Đục thủy tinh thể không còn “độc quyền” bệnh người già

Thị lực còn rất tốt, nhưng khi ra nắng hoặc đi xe vào ban đêm thì nhìn gặp khó khăn. Đó là một trong những dấu hiệu của bệnh đục thủy tinh thể - Ảnh: Lê Đinh

Dấu hiệu “ruồi bay” là triệu chứng của bệnh nào ở mắt?

Cần làm gì khi có dấu hiệu bị đục thủy tinh thể?

Giấm táo có giúp giảm đục thủy tinh thể?

Phẫu thuật thay thủy tinh thể nhưng mắt vẫn mờ, phải làm sao?

Dấu hiệu sớm của bệnh đục thủy tinh thể

Theo ThS.BS Phí Duy Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM, dấu hiệu đầu tiên của đục thuỷ tinh thể là làm cho bệnh nhân thấy giảm sút thị lực, lúc rõ lúc mờ, bắt đầu thấy chói mắt, ra ánh sáng sẽ thấy khó nhìn.

Một số người trẻ khi đi đo thì thị lực rất tốt. Tuy nhiên, khi ra nắng hoặc lái xe vào buổi tối thì thị lực lại suy giảm nhiều.

Ngoài ra, những người bình thường đột nhiên thấy mình như bị cận thị hoặc người đang phải đeo kính viễn thị để đọc sách, tự nhiên không cần phải đeo kính đọc sách vẫn đọc được. 

Khi nặng hơn, bệnh nhân bắt đầu thấy hình ảnh bị nhoè ngày một rộng, nhìn một thành hai, ở trong mát, râm thì thấy rõ như ra ngoài trời sáng thì khó nhìn.

Nắng chói chang, khói bụi và dị vật là những nguyên nhân có thể làm tổn thương thủy tinh thể - Ảnh: Lê Đinh

Tự nhỏ mắt sẽ sớm rước bệnh

Thủy tinh thể là một bộ phận của nhãn cầu, là một thấu kính hai mặt lồi, trong suốt, dày 4mm và rộng 9mm, được bao bởi một màng bán thấm đối với nước và chất điện giải.

Thủy tinh thể có chức năng điều tiết để vật thể bên ngoài mắt dù gần hay xa cũng đều có ảnh xuất hiện trên võng mạc.

Thủy tinh thể bị đục cũng giống như tấm kính bị mờ không nhìn rõ được bên ngoài. Nếu bị đục hoàn toàn, hình ảnh sẽ không vào được võng mạc, gây mù.
ThS.BS Phí Duy Tiến cho biết đục thủy tinh thể (cườm khô) có 3 loại gồm bị bẩm sinh, do bệnh lý, chấn thương hoặc do tuổi già (trên 50 tuổi).

Một số bệnh toàn thân, yếu tố ô nhiễm môi trường hoặc quá trình lao động, đôi mắt không được bảo vệ đúng cách hoặc dị vật rơi vào mắt trúng thủy tinh thể, gây chấn thương cũng có thể dẫn đến đục thủy tinh thể. Tuy nhiên, yếu tố này hoàn toàn có thể phòng tránh.

Cụ thể, những người làm công việc phải tiếp xúc với ánh sáng mạnh như nấu thủy tinh, hàn thép, thợ xây làm việc ngoài trời nắng gắt…thì trước tiên sẽ tổn hại tới điểm vàng của mắt. Ban đầu, những người này không cảm thấy có gì bất ổn xảy ra với mắt nhưng về lâu dài, thủy tinh thể sẽ sớm bị đục.

Ngoài ra, một số bệnh gây đục thủy tinh thể sớm có thể kể đến như tiểu đường, viêm khớp, hen xuyễn, viêm xoang. Việc lạm dụng thuốc điều trị, chống viêm có chứa corticoid lâu ngày mà không theo chỉ định của bác sĩ có thể gây đục thủy tinh thể.

Cũng theo bác sĩ Tiến, nhiều người cứ thấy mắt đỏ, lèm nhèm, lộm cộm, khó chịu là tự động mua thuốc về nhỏ mắt chứ không đi khám. Nhỏ thuốc vào thấy hiệu quả tức thời, mát mắt, sảng khoái, tạm thời xoa chịu cảm giác khó chịu là tiếp tục dùng.

Bản chất của thuốc là tốt và hiệu quả nếu được dùng theo chỉ định về thời gian, liều lượng, tình trạng bệnh và độ tuổi của bệnh nhân. Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến hiện nay gây đục thủy tinh thể sớm.

Ngoài ra, khi đi đường, ít người có thói quen đeo kính bảo vệ mắt, trong khi khẩu trang, găng tay và váy chống nắng lại quấn kín người.

Cấu tạo của thủy tinh thể là protein. Khi tỉ lệ protein thay đổi sẽ gây đục thủy tinh thể và không giữ được môi trường trong suốt của thuỷ tinh thể nữa. Vì vậy, đục thủy tinh thể có liên quan đến vấn đề dinh dưỡng. Đó là lý do vì sao trong quá trình lão hóa, ở cùng một độ tuổi lại có người bị đục thủy tinh thể, có người không bị.

Làm gì để hạn chế bị đục thủy tinh thể?

Theo ThS.BS Tiến, mọi người nên:

- Bảo vệ mắt khỏi tia cực tím, khói bụi, vi khuẩn và các dị vật bằng cách đeo kính râm, kính mát khi ra đường.

- Hạn chế lái xe vào ban đêm nếu thị lực kém, bị lóa, hoặc nhìn thấy vầng hào quang quanh nguồn sáng.

- Thường xuyên kiểm tra thị lực nếu có bệnh về mắt.

- Đọc sách, viết bài trong môi trường đủ ánh sáng.

- Theo dõi và kiểm soát tốt các bệnh toàn, đặc biệt là đái tháo đường.

- Ăn thức ăn có chứa các chất chống oxy hóa, kẽm, omega 3 và các vitamin A, B2, C, E như rau xanh, trái cây, củ quả có màu vàng và đỏ, thịt nạc, các loại đậu hạt, sữa hoặc cá.

- Không hút thuốc lá, hạn chế ăn nhiều dầu, mỡ, cay nóng.

- Không tùy ý sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt; hoặc bất kì phương pháp điều trị nào được hứa hẹn sẽ làm cho thủy tinh thể trong trở lại.


Hiện tại, phẫu thuật thay thủy tinh thể được xem là phương pháp điều trị duy nhất để phục hồi chức năng của thủy tinh thể, vì một khi đã mờ thì chưa có một phương pháp nào có thể làm thủy tinh thể trong suốt trở lại được.

NGỌC LOAN - LÊ ĐINH
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn