"Manh mối" mới về nguồn gốc của đại dịch COVID-19

Trung Quốc công bố những dữ liệu mới được thu thập tại khu chợ ở Vũ Hán, nơi được coi là nguồn gốc đại dịch COVID-19 - Ảnh: Reuters.

WHO nhận định về dữ liệu tình hình dịch COVID-19 tại Trung Quốc

WHO: Đại dịch COVID-19 đang ở "giai đoạn chuyển tiếp"

WHO: Giai đoạn khẩn cấp của đại dịch vẫn chưa kết thúc

Cảnh báo gia tăng các bệnh nhiễm trùng khó điều trị sau đại dịch COVID-19

Trung Quốc chính thức mở cửa và mối lo ngại về các biến thể mới

Virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được xác định tại thành phố Vũ Hán của Trung Quốc vào tháng 12 năm 2019 trước khi bùng phát khắp thế giới và khiến 7 triệu người thiệt mạng cho tới nay.

Tuần qua, trên Tạp chí Nature, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc đã công bố một phân tích về các mẫu gạc được thu thập từ chợ hải sản tươi sống ở Vũ Hán trong những tuần đầu của đại dịch COVID-19.

“Phân tích xác nhận rằng các mẫu bệnh phẩm từ Chợ bán buôn hải sản Hoa Nam – đóng cửa vào tháng 1/2020 và từ lâu đã được cho là nguồn gốc của đại dịch – có chứa vật liệu di truyền từ động vật hoang dã và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2,” bài báo viết.

Những "manh mối" mới này đã được các nhà khoa học Trung Quốc tải lên một cơ sở dữ liệu quốc tế vào tháng trước. Nó bao gồm các trình tự gene được tìm thấy trong hơn 1.000 mẫu môi trường bao gồm các quầy hàng, bề mặt, lồng, máy móc và động vật được lấy vào tháng 1/2020 tại chợ hải sản Hoa Nam ở Vũ Hán.

Chợ hải sản ở Vũ Hán bị phong tỏa hồi năm 2019, khi các nhà khoa học nghi ngờ là nơi bắt nguồn của virus SARS-CoV-2 - Ảnh: AP

Chợ hải sản ở Vũ Hán bị phong tỏa hồi năm 2019, khi các nhà khoa học nghi ngờ là nơi bắt nguồn của virus SARS-CoV-2 - Ảnh: AP

Theo BBC, dữ liệu của nhóm khoa học Trung Quốc cho thấy, DNA của nhiều loài động vật bao gồm cả loài lửng chó, có trong các mẫu môi trường cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cho rằng "những mẫu môi trường này không thể chứng minh rằng động vật đã bị nhiễm bệnh" và không cung cấp những bằng chứng rõ ràng về cách thức dịch bệnh bùng phát hay không thể xác định được vật chủ nào đã khơi nguồn cho chuỗi lây nhiễm. Nhóm này đặt ra giả thuyết rằng một người nào đó đã mang mầm bệnh ban đầu vào ngôi chợ.

Trong khi đó, tháng 3 vừa qua, một nghiên cứu quốc tế mới dẫn đầu bởi ba nhà nghiên cứu nổi tiếng là Kristian Andersen (Đại học Arizona - Mỹ), Edward Holmes (Đại học Sydney - Úc) và Michael Worobey (Viện nghiên cứu Scripps) đã chỉ ra những "manh mối" ngược lại. Theo đó, nhóm nghiên cứu quốc tế đã tìm thấy vật liệu di truyền dồi dào của những con lửng chó trong một mẫu dương tính với SARS-CoV-2, cho thấy virus này đã tồn tại chung với sinh vật này trong chuồng nuôi nhốt.

Việc buôn bán lửng chó là trái phép ở Trung Quốc và chúng đã được dọn sạch trước khi các nhà khoa học tiến hành lấy mẫu, đó có thể là lý do ban đầu người ta không nghĩ đến chúng trong cuộc tìm kiếm nguồn gốc mầm bệnh.

Dù rằng điều này không giúp khẳng định các con lửng chó này mang bệnh hay chúng là thứ đầu tiên nhiễm bệnh trong ngôi chợ, nhưng là một manh mối quý giá cho cuộc lần tìm đầy khó khăn đối với nguồn gốc của đại dịch COVID-19.

Tranh cãi tiếp tục nổ ra

Loài lửng chó bị nghi ngờ là vật chủ làm trung gian giữa virus corona và con người

Loài lửng chó bị nghi ngờ là vật chủ làm trung gian giữa virus corona và con người

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tin rằng Trung Quốc chưa chuyển hết dữ liệu có thể làm sáng tỏ nguồn gốc COVID-19 và đề nghị Bắc Kinh chia sẻ tất cả thông tin liên quan.

"Khi chúng tôi không được tiếp cận đầy đủ với toàn bộ thông tin Trung Quốc đang có, mọi giả thuyết đều được nêu ra. Đó là lý do chúng tôi yêu cầu Trung Quốc hợp tác trong vấn đề này", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesu phát biểu tại cuộc họp báo Geneva, Thụy Sĩ ngày 6/4.

Sau những dữ liệu mới được Trung Quốc chia sẻ, bà Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19 nhận định trong cuộc họp báo rằng thông tin mới cung cấp một số manh mối, nhưng không phải câu trả lời rõ ràng về nguồn gốc đại dịch. Bà nhấn mạnh những dữ liệu đó được thu thập vào tháng 1 và tháng 2/2020 và Trung Quốc lẽ ra phải chia sẻ chúng từ lâu.

"Khi không có thông tin và dữ liệu để đánh giá đúng, chúng tôi rất khó đưa ra câu trả lời cụ thể. Đến thời điểm hiện tại, chúng ta cũng chưa có câu trả lời chắc chắn đại dịch đã bắt đầu như thế nào", bà Maria Van Kerkhove cho hay.

Trong bài viết trên Tạp chí Science hôm 6/4, bà Maria Van Kerkhove tin rằng Trung Quốc có dữ liệu mà họ không chia sẻ, trong đó có hoạt động buôn bán động vật hoang dã và động vật nuôi tại chợ Vũ Hán, kết quả xét nghiệm trên người và động vật ở Vũ Hán cũng như trên khắp Trung Quốc, hay hoạt động của các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán nghiên cứu về virus corona. Bà yêu cầu Trung Quốc chia sẻ tất cả dữ liệu về virus SARS-CoV-2 "ngay lập tức".

Trong khi đó, ông Tedros nhấn mạnh tầm quan trọng "sống còn" của việc tìm ra câu trả lời về nguồn gốc đại dịch, chỉ ra rằng xác định nguồn gốc COVID-19 có thể giúp ngăn chặn các đại dịch trong tương lai.

Theo Straits Times, Trung Quốc đã có lời đáp trả ngay tại cuộc họp báo ngày 8/4, ông Shen Hongbing, giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, cảnh báo WHO không nên chính trị hóa nguồn gốc COVID-19 và không trở thành công cụ của một quốc gia khác.

"Chúng tôi kêu gọi những người có liên quan từ WHO quay trở lại lập trường khoa học và vô tư, đồng thời không tích cực hoặc bị buộc phải trở thành công cụ để các quốc gia riêng lẻ chính trị hóa việc truy tìm nguồn gốc của virus corona", ông Hongbing nhấn mạnh.

Nhân viên an ninh đứng canh gác trước Viện nghiên cứu virus học Vũ Hán, Trung Quốc - Ảnh: AFP

Nhân viên an ninh đứng canh gác trước Viện nghiên cứu virus học Vũ Hán, Trung Quốc - Ảnh: AFP

Ông Shen Hongbing cho biết, các nhà khoa học Trung Quốc đã điều tra khả năng rò rỉ phòng thí nghiệm và "chia sẻ đầy đủ nghiên cứu cùng những dữ liệu của chúng tôi mà không có bất kỳ sự che giấu hay bảo lưu nào".

Lãnh đạo CDC Trung Quốc nhấn mạnh, nguồn gốc của COVID-19 vẫn chưa được tìm ra và cho rằng, thế giới từng cần rất nhiều năm để xác định được virus HIV/AIDS và nguồn gốc của căn bệnh này cũng vẫn chưa rõ ràng.

Khi được hỏi tại sao lại mất nhiều thời gian để công bố các phát hiện về COVID-19, ông Hongbing cho biết họ có quy trình bình duyệt và cần phải thực hiện thêm các nghiên cứu khác, theo Straits Times.

Gần đây, một số cơ quan chính phủ của Mỹ bất ngờ xới lại tranh luận khi cho rằng COVID-19 khả năng là do sự cố rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán, Trung Quốc. Cùng với đó, ngày 20/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký một dự luật yêu cầu giải mật thông tin liên quan đến nguồn gốc của COVID-19. Theo luật mới, Giám đốc Tình báo quốc gia Avril Haines có 90 ngày để giải mật tất cả thông tin về mối liên hệ có thể có giữa Viện Virus học Vũ Hán của Trung Quốc và nguồn gốc COVID-19.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã liên tục bác bỏ giả thuyết COVID-19 bắt nguồn từ một vụ rò rỉ trong phòng thí nghiệm ở thành phố Vũ Hán, đồng thời tuyên bố họ"công khai và minh bạch" về nguồn gốc đại dịch này.

 
Hiệp Nguyễn (Theo BBC/New York Times/Livemint)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn