Giảm quá tải bệnh viện từ chính người dân

Nhận thức của người dân cũng góp phần giảm thiểu tình trạng quá tải bệnh viện (Ảnh minh họa)

Điểm tin 11/3: Vẫn còn quá tải tại nhiều bệnh viện lớn

​Giảm quá tải bệnh viện chưa như mong muốn

Thủ tướng: "Giảm quá tải BV phải đi liền với nâng cao chất lượng khám chữa bệnh"

Tiếp tục nhiệm vụ giảm quá tải bệnh viện

Thủ tướng: Năm 2020 sẽ hết quá tải bệnh viện

Hà Nội đã có nhiều nỗ lực để giảm quá tải bệnh viện  

Trong phiên làm việc với UBND TP. Hà Nội vừa qua, PGS.TS Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế khẳng định, đối với vấn đề quá tải bệnh viện, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực, giải quyết cơ bản tình trạng quá tải trên địa bàn. Hiện nay, Thành phố đã cơ bản giải quyết được tình trạng người bệnh phải nằm ghép, giảm quá tải bệnh viện do đã tiến hành nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất một số bệnh viện trên địa bàn như Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Ba Vì… Đẩy nhanh tiến độ xây dựng mới các Bệnh viện Nhi, Truyền nhiễm, Bệnh viện Mê Linh…

Song song với đó là thực hiện cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ chuyên môn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho tuyến dưới. Tại từng đơn vị đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp thực hiện giảm quá tải, sắp xếp lại các khoa điều trị thường xuyên có tình trạng quá tải tạo điều kiện chăm sóc và điều trị tốt nhất cho người bệnh. Một số chuyên khoa, ngành y tế đã có biện pháp là ngay tại cơ sở khám chữa bệnh phải kê thêm giường, nâng cấp, sửa chữa cơ sở hạ tầng, đặc biệt là khoa khám bệnh tạo thuận lợi cho người dân đến khám chữa bệnh và điều trị.

Ngành Y tế Hà Nội cũng đã tổ chức triển khai đề án Bệnh viện vệ tinh. Một số bệnh viện của Hà Nội đã trở thành bệnh viện vệ tinh của các bệnh viện tuyến trung ương. Triển khai thực hiện hiệu quả đề án bác sỹ gia đình tại các phòng khám đa khoa, trạm y tế nâng cao năng lực khám chữa bệnh của tuyến y tế cơ sở để người dân có thể tiếp cận sớm với các dịch vụ y tế có chất lượng ngay từ cơ sở. Đặc biệt, Hà Nội cũng triển khai công tác luân phiên cán bộ từ tuyến trên về tuyến dưới và Sở Y tế tăng cường giám sát để công tác luân chuyển thực hiện nghiêm túc và phát huy hiệu quả.

Hà Nội đã có nhiều nỗ lực để giảm tình trạng quá tải bệnh viện (Ảnh minh họa)

Tự bảo vệ sức khỏe bản thân góp phần giảm quá tải bệnh viện

Bên cạnh nỗ lực không ngừng nghỉ của ngành y tế để giảm thiểu tình trạng quá tải bệnh viện, bản thân người dân cũng cần góp phần để làm giảm tình trạng này. Các nguyên nhân từ văn hóa, xã hội gây quá tải bệnh viện gồm có: Lao động, lối sống sinh hoạt, lạm dụng chất kích thích như hút thuốc lá, uống rượu bia, nghiện ma túy, nhiễm HIV và các tai nạn do lao động, đánh nhau làm cho bệnh tật tăng, từ đó nhu cầu khám chữa bệnh và sử dụng dịch vụ y tế cũng gia tăng theo. Bên cạnh đó, quan niệm đi khám tại các tuyến trung ương, tuyến trên tốt hơn cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải bệnh viện.

Vì vậy, ngay trước tiên, bản thân người dân cần biết tự bảo vệ sức khỏe của mình, đây chính là cách vừa giúp bản thân không phải mất chi phí lớn cho khám, chữa bệnh tật mà còn giúp giảm thiểu tình trạng quá tải bệnh viện. Để có sức khỏe tốt, tăng cường miễn dịch, phòng chống bệnh tật, người dân cần có một chế độ ăn uống, dinh dưỡng hợp lý, bổ sung thực phẩm chức năng để tăng cường sức khỏe và có lối sống sinh hoạt lành mạnh. Đặc biệt, cần tuân thủ chế độ an toàn lao động, an toàn khi tham gia giao thông và cần từ bỏ quan niệm cứ mắc bệnh (kể cả các bệnh nhẹ) là phải lên các bệnh viện trung ương, tuyến trên để khám. 

Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết, nhu cầu về y tế của người dân lớn nên bên cạnh việc đầu tư từ ngân sách Nhà nước, Hà Nội cần tăng cường thực hiện xã hội hóa y tế. Bên cạnh đó, thành phố tập trung đầu tư cho y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu, đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế cơ sở để giải quyết căn bản và bền vững tình trạng quá tải này.
M.Hiếu H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý