Giải nhiệt cuối tuần với bún riêu đậu chua thanh nhẹ dịu

Ăn chay giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu?

Các dấu hiệu, triệu chứng cảnh báo bạn đang gặp vấn đề túi mật

5 biện pháp tự nhiên giúp giảm quầng thâm mắt

5 loại quả hạch tốt cho người bệnh đái tháo đường type 2

Đi ra ngoài hàng ăn ngày Tết, món bún riêu là lựa chọn hàng đầu của nhiều thực khách, nhưng thường bát bún không chỉ là bún riêu thông thường, mà có nhiều thứ lắm: nào giò tai, nào thịt bắp bò, nào sườn sụn…. Khi Tết ra để giải nhiệt thì chúng ta chỉ nên nấu bún riêu cua truyền thống, có thêm ít đậu phụ rán ăn kèm là rất ngon, vừa dễ làm, lại vừa thanh mát, không bị đầy bụng. 
Cua để nấu bún riêu nên là cua đồng. Cua đồng có vị ngọt lạnh, ít độc. Thịt cua đồng giàu protid; có lipid, Ca, P, Fe; vitamin B1, B2, PP, B6,… Cua đồng dùng rất tốt trong hỗ trợ điều trị chứng gân xương yếu dễ gãy lâu lành; chứng huyết nhiệt huyết ứ, đau đầu, đau tim, đau ngực sườn; “trúng phong” tai biến yếu liệt chi, đau tê, miệng, mắt méo lệch; chứng phong ngứa, vảy nến, mụn độc lở… 
Hiện nay, các chị em thường mua cua xay sẵn ở chợ cho nhanh rồi về lọc, tuy nhiên thịt cua theo cách này về lọc được ít “cái” (thịt cua), thịt cua giảm độ béo và nước không ngọt bằng cua tự mua về làm sạch và giã tay. Người cầu kỳ thì lúc mua cua đã phải chọn từng con xem con nào vàng, bò khỏe, nếu lựa được con cua cái thì càng nhiều thịt. Về nhà, thả cua một lúc trong chậu nước để cua nhà bớt chất bẩn ra ngoài, sau đó rửa sạch vài lần rồi đổ ra rổ thưa cho ráo nước. Lấy từng con ra, giữ chặt tay vào hai bên thân, bóc tách phần mai lưng để riêng, tý nữa sẽ lọc gạch cua trên mai ra bát nhỏ, phần này sẽ được dùng để chưng màu cho nồi nước dùng chan bún.
Phần thân cua sau khi tách mai sẽ xóc ít muối hạt, rửa sạch lại thêm lần nữa, để ráo nước thì cho vào cối đá, giã đều tay. khi nguyên liệu cua giã này được dẻo quánh thì đưa ra nồi để lọc, loại bỏ xác cua đi và giữ phần nước cua màu nâu để nấu. Muốn có lượng “cái cua” nhiều, thì khi bắc nồi lên đun phải chú ý không đậy nắp, dùng đũa ngoáy đều tay, thịt cua mới nổi hết lên trên, không bị sát nồi. Khi nồi nước bắt đầu sủi lên, điều chỉnh cho lửa nhỏ bớt lại, thấy sôi hẳn là dùng muôi thủng hớt ngay toàn bộ thịt cua nổi ra bát. Nước dùng tạm thời chỉ có màu vàng, trong suốt, sẽ cần chế biến thêm mới có vị thơm ngon và màu sắc hấp dẫn.
Trước hết, thái nhỏ một ít thân trắng của hành lá cho vào phi thơm, tiếp đến là đổ cà chua thái hạt lựu vào cùng, đun nhừ, ra nước màu đỏ sền sệt thì đổ gạch cua vào ngoáy đều. Đây chính là bước chưng nước màu. 
Đặt lại nồi nước dùng lúc nãy lên bếp, đun sôi lại thì thả cà chua đã bổ cau, nước màu, một ít dấm bỗng, ít hành phi và nêm gia vị, nước mắm cho hơi đậm miệng (khi chan vào bún thì nước mới vừa). Đun một lúc, nước dùng sẽ có màu vừa vàng, vừa đỏ rất đẹp, trông hấp dẫn. 
Để chuẩn bị cho bát bún riêu, cần xếp bún đã chần nóng vào trước, tiếp đến là đậu phụ xắt miếng nhỏ rán vàng (cũng có thể thả đậu vào nồi nước dùng để đậu ngấm vị thơm ngọt, sẽ ngon hơn), “cái cua”, hành lá và rau sống thái nhỏ, rắc chút hành phi lên trên. Nước dùng đun sôi, chan vào các bát thật nóng, dậy hương thơm, màu sắc bát bún lúc này khá sặc sỡ, nào xanh, đỏ, vàng, tia tía… Chẳng thế mà người ta hay có câu “màu mè riêu cua” để chỉ những người chuộng gu ăn mặc nhiều màu sắc.  
Bát bún riêu thơm ngọt, thanh mát, hấp dẫn và đảm bảo sạch sẽ chắc chắn sẽ làm các thành viên trong gia đình hài lòng, thích thú.
Phương Chi H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Món ngon - Nhà hàng