Công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng gặp nhiều thách thức
Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử
Thu hồi toàn quốc lô thuốc kém chất lượng của Công ty Pymepharco
Thu hồi toàn quốc lô thuốc Viên nén Paineuron 15 vi phạm mức độ 3
Thu hồi trên toàn quốc một lô kem chống nắng kém chất lượng
Buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung và đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng (TPCN) nói riêng là một trong những vấn nạn của xã hội. Hậu quả của tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến kinh tế, sức khỏe, tính mạng của người dân, sức khỏe giống nòi, lợi ích người tiêu dùng.
Đối với nhà sản xuất, những vi phạm trên ảnh hưởng tới uy tín, thương hiệu của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chính đáng; Gây thất thu ngân sách, tác động tiêu cực đến sự phát triển ổn định, lành mạnh môi trường kinh doanh và an ninh trật tự.
Trong 4 năm thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành, địa phương và lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt, tích cực phối hợp và triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa, đấu tranh. Cùng với sự ủng hộ của người tiêu dùng, sự lên án, tẩy chay, tố giác các hành vi vi phạm của cộng đồng doanh nghiệp, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã phát hiện và xử lý hàng chục nghìn vụ việc vi phạm.
Theo số liệu tổng hợp của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm và TPCN giảm dần trong những năm gần đây.
Mặt khác cũng cho thấy, xu hướng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung, và đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN nói riêng, đã dịch chuyển từ nhỏ lẻ, tự phát (qua đường mòn, lối mở, trao đổi hàng hóa cư dân biên giới, hàng xách tay...) sang lợi dụng tư cách pháp nhân thành lập công ty, liên doanh, liên kết trong và ngoài nước hình thành đường dây, ổ nhóm để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với quy mô lớn hơn, phương thức thủ đoạn tinh vi với mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng hơn.
Hình thức kinh doanh, mua bán vận chuyển, giao nhận hàng hóa trực tiếp phổ thông, truyền thống dần bị "lấn án" bởi ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử để mua bán hàng hóa, kinh doanh vận chuyển hàng hóa vi phạm qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh. Hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ được công khai mua bán giao dịch trên môi trường mạng, đến tận nhà dân; Trong khi còn vướng mắc về cơ chế pháp lý, thiếu lực lượng, biện pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật, quan hệ phối hợp để phát hiện và xử lý loại hình vi phạm này.
Hàng giả, hàng cấm, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, gian lận xuất xứ hàng hóa vẫn diễn ra phức tạp, tỷ lệ phát hiện và xử lý chưa tương xứng với thực tế, một số vụ việc, vụ án phát hiện song không xác định được đối tượng vi phạm, khó khăn trong việc thu giữ, bảo quản, xử lý tang vật, vật chứng.
Buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung và đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nói riêng tuy có giảm dần trong những năm gần đây, song còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp trở lại. Nguyên nhân nằm ở xu hướng cạnh tranh và bảo hộ mậu dịch giữa các quốc gia, áp lực lạm phát gia tăng, nhu cầu phát triển sản xuất, tiêu dùng tăng cao.
Bên cạnh đó, biến động chênh lệch giá hàng hóa giữa các khu vực, vùng miền trong và ngoài nước còn lớn. Đặc biệt, sự khan hiếm cục bộ và tăng giá đột biến một số mặt hàng trọng điểm thiết yếu là động cơ dẫn đến buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Những vấn đề nói trên đặt ra thách thức cho các cấp, các ngành, và các cơ quan, lực lượng chức năng thực thi về công tác này.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thời gian tiếp theo cần tập trung vào một số giải pháp sau:
1) Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
2) Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương và lực lượng chức năng căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao chủ động công tác nắm tình hình, nhận diện những vấn đề nổi cộm phức tạp, xây dựng triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, điều tra phát hiện xử lý nghiêm mọi hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói chung, và đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng nói riêng. Tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đánh trúng, đánh dùng đối tượng chủ mưu cầm đầu đường dây ổ nhóm, tụ điểm phức tạp nhằm răn đe và phòng ngừa chung.
3) Tiếp tục rà soát những khó khăn, vướng mắc (về quy định của pháp luật, cơ chế phối hợp và các điều kiện khác), kiến nghị sửa đổi, bổ sung thay thế kịp thời, từng bước hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
4) Ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ số, tăng cường công tác phối hợp giữa các lực lượng, khai thác, chia sẻ, thông thông tin, dữ liệu sẵn có phục vụ mục tiêu chung chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền theo phương châm tăng cường về tần suất, đa dạng về hình thức, đảm bảo nội dung, chất lượng tuyên truyền.
5) Đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ năng lực cán bộ thực thi, bổ sung kinh phí hoạt động, trang bị phương tiện chuyên dùng phục vụ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Chính sách an sinh xã hội để giải quyết công ăn việc làm cho cư dân biên giới, vùng sâu, vùng xa hạn chế tối đa việc bị lợi dụng, lôi kéo vào buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả...
Bình luận của bạn