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tăng cường quản lý vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, bao gồm cả thực phẩm, dược phẩm và hóa phẩm. Ông Quân kêu gọi ý thức người dân không buôn bán hàng hóa kém chất lượng, mất vệ sinh, không an toàn. “Hành vi đưa các chất độc hại vào trong thực phẩm là tội ác, chẳng hạn như vụ đem cồn công nghiệp pha chế rượu làm chết người mới đây chẳng hạn. Cần phải xử hành vi này thật nghiêm minh”- ông Quân nói.

Nhiều đại biểu đặt vấn đề: Chưa bao giờ kim ngạch xuất khẩu của thành phố “rơi” xuống thấp như năm 2013 với 27 tỷ USD, giảm 5%, như vậy, có đáng lo hay không?

Ông Quân nêu các lý do sản lượng xuất khẩu nông sản, hàng hóa vẫn cao nhưng giá lại giảm đã tác động đến kim ngạch xuất khẩu. Những năm gần đây, các tỉnh lân cận đã đưa hệ thống cảng của mình vào hoạt động tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương và cả các tỉnh ĐBSCL, cũng đã khiến kim ngạch xuất khẩu của thành phố giảm. Ngoài ra, trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế với chủ trương di dời các cảng ra ngoại thành. Cảng Cát Lái đã hoạt động tốt, chiếm 60% hàng hóa xuất qua đường thủy. Tuy nhiên, cảng Sài Gòn khi dời ra cảng Hiệp Phước, đã xây dựng cảng xong nhưng vẫn chưa có đường vào nên ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu.

“Lãnh đạo thành phố thấy trách nhiệm của mình trong việc xúc tiến hoàn thành các cảng này. Và thấy rằng, cần phải làm rõ, kiểm điểm trách nhiệm về việc giảm kim ngạch xuất khẩu năm qua” - ông Quân nói.

Trả lời đại biểu Trần Quang Thắng về quan điểm trong chuyện xây dựng sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân cho biết, cá nhân ông cũng đã nhận được 2 lá thư của cử tri chất vấn về vấn đề này. Theo ông Quân, sân bay Tân Sơn Nhất có vị thế quan trọng, là sân bay lớn nhất nước, được hàng không thế giới đánh giá trong top 100 sân bay có số lượng hơn 10 triệu khách/năm. Năm 2013, sân bay Tân Sơn Nhất đón 20 triệu lượt khách đến, đi. Bình quân cứ 3 - 5 phút có 1 chuyến bay lên, xuống. Có ngày, tại đây đón cả 100 nghìn lượt khách. Sân bay Tân Sơn Nhất có 2 chức năng, phục vụ thương mại và an ninh quốc phòng. Dự án sân golf nằm ngoài phạm vi an toàn bay và thuộc khu vực do quốc phòng quản lý. Do đó, thành phố không có quyền quyết định về vấn đề sử dụng sân bay Tân Sơn Nhất mà quyền thuộc các cơ quan trung ương.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý