Nguyên nhân hàng đầu của đau đầu ở trẻ là viêm đường hô hấp, nhất là đường hô hấp trên (mũi, họng, hầu, thanh quản, xoang, tai...) hoặc do bệnh ở thần kinh trung ương như viêm não, u não, não úng thủy, tăng áp lực sọ não. Đau đầu do viêm tai ở trẻ làm cho trẻ hay quấy khóc nhất là khóc đêm vì càng về đêm tai trẻ càng đau. Một số trẻ bị tăng huyết áp (nên lưu ý rằng trẻ em vẫn có thể bị bệnh tăng huyết áp, chứ không riêng gì người trưởng thành). Đau đầu ở trẻ còn có thể do bệnh ở răng (sâu răng, viêm quanh răng, áp-xe chân răng...). Đau đầu cũng có thể do một số bệnh ở mắt như cận thị, loạn thị, viễn thị không phát hiện kịp thời nên không dùng kính hỗ trợ hoặc dùng kính nhưng không đúng tiêu cự. Ngoài ra cũng có thể gặp một số bệnh do viêm nhiễm ở mắt như viêm kết mạc, viêm tuyến lệ cấp. Ở trẻ nhỏ còn có thể gặp bệnh đau nửa đầu do rối loạn vận mạch mà người ta gọi là hội chứng Migraine. Đây là bệnh được xếp vào tốp 5 bệnh hàng đầu hay gặp ở trẻ có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ sau bệnh hen suyễn, dị ứng, béo phì và trầm cảm. Trong một số trường hợp do bị dị dạng mạch máu (động mạch, tĩnh mạch) cũng có thể gây nên chứng đau đầu ở trẻ. Trong giai đoạn hiện nay trẻ bị đau đầu do yếu tố thần kinh cũng chiếm một tỷ lệ đáng kể như bị stress, lo lắng thái quá, học tập quá căng thẳng (học quá nhiều môn, chiếm nhiều thời gian trong ngày và kéo dài...) hoặc căng thẳng, bất hòa trong cuộc sống gia đình hoặc trẻ bị nhiễm độc chì. Đối với một số trẻ lớn có thể đau đầu do sử dụng cà phê thường xuyên hoặc giai đoạn đầu của cai nghiện cà phê.
Tính chất đau đầu ở trẻ có gì đặc biệt?
Đau đầu ở trẻ không phải là chuyện hiếm thấy nhưng khi trẻ còn bé quá chưa mô tả được chứng đau đầu mà thường trẻ đã lớn mới cảm nhận được đau đầu để nói cho phụ huynh biết. Có 2 loại đau đầu điển hình nhất là: đau đầu cấp tính và đau đầu tái diễn (tái phát). Đau đầu cấp tính thường xuất phát từ các bệnh mang tính chất cấp tính như viêm nhiễm do vi sinh vật gọi là bệnh nhiễm trùng, như viêm họng cấp, viêm amidan cấp, viêm tai cấp, viêm xoang cấp hoặc một số bệnh như sốt xuất huyết, viêm não, màng não. Triệu chứng hay gặp nhất là sốt và đau đầu (sốt có thể chỉ sốt nhẹ nhưng đôi khi sốt cao hoặc rất cao). Tùy theo tính chất và bản chất của từng bệnh nhiễm trùng mà còn nhiều triệu chứng kèm theo, ví dụ bệnh u não, viêm màng não thì ngoài triệu chứng đau đầu có thể có buồn nôn, nôn vọt, sợ ánh sáng, sợ tiếng động hoặc bị mờ mắt hoặc liệt... Loại đau đầu tái diễn có thể gặp lặp đi lặp lại nhiều lần, điển hình nhất là hội chứng Migraine. Hội chứng Migraine ở trẻ là thường bị đau nửa đầu khá nhiều lần (cơn) trong 1-2 ngày (thường có từ 5 cơn trở lên). Đau nửa đầu có thể hai bên hoặc chỉ một bên ở trán, 2 thái dương (hoặc chỉ một bên thái dương). Đau nửa đầu thường có kèm theo buồn nôn hoặc nôn thực sự, đặc biệt nhất là rất sợ tiếng ồn (tiếng hò reo, nhạc quá to, ánh sáng chói chang...). Ngoài ra người ta còn thấy đau đầu có khi chỉ âm ỉ và kéo dài suốt ngày đêm (đau đầu do bệnh tăng huyết áp, đau đầu do rối loạn tiền đình) hoặc đau từng cơn và cũng có loại đau đầu hay xảy ra vào lúc nửa đêm gần sáng.
Cần chú ý khi trẻ kêu đau đầu
Bình luận của bạn