Các chuyên gia giúp đính chính nhiều tin đồn phản khoa học trong điều trị ung thư
Hóa trị ung thư không hiệu quả, có thể thử với liệu pháp miễn dịch
Hóa trị ung thư phổi giai đoạn 4 và những điều cần biết
Xạ trị ung thư phổi gây ra những tác dụng phụ nào?
Lần đầu cấy hạt phóng xạ trị ung thư
Trước thực trạng trên, tối 14/7/2023, Hội thảo trực tuyến Giải mã tin đồn về điều trị trong ung thư được tổ chức bởi Y học Cộng đồng, Đại học Y Dược Huế và mạng lưới các bác sĩ, cộng tác viên đa ngành với mục tiêu bảo vệ cộng đồng, đặc biệt là những bệnh nhân, người thân, khỏi những thông tin sai lệch về ung thư và điều trị ung thư. Hoạt động này nhận được sự hỗ trợ của Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Mỹ (U.S. National Academies of Sciences, Engineering, and Medicine - NASEM) để cùng phát triển Mạng lưới chuyên gia phản biện tin sai về y tế ở các nước Đông Nam Á.
Hội thảo có sự tham gia của 3 diễn giả: TS.BS Phạm Nguyên Quý (khoa Ung thư Nội khoa, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, Nghiên cứu viên ngành điều trị ung thư Đại học Kyoto). ThS.BS La Vĩnh Phúc (giảng viên Bộ môn Ngoại, Trường Đại Học Y Dược Cần Thơ; Bác sĩ Khoa Ngoại Tiêu Hoá, Bệnh viện Đa Khoa TP. Cần Thơ). BS Phạm Anh Đức (khoa Xạ trị, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, thành viên Hiệp hội Xạ trị và Ung thư Châu Âu - ESTRO).
Trong chương trình, ThS.BS La Vĩnh Phúc đã giải đáp nhiều tin đồn về phẫu thuật ung thư, giúp người bệnh tiếp cận những kiến thức mới nhất trong điều trị. Một trong những tin đồn phổ biến nhất là đụng dao kéo sẽ làm ung thư lây lan nhanh hơn. ThS.BS Phúc giải thích: "Sở dĩ có tin đồn này do có một số bệnh nhân đã phẫu thuật nhưng bệnh tái phát sớm. Thực tế, những bệnh nhân này khi phát hiện bệnh đã ở giai đoạn muộn, phải phẫu thuật cấp cứu, các bác sĩ chỉ giải quyết tạm thời sức khỏe của bệnh nhân để kéo dài sự sống nên hiệu quả điều trị thấp. Cũng qua đây, yếu tố tiên quyết với tất cả mọi người là cần tầm soát định kỳ để phát hiện sớm ung thư".
Hay nhiều người truyền tai nhau phẫu thuật ung thư sẽ rất đau đớn. ThS.BS Phúc cho biết: "Có tin đồn này vì đa số bệnh nhân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, khi u đã rất to và xâm lấn, nên khi phẫu thuật bác sĩ phải cắt rộng làm cho đường mổ dài gây đau nhiều. Hiện tại, y học đã tiến bộ rất nhiều, đã có nhiều phương pháp giảm đau và nhiều loại thuốc giảm đau kết hợp, nếu áp dụng đúng cách thì bệnh nhân sẽ rất ít đau và hồi phục rất tốt. Bên cạnh đó, nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm thì việc điều trị ung thư sẽ ít xâm lấn và nhẹ nhàng hơn, nên bệnh nhân cũng sẽ ít đau".
Nhiều bệnh nhân cho rằng phải kết hợp nhiều biện pháp thì hiệu quả điều trị ung thư mới tốt nhất. "Thực tế, không phải cứ kết hợp nhiều phương pháp thì hiệu quả sẽ cao nhất. Mà tùy vào tình trạng, giai đoạn và nhu cầu của mỗi bệnh nhân mà lựa chọn phương pháp điều trị sao cho phù hợp. Người bệnh yên tâm rằng các bác sĩ đã hội chẩn với nhiều chuyên khoa khác nhau để lựa chọn phương pháp hiệu quả nhất cho mình", ThS.BS Phúc nhấn mạnh.
Về xạ trị, đính chính tin đồn xạ trị gây ra ung thư, xạ trị gây nên tế bào ung thư mới, BS Phạm Anh Đức cho biết: "Xạ trị đã được kiểm chứng là phương pháp tiêu diệt tế bào ung thư. Tỷ lệ gây ra tế bào ung thư mới là rất nhỏ so với lợi ích mà xạ trị mang lại. Nhiều người còn quan niệm "xạ trị làm mất tóc vĩnh viễn”. Thực tế còn phụ thuộc vào vị trí xạ trị, một số bệnh nhân xạ trị vùng đầu cổ thì có thể bị rụng tóc, tuy nhiên sau kết thúc xạ trị khoảng 6 tháng thì tóc sẽ bắt đầu mọc trở lại và rất ít trường hợp bệnh nhân có vấn đề về tóc sau này".
BS Phạm Anh Đức cũng đính chính tin đồn bệnh nhân xạ trị không được gần trẻ em và phụ nữ mang thai: "Có 2 phương pháp xạ trị chính là xạ trong và xạ ngoài. Với phương pháp xạ ngoài, hiện nay đa phần các cơ sở của Việt Nam đều sử dụng máy xạ trị gia tốc. Khi bệnh nhân kết thúc xạ trị sẽ như một người khỏe mạnh, không hề bị nhiễm xạ như tin đồn, nên vẫn tiếp xúc với người xung quanh bình thường. Với xạ trong, khi cấy trực tiếp hạt phóng xạ vào cơ thể bệnh nhân, người bệnh sẽ được cách ly đủ thời gian cho tới khi an toàn mới quay trở lại cuộc sống bình thường. Sau khi hoàn thành liệu trình, bệnh nhân có thể tiếp xúc bình thường mà không gây ảnh hưởng đến người khác…"
Nhiều bệnh nhân mắc ung thư băn khoăn có nên hóa trị không? TS.BS Phạm Nguyên Quý giải đáp: "Nếu kết hợp 2-3 phương pháp mà có thể giúp chữa lành hoặc kiểm soát ung thư với tỷ lệ rất cao cho bệnh nhân thì hầu hết các bác sĩ sẽ khuyến nghị (trừ khi bệnh nhân không muốn làm theo). Quyết định có nên hóa trị hay không sẽ phụ thuộc vào mục đích điều trị của từng cá nhân (triệt căn, bổ trợ để giảm tỷ lệ tái phát, giảm nhẹ để sống lâu hơn với căn bệnh). Điều quan trọng là mong muốn của người bệnh và người nhà bệnh nhân để từ đó có lựa chọn phương pháp phù hợp. Hóa trị nếu cân nhắc dùng đúng lúc thì công hiệu cao. Có nhiều thuốc hóa trị khác nhau, cũng có những tác dụng phụ khác nhau có thể xảy ra ở người này nhưng không chắc sẽ xảy ra ở người khác. Hầu hết các tác dụng phụ đều có thể phòng ngừa và kiểm soát được."
Về việc nhiều bệnh nhân băn khoăn có nên dùng thuốc nam để giảm đau do ung thư hay không. TS.BS lưu ý: "Người bệnh cần phải xác định đó là loại thuốc nam gì, có nguồn gốc từ đâu, có đảm bảo chất lượng hay không. Nếu loại thuốc tây y không có tác dụng điều trị giảm đau thì có thể hỏi bác sĩ để cân nhắc thêm. Theo kinh nghiệm của tôi, để giảm đau tốt nhất cần biết rõ nguyên nhân gây đau, từ đó dùng đúng loại thuốc để cắt cơn đau đó, như vậy sẽ hiệu quả hơn là dùng thuốc nam thuốc bắc một cách mày mò".
Với sự phát triển của mạng xã hội và các nền tảng kết nối, để giúp bệnh nhân đối phó với sự lan truyền của những tin giả, tin đồn, ThS.BS Phúc cho biết: "Mỗi khi có thông tin gì mà người bệnh chưa chắc chắn thì trước tiên nên hỏi nhân viên y tế chuyên khoa về mảng này để có câu trả lời chính xác hơn. Khi nghe những tin đồn, chúng ta tránh hoang mang lo lắng, vì những cảm xúc bất chợt với những hành động bất chợt sẽ làm ảnh hưởng đến công cuộc điều trị ung thư".
Để đảm bảo sự thành công của công cuộc điều trị ung thư, BS Phạm Anh Đức chia sẻ: "Nhiều bệnh nhân thường nói “trăm sự nhờ bác sĩ”. Nhưng thực tế, kết quả điều trị thành công hay không còn tùy vào nhiều yếu tố. Trong đó, bác sĩ, các loại thuốc men và các phương pháp điều trị chỉ chiếm một phần. Phần còn lại phụ thuộc vào gia đình bệnh nhân, và phần lớn là phụ thuộc vào bệnh nhân. Bản thân bệnh nhân phải là một người muốn chữa bệnh, luôn tâm niệm rằng bệnh sẽ chữa được và quyết tâm để chữa, tránh tuyệt vọng quá, cần lạc quan tư tưởng, kết hợp ăn uống sinh hoạt phù hợp, như vậy kết quả điều trị sẽ tốt hơn".
Chi tiết chương trình Giải mã tin đồn về điều trị trong ung thư mời bạn xem TẠI ĐÂY.
Bình luận của bạn