Vụ sữa giả thu lời 500 tỷ: Con voi chui lọt lỗ kim

Sản phẩm sữa giả dành cho người đái tháo đường bị cơ quan chức năng thu giữ - Ảnh: VTV.

Đồng hành bảo vệ người tiêu dùng và chống lừa đảo trực tuyến

Đối phó với vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử

Đề xuất án 10-15 năm tù cho tội danh bán thực phẩm giả

Những “con voi” nhưng không ai nhìn thấy

Theo kết quả điều tra từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, từ tháng 8/2021, hai đối tượng Hoàng Mạnh Hà và Vũ Mạnh Cường đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng gia tăng của người dân với các sản phẩm sữa bột nội địa, đặc biệt là nhóm hàng dành cho người bệnh và trẻ em. Từ đó, họ cùng nhau thành lập Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group, đồng thời thiết lập một dây chuyền sản xuất và phân phối khép kín cho các sản phẩm sữa bột giả.

Hà và Cường mở nhà máy tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa (Chương Mỹ, Hà Nội) để trực tiếp sản xuất các loại sữa giả. Họ tuyển dụng Hồ Sỹ Ý – một cổ đông góp vốn – đảm nhiệm toàn bộ công tác điều hành sản xuất và chịu trách nhiệm chất lượng sản phẩm tại nhà máy. Sản phẩm sữa được công bố là chứa tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột óc chó, macca... nhưng thực tế hoàn toàn không có những thành phần này. Một số chất dinh dưỡng bị phát hiện có hàm lượng chưa đạt 70% so với công bố – đủ căn cứ để xác định là hàng giả.

Để hợp thức hóa và tiêu thụ trơn tru khối lượng hàng hóa khổng lồ, Hà và Cường đã lập nên một “hệ sinh thái” gồm 11 công ty có liên kết. Các công ty này đứng tên trong hồ sơ công bố nhãn hàng, thực hiện đăng ký thương hiệu, và đảm nhận việc phân phối các sản phẩm ra thị trường. Toàn bộ hoạt động được vận hành bài bản, chia theo từng khâu: từ sản xuất, đăng ký giấy tờ, truyền thông quảng bá, đến tiêu thụ hàng loạt trên thị trường.

Xưởng sản xuất sữa giả được cơ quan lực lượng chức năng triệt phá - Ảnh chụp màn hình.

Xưởng sản xuất sữa giả được cơ quan lực lượng chức năng triệt phá - Ảnh chụp màn hình.

Làm sao "con voi" chui lọt được lỗ kim?

Lợi dụng các lỗ hổng trong quy định quản lý Nhà nước

Theo lời khai của bị can Hồ Sỹ Ý (37 tuổi), cổ đông góp vốn Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood, điều hành nhà máy sản xuất, hàm lượng dinh dưỡng để sản xuất sữa bột “không được kiểm tra nên dẫn tới sự sai sót như thế”. Trong khi đó, bị can Đặng Trung Kiên, cổ đông góp vốn, Phó Giám đốc Công ty Rance Pharma, Công ty Hacofood khai nhận: “Khi triển khai đăng ký hồ sơ bên chi cục cũng có hướng dẫn việc kiểm nghiệm”. Tuy nhiên chỉ kiểm nghiệm các chỉ tiêu như an toàn vi sinh còn “kiểm nghiệm dưỡng chất thì gần như không.”

“Không được kiểm tra” ở đây có thể hiểu là theo quy định hiện hành, quy định doanh nghiệp được quyền “tự công bố” tiêu chuẩn chất lượng, thành phần, hàm lượng dinh dưỡng của sản phẩm thực phẩm chức năng mà không cần sự kiểm định trước từ cơ quan chức năng. Cùng với đó đúng như theo lời khai của bị can, quá trình kiểm nghiệm được thực hiện chỉ tập trung vào các chỉ tiêu an toàn vi sinh và các dưỡng chất công bố không bị kiểm nghiệm thực tế. Điều này dẫn đến tình trạng sản phẩm có thể được đưa ra thị trường dù không đạt tiêu chuẩn công bố.

Bên cạnh đó, việc giám sát sau công bố sản phẩm gần như không được thực hiện thường xuyên hoặc có hiệu quả, cho phép những công ty như Rance Pharma và Hacofood vận hành nhiều năm liền mà không bị phát hiện.

Mặt khác, các đối tượng vận hành 11 công ty này đã tận dụng mạng xã hội, thuê người nổi tiếng để quảng cáo thổi phồng công dụng sản phẩm. Tuy nhiên, chế tài xử phạt hành vi quảng cáo sai sự thật còn nhẹ và không có tác dụng răn đe.

Chiêu trò với "chứng nhận FDA"

Được biết, để “lập lờ đánh lận con đen”, các đối tượng đã liên tục quảng bá các sản phẩm của công ty “đạt chuẩn FDA Hoa Kỳ” nhằm tạo vỏ bọc uy tín. Tuy nhiên trên thực tế, những sản phẩm này không hề được FDA (Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ) cấp phép hay kiểm định, mà chỉ được một công ty tư nhân tên Willow Glen Consultancy cấp giấy “Certificate of Registration” – xác nhận rằng doanh nghiệp đã đăng ký cơ sở sản xuất với FDA.

Điều đáng nói là cụm từ “FDA approved” – vốn mang giá trị pháp lý rất cao trong hệ thống quản lý thực phẩm, dược phẩm của Mỹ – lại bị sử dụng một cách mập mờ, gây hiểu nhầm nghiêm trọng.

Theo đó, “FDA approved” là thuật ngữ chỉ dành cho những sản phẩm đã trải qua quy trình đánh giá khắt khe của FDA, bao gồm kiểm nghiệm lâm sàng, phân tích thành phần, dữ liệu an toàn – trước khi được phép lưu hành tại thị trường Mỹ.

Việc đạt chuẩn “FDA approved” đồng nghĩa với việc sản phẩm đã được chứng minh là an toàn và hiệu quả đối với người dùng, dựa trên các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về khoa học và sức khỏe cộng đồng.

Ngược lại, các sản phẩm như thực phẩm chức năng, sữa bột dinh dưỡng, mỹ phẩm... không cần và cũng không được FDA phê duyệt trước khi đưa ra thị trường. Nhà sản xuất chỉ cần đăng ký thông tin cơ sở sản xuất với FDA để phục vụ mục đích quản lý xuất nhập khẩu – gọi là “FDA registration”.

Tuy nhiên, chính sự khác biệt này đã bị nhiều doanh nghiệp lợi dụng: họ sử dụng “giấy đăng ký” với FDA để mập mờ thành “chứng nhận FDA” hoặc “đạt chuẩn FDA”, khiến người tiêu dùng lầm tưởng rằng sản phẩm đã được kiểm định chất lượng bởi cơ quan quản lý uy tín nhất nước Mỹ.

Ảnh chụp màn hình giấy chứng nhận FDA do Rance Pharma công bố.

Ảnh chụp màn hình giấy "chứng nhận FDA" do Rance Pharma công bố.

Trong ảnh giấy chứng nhận mà Rance Pharma quảng bá, có thể thấy rõ đây là một “Certificate of Registration” do Willow Glen Consultancy – một đơn vị tư nhân cấp, kèm theo dòng cảnh báo: “Willow Glen Consultancy is a private agent not affiliated with the U.S. Food and Drug Administration” (Willow Glen Consultancy là một công ty tư nhân không liên kết với Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ). Dù vậy, doanh nghiệp vẫn gắn thêm logo "FDA Approved" ở góc phải trên - để tăng tính thuyết phục và điều này là hoàn toàn sai lệch.

Như vậy, việc sử dụng “giấy chứng nhận FDA” sai mục đích không chỉ là hành vi gian dối trong quảng cáo, mà còn là chiêu trò tinh vi nhằm hợp pháp hóa sản phẩm kém chất lượng. Người tiêu dùng cần cảnh giác cao độ trước những cụm từ như “FDA certified”, “chuẩn Mỹ”, “đạt tiêu chuẩn FDA” – đặc biệt khi đi kèm các sản phẩm liên quan đến sức khỏe.

Một hệ sinh thái lừa đảo bài bản nhưng công khai

Trong suốt gần 4 năm, từ 2021 đến đầu 2025, hệ sinh thái lừa đảo này đã tung ra thị trường tới 573 loại sữa bột giả, thu về gần 500 tỷ đồng. Dù hoạt động bài bản như một mô hình doanh nghiệp thông thường, họ đã vận hành toàn bộ quy trình một cách tinh vi và công khai, tận dụng chính sách “thoáng” trong quản lý thực phẩm để biến hành vi lừa đảo trở nên hợp pháp trên bề mặt hồ sơ.

Vụ việc là lời cảnh tỉnh sâu sắc với các cơ quan quản lý nhà nước và đặt ra yêu cầu cấp bách phải siết chặt quy định công bố thực phẩm, tăng cường hậu kiểm, kiểm nghiệm độc lập, và xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo gian dối. Bằng không, “con voi” của các doanh nghiệp gian dối sẽ tiếp tục chui lọt “lỗ kim” của pháp luật – gây tổn hại nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng và niềm tin xã hội.

 
Hà Chi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin