1
2

Vào ngày 15/11/2022, dân số thế giới đã chính thức đạt mốc 8 tỷ người - gấp đôi so với mốc thời điểm 48 năm về trước. Không chỉ là một sự kiện trọng đại, điều này còn đặt ra nhiều câu hỏi, bài toán cho tất cả chúng ta: Liệu chúng ta có đủ lương thực để đáp ứng cho số dân ngày càng tăng? Làm thế nào chúng ta có thể đối diện được với các đại dịch tiếp theo, nếu gặp phải quá tải trong hệ thống chăm sóc sức khỏe?

Theo đó, việc dân số thế giới ngày càng tăng, cũng như các tác động của biến đổi khí hậu có thể gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu, từ đó tác động tới sức khỏe cộng đồng.

Nhiệt độ Trái đất tăng lên có thể ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của người dân toàn cầu. Theo đó, tình trạng nóng lên toàn cầu có thể khiến tình trạng bệnh tim mạch, hô hấp ở nhiều người trở nên trầm trọng hơn. Khi tình trạng say nắng trở thành sốc nhiệt, nhiều người cũng sẽ bị tổn thương tim, não, thận, thậm chí tử vong.

Hiện nay, khoảng 30% dân số toàn cầu đang phải đối mặt với tình trạng say nắng, sốc nhiệt nguy hiểm mỗi năm. Các chuyên gia ước tính với tình trạng biến đổi khí hậu khó lường, con số này có thể tăng lên từ 48 - 76% vào cuối thế kỷ 21.

Khi dân số thế giới ngày càng tăng cao, kết hợp với tình trạng nóng lên toàn cầu, số người phải dựa vào điều hòa không khí cũng sẽ ngày càng tăng. Điều này một lần nữa lại góp phần gây ra biến đổi khí hậu nghiêm trọng hơn.

3

Nhiều chuyên gia đã chỉ ra rằng, đại dịch COVID-19 và các thách thức toàn cầu khác như biến đổi khí hậu, chiến tranh, xung đột… là những yếu tố chính ảnh hưởng tới quá trình đạt được bình đẳng giới.

Theo đó, các thách thức này có thể tác động tới sức khỏe, hạnh phúc của nữ giới, đặc biệt là phụ nữ tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Theo một báo cáo về mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Quỹ Phát triển Phụ nữ của Liên Hiệp Quốc (UN Women), trên toàn cầu, cứ 10 người phụ nữ và bé gái trong độ tuổi từ 15 - 19 lại có hơn 1 người bị bạo lực tình dục và/hoặc thể xác bởi bạn tình vào năm 2021. Đại dịch cũng làm chậm tiến độ giảm nghèo, an ninh lương thực, cũng như khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục thiết yếu.

Trong lĩnh vực y tế, đại dịch COVID-19 đã tàn phá hệ thống y tế ở cả các quốc gia giàu và nghèo, khiến phụ nữ nghèo không được chăm sóc sức khỏe như họ đáng được hưởng. Đại dịch cũng khiến sức khỏe thể chất tinh thần của mọi người trở nên tồi tệ hơn, đồng thời làm giảm cơ hội có một cuộc sống khỏe mạnh của phụ nữ ở khắp các quốc gia trên thế giới.

Tuổi thọ của phụ nữ trên toàn cầu đã rút ngắn 1,6 năm khi so sánh giữa số liệu năm 2021 với năm 2019. Ở một số quốc gia, mức giảm thậm chí còn cao hơn (ví dụ như Nam Phi là 4,1 năm). Sức khỏe tinh thần của phụ nữ cũng có xu hướng trở nên tệ hơn, đặc biệt tệ hơn nhiều hơn so với nam giới. Tỷ lệ lo lắng tăng 28% đối với phụ nữ (so với tăng 22% với nam giới); Tỷ lệ rối loạn trầm cảm cũng tăng 30% ở phụ nữ (so với tăng 24% ở nam giới).

4

Ngoài ra, tại các nước đang phát triển, tỷ lệ sinh trong tuổi vị thành niên ở các bé gái không/ít được đào tạo tiểu học, hoặc ở những bé với gia cảnh nghèo có xu hướng không thay đổi, thậm chí còn tăng trong một số trường hợp.

Các hạn chế về pháp lý (bao gồm cả việc hình sự hóa việc phá thai ở một vài nơi trên thế giới) cũng tiếp tục làm phức tạp thêm những thách thức mà phụ nữ phải đối mặt trong việc tiếp cận chăm sóc sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn. Ngày nay, vẫn còn hơn 1,2 tỷ phụ nữ và các bé gái trong độ tuổi sinh sản (15 - 49) sống ở các quốc gia và khu vực có một số hạn chế về tiếp cận phá thai an toàn.

5

Bạn hãy thử tưởng tượng một thế giới, nơi tất cả mọi người - hơn 8 tỷ người chúng ta - có một tương lai đầy hứa hẹn và tiềm năng. Thế nhưng, mở mắt ra, bạn sẽ thấy thế giới thực tế hiện nay với 4 tỷ phụ nữ và các bé gái - một nửa của nhân loại - vẫn đang phải đối mặt với tình trạng phân biệt đối xử, phân biệt giới tính.

30 năm trước, tại Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD), chúng ta đã đặt mục tiêu về một thế giới, nơi mọi người có thể sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn, cũng như có thể được hưởng nhiều quyền lợi, được tự do lựa chọn hơn bao giờ hết. Mục tiêu này đã trở thành hiện thực với nhiều người. Thực tế là dân số loài người đang ở mức cao nhất từ trước tới nay, phần lớn nhờ vào những cải thiện trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, kéo dài tuổi thọ.

Tuy nhiên, trong khi vui mừng vì những tiến bộ đã đạt được, chúng ta cũng phải nhận ra rằng với hàng triệu, thậm chí với hàng tỷ người khác, lời hứa này vẫn còn nằm ngoài tầm với.

Ngày Dân số Thế giới năm nay với chủ đề “Phát huy sức mạnh của bình đẳng giới” là một lời nhắc nhở, rằng chúng ta có thể có được một tương lai thịnh vượng, hòa bình và bền vững như đã hình dung, nếu chúng ta khai thác được sức mạnh tiềm tàng của mỗi người trên hành tinh này. Khi giải phóng được toàn bộ tiềm năng của phụ nữ và các bé gái - khuyến khích và nuôi dưỡng mong muốn của họ về cuộc sống, gia đình và sự nghiệp - thế giới có thể trông chờ khả năng lãnh đạo, ý tưởng, đổi mới và sáng tạo của một nửa thế giới để hướng tới xã hội thực sự tốt đẹp hơn.

Có nhận thức, cũng như quyền được đưa ra các quyết định về giới tính, sức khỏe sinh sản cho tất cả mọi người là nền tảng của bình đẳng giới, nhân phẩm và cơ hội. Tuy nhiên, hơn 40% phụ nữ trên khắp thế giới vẫn chưa thể thực hiện quyền được đưa ra các quyết định cơ bản, như việc bản thân họ muốn có con hay không. Việc trao quyền cho phụ nữ và các bé gái, bao gồm thông qua giáo dục và tiếp cận với các biện pháp tránh thai hiện đại, có thể giúp hỗ trợ họ đạt được nguyện vọng, cũng như vạch ra con đường cho cuộc đời của chính họ.

Thúc đẩy bình đẳng giới là một giải pháp xuyên suốt cho nhiều vấn đề về dân số. Trong các xã hội phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số, đối mặt với nỗi lo về năng suất lao động, việc đạt được bình đẳng giới trong lực lượng lao động là cách hiệu quả nhất để cải thiện tăng trưởng sản lượng và thu nhập. Trong khi đó, ở những quốc gia có tốc độ tăng dân số nhanh, việc trao quyền cho phụ nữ thông qua giáo dục và kế hoạch hóa gia đình có thể mang lại những lợi ích to lớn, giúp tăng trưởng kinh tế toàn diện.

30 năm trước, thế giới đã thống nhất một tầm nhìn chung về tương lai, một tầm nhìn công nhận quyền của phụ nữ và các bé gái là trọng tâm của sự phát triển toàn cầu. Giải pháp rất rõ ràng: Thúc đẩy tiến bộ bình đẳng giới - thông qua việc nhận thức, cũng như quyền được đưa ra các quyết định về giới tính, sức khỏe sinh sản; Cải thiện giáo dục; Có các chính sách lao động phù hợp; Có các chuẩn mực công bằng tại nơi làm việc và trong gia đình - sẽ mang tới những gia đình khỏe mạnh, nền kinh tế vững mạnh hơn và xã hội bền vững hơn.

Thông điệp về bình đẳng giới ngày nay vẫn mạnh mẽ như lúc bấy giờ và chúng ta cũng cần giữ vững quyết tâm đó. Một lần nữa, hãy đoàn kết để hướng tới một thế giới, nơi mọi người trong số chúng ta đều có cơ hội bình đẳng để phát triển. Hãy hợp lực để đảm bảo thực tế rằng tài sản thực sự của mọi quốc gia chính là người dân, tất cả mọi người, chứ không phải chỉ một nửa trong số đó.

6
7
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa