Hậu COVID-19: Người lớn và trẻ em đều chịu ảnh hưởng

Các di chứng hậu COVID-19 đang ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh, thậm chí gây tử vong (ảnh VnExpress)

Ca nhiễm, chuyển nặng do COVID-19 liên tục tăng

BV Hữu nghị Việt Đức: Thực hiện ca nội soi tái tạo khớp cổ tay lần đầu tiên tại Việt Nam

Gợi ý thực đơn 7 ngày toàn món ngon, dễ chế biến

Bộ Y tế đề xuất nhà thuốc được kê đơn thuốc kháng virus Molnupiravir

TS. Ngọc Lan cho biết thêm, với những bệnh lý khác nhiễm virus, sau khi khỏi bệnh là hết, nhưng với COVID-19, virus SARS-CoV-2 vẫn tiềm ẩn trong cơ thể. Theo một số nghiên cứu của nước ngoài, virus SARS-CoV-2 tồn tại trong cơ thể 230 ngày. Do đó, một số trường hợp dù lúc mắc bệnh không có triệu chứng nhưng lại xuất hiện hậu COVID-19 với các triệu chứng như mệt mỏi, đau đầu, khó thở, tiêu chảy, mất ngủ, hồi hộp, nặng ngực…

Khổ sở vì di chứng hậu COVID-19

Trung tâm Phục hồi chức năng, vật lý trị liệu và tâm lý trị liệu hậu COVID-19 của Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP.HCM) mỗi ngày tiếp nhận khoảng 40-50 bệnh nhân đến khám và can thiệp hậu COVID-19

Sau gần 2 tháng khỏi COVID-19, nhưng ông T.V.N (70 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM) hàng ngày vẫn phải đi xe máy đến bệnh viện để tập vật lý trị liệu. Ông N. cho biết sau khi khỏi COVID-19 ông thường xuyên cảm thấy khó thở và mất ngủ. “Đi thăm khám thì tôi được chẩn đoán bị bệnh tim, uống thuốc nhưng không đỡ. Thời điểm đó, biết Bệnh viện Lê Văn Thịnh mới mở khu điều trị hậu COVID-19 nên tôi đến khám lại. Tại đây, bác sỹ đã hướng dẫn tôi tập thở, vật lý trị liệu, sau 3 ngày tình trạng khó thở của tôi được cải thiện, không còn mệt mỏi như trước và dễ ngủ hơn” - ông N. nói.

Cham-soc,-phuc-hoi-suc-khoe

Bệnh nhân hậu COVID-19 thường đến khám trong tình trạng khó thở, chỉ số Sp02 giảm, teo cơ...

Thạc sỹ, bác sỹ Trần Tuấn Thành, Trung tâm Phục hồi chức năng, vật lý trị liệu và tâm lý trị liệu hậu COVID-19, cho biết: Từ khi thành lập đến nay, tại bệnh viện đã tiếp nhận điều trị cho khoảng hơn 200 bệnh nhân đến khám vì hậu COVID-19. Trong đó, có khoảng 80% F0 lành bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, trầm cảm (66%), xơ phổi (61%), mất ngủ (45%), nhức đầu (44%), rối loạn tập trung (27%), rụng tóc (25%)… Đa số các trường hợp đến thăm khám đều có các triệu chứng như mất ngủ, đau đầu, mệt mỏi, đau nhức xương khớp, chức năng hô hấp kém, tâm lý kém. Với các bệnh nhân mắc các triệu chứng về tâm lý sẽ được các chuyên gia tâm lý hội chẩn và điều trị. Với các bệnh nhân không bị tâm lý chỉ có các triệu chứng sẽ tùy thuộc vào thể trạng của từng người sẽ có những bài tập riêng như hỗ trợ tập thở với bệnh nhân mắc các triệu chứng về hô hấp, thực hiện các bài tập vận động với sự hỗ trợ của các dụng cụ máy móc với bệnh nhân bị đau nhức xương khớp. Ngoài ra, một số bệnh nhân bị xơ phổi vừa phải hỗ trợ tập thở mà còn phải tập các bài tập phục hồi chức năng để tăng thể tích phổi, cải thiện tuần hoàn hô hấp.

Bác sỹ Thành cho biết thêm người bệnh đến khám tại đây không chỉ ở TP.Thủ Đức mà nhiều bệnh nhân ở tỉnh như Bình Dương, Đồng Nai cũng đến khám vì hậu COVID-19. Nhiều trường hợp lớn tuổi khi đến thăm khám đều trong tình trạng thở mệt, Sp02 giảm, teo cơ, đi lại khó khăn. Ngoài ra, nhiều trường hợp không chỉ ảnh hưởng tâm lý mà còn tổn thương thực thể do tổn thương tinh thần khi chứng kiến nhiều người thân cùng mất một lúc. “Khi gặp chuyên gia tâm lý, chia sẻ, người ta òa khóc vì đã kìm nén quá lâu. Chỉ khi nào chúng ta giải quyết được vấn đề tâm lý của bệnh nhân hậu COVID-19, các can thiệp vật lý trị liệu, phục hồi chức năng mới hiệu quả” - bác sỹ Thành chia sẻ.

Còn tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, mỗi ngày, tại đây tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân đến khám hậu COVID-19, trong đó, có 50% bệnh nhân bị mất ngủ sau khi khỏi bệnh. Dù đã hơn 4 tháng khỏi bệnh, nhưng anh C.V.T (28 tuổi, ngụ Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn bị hậu COVID-19 khiến sức khỏe không còn như trước. Anh T. cho biết anh mắc COVID-19 vào tháng 6.2021, sau 1 tuần anh âm tính cũng không mất mùi, mất vị mà lướt qua một cách nhanh chóng. Tuy nhiên, sau đó cơ thể anh luôn cảm thấy mệt mỏi, rụng tóc nhiều. Đặc biệt, điều khiến anh lo lắng là bị mất ngủ trong thời gian kéo dài. “Tôi phải sử dụng thuốc an thần hoặc trà thảo mộc cho dễ ngủ nhưng tình trạng cũng không mấy cải thiện” - anh T. chia sẻ.

Empty

Các vấn đề về tinh thần như mất ngủ, đau đầu, stress ở bệnh nhân hậu COVID-19 cũng cần được quan tâm

Thạc sỹ, bác sỹ Hoàng Đình Hữu Hạnh, Khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết đặc điểm của virus SARS-CoV-2 là ưa khí nên sẽ làm tổn thương phổi và nhiễm trùng. Lúc này, cơ thể sẽ huy động toàn bộ miễn dịch để chống lại nhiễm trùng khiến hệ miễn dịch hoạt động quá mức ảnh hưởng gan, thận, tim… dẫn đến tình trạng mất ngủ xảy ra. “Nếu như mất ngủ mạn tính do các bệnh lý nền như tim mạch, nội tiết, dùng thuốc gây nghiện ức chế thần kinh dẫn đến mất ngủ sẽ suy giảm tuổi thọ, mệt mỏi và cơ thể suy nhanh hơn. Còn mất ngủ do hậu COVID-19 nếu được chữa trị kịp thời, người bệnh phối hợp tốt với bác sỹ có thể được chữa khỏi hoàn toàn trong vòng 3-6 tháng, trừ trường hợp mất ngủ mạn tính sẵn trước đó kèm bệnh lý hậu COVID-19, bệnh nhân sẽ mất nhiều thời gian điều trị để quay trở lại giấc ngủ bình thường” – bác sỹ Hạnh chia sẻ.

Bác sỹ Hạnh cho biết thêm, đối với người trưởng thành từ 18 - 40 tuổi tiêu chuẩn giấc ngủ đạt từ 6 - 10 tiếng, trên 60 tuổi ngủ đủ từ 4 - 6 tiếng. Bên cạnh đó, để đánh giá chất lượng giấc ngủ cần phải quan sát thêm sau khi ngủ dậy cơ thể sảng khoái hay không. “Nếu không trọn vẹn 2 tiêu chí trên thì cần điều trị. Đồng thời, bổ sung thực phẩm dễ ngủ như tâm sen, rau xanh, trái cây màu xanh nếu ăn tốt cho giấc ngủ, vận động hài hòa…” – bác sỹ Hạnh lưu ý.

Không chủ quan hậu COVID-19 ở trẻ em

24-1644367275

Trẻ em cũng cần được phát hiện sớm các triệu chứng Hậu COVID-19

Theo các chuyên gia y tế, hầu hết trẻ em khi mắc COVID-19 đều có triệu chứng nhẹ, chỉ số ít trẻ mắc bệnh nền, béo phì rơi vào chuyển nặng. Tuy nhiên, không vì thế mà trẻ không mắc hậu COVID-19. Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát, tại TP.HCM có khoảng 3.000 trường hợp mắc hội chứng hậu COVID-19. Do đó, nhằm tầm soát, tư vấn tâm lý cũng như thể chất giúp phụ huynh phát hiện sớm và can thiệp phù hợp cho trẻ sau COVID-19 các bệnh viện nhi trên địa bàn TP cũng triển khai hoạt động chăm sóc sức khỏe cho trẻ hậu COVID-19.

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM, hiện mỗi ngày nơi đây cũng tiếp nhận trung bình khoảng 5-10 bệnh nhi đến khám hậu COVID-19. Trong đó, có khoảng 1% số trẻ mắc COVID-19 sẽ có nguy cơ mắc hội chứng hậu COVID-19.

Chị L.T.Y.N (ngụ quận Phú Nhuận, TP.HCM) cho biết cả 3 bé nhà chị đều mắc hậu COVID-19, dù trước đó khi mắc bệnh các bé đều không có triệu chứng. Tuy nhiên, sau đó, 2 bé nhỏ biếng ăn, ngủ không ngon giấc. Riêng bé lớn vẫn còn bị viêm họng. “Đưa con đi khám và được bác sỹ chẩn đoán con bị hậu COVID-19 tôi cũng cảm thấy bất ngờ. Mong là các phụ huynh khác khi có con mắc bệnh sau đó cần thăm khám sớm để được điều trị hậu COVID-19” – chị Y. chia sẻ.

BSCKII Dư Minh Trí, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM cho biết khoảng 1 tháng nay đơn vị có triển khai khối khám hậu COVID-19 cho trẻ nhằm kịp thời phát hiện những triệu chứng bất thường. Các triệu chứng hậu COVID-19 thường xuất hiện sau khi trẻ mắc COVID-19 từ 2-6 tuần. Theo bác sĩ Trí, những triệu chứng thường xuất hiện chủ yếu tập trung ở 3 nhóm, thứ nhất là ảnh hưởng đường hô hấp như nặng ngực, ho kéo dài. Thứ 2 là đối với trẻ trên 10 tuổi, thường xuất hiện tình trạng não sương mù, nhận thức kém, đọc chậm, trí nhớ ngắn hạn, mau quên. Thứ 3 là Hội chứng viêm đa hệ thống. Hội chứng này dù hiếm gặp nhưng khi xuất hiện rất nguy hiểm cho trẻ, bởi, lúc này trong cơ thể sản xuất chất gây độc hại cho cơ thể khiến tổn thương đến nhiều cơ quan khác nhau.

 

 

Trước đó, tại bệnh viện cũng điều trị một trường hợp viêm đa hệ thống sau khi mắc COVID-19 cho bệnh nhân là thiếu nữ 15 tuổi, nặng 75kg, mắc COVID-19 nguy kịch. Khi cấp cứu, em đã trong tình trạng khó thở, tím tái. Dù được điều trị tích cực với thuốc kháng viêm, kháng đông nhưng tình trạng hô hấp diễn tiến xấu hơn. Xét nghiệm máu cho thấy có biểu hiện phản ứng viêm tăng mạnh của hội chứng viêm đa hệ thống nặng. Bệnh nhân được truyền thêm kháng thể miễn dịch và lọc máu liên tục, truyền thuốc tocilizumab. Sau rất nhiều nỗ lực của ê kip điều trị, em đã phục hồi. BS-CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP cho biết, hội chứng viêm đa hệ thống hậu COVID-19, là đặc trưng chỉ có ở trẻ em, chưa ghi nhận ở người lớn.

242812-Cach_nang_cao_suc_de_khang_cai_thien_tam_ly_o_tre

BS. Phùng Nguyễn Thế Nguyên lưu ý, cha mẹ không nên chủ quan khi con đã khỏi COVID-19 (Ảnh: Alobacsy)

PGS-TS-BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng Bộ môn Nhi trường ĐH Y Dược TP.HCM kiêm Trưởng Khoa COVID-19, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cũng lưu ý dù trẻ đã khỏi COVID-19 nhưng vẫn không chủ quan với hội chứng viêm đa cơ quan. Từ 2-6 tuần khỏi bệnh, hội chứng này sẽ xuất hiện và trở nặng. Theo PGS Nguyên, tại Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận khoảng 20 trẻ mắc hội chứng viêm đa cơ quan. Những trẻ này dễ chuyển nặng và dễ chẩn đoán nhầm vì các triệu chứng thông thường như đau bụng, nôn, ói, sốt, phát ban… Khi trẻ mắc hội chứng này sẽ tổn thương não, rối loạn đông máu, trụy tim, rối loạn tiêu hóa,… “Hội chứng viêm đa cơ quan thường hiếm gặp, tuy nhiên, nếu xảy ra sẽ xuất hiện sau 2-6 tuần khỏi bệnh và không phân biệt trẻ có bệnh nền hay trẻ bình thường. Một số trẻ mắc COVID-19 không triệu chứng nhưng sau đó vẫn mắc hội chứng này. Nếu điều trị đúng theo phác đồ từ 7-14 ngày trẻ sẽ khỏe trở lại. Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài sẽ dẫn đến tổn thương đa cơ quan” - PGS.Nguyên nói.

 

 

Theo các chuyên gia, các triệu chứng của hội chứng hậu COVID-19 ở mỗi trẻ khác nhau và có thể kéo dài đến 120 ngày hoặc lâu hơn tùy theo tình trạng sức khỏe. Sau khi trẻ nhiễm COVID-19 và khỏi bệnh, gia đình vẫn nên tiếp tục theo dõi sức khỏe của trẻ trong vài tháng sau đó để kịp thời xử lý nếu có bất thường.

 

TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết các nghiên cứu cho thấy, có 33% - 76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu COVID-19 ít nhất 6 tháng sau đợt cấp tính bệnh; 20% người bệnh phải tái nhập viện; 80% người bệnh phải theo dõi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng sau xuất viện.

Theo TS Nguyễn Anh Dũng, tại Việt Nam, có gần 2% dân số mắc COVID-19. Tính đến hiện tại TP.HCM, có hơn 500.000 người bị nhiễm Covid-19. Trong đó, hơn 300.000 người đã khỏi bệnh với các triệu chứng từ nhẹ, trung bình, nặng đến nguy kịch. Đây là vấn đề cực nóng, vì vậy, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19 là vấn đề được ngành y tế thành phố quan tâm. Trong đó, xác định mô hình bệnh tật, triệu chứng phổ biến người bệnh gặp phải. Đồng thời, phân tuyến điều trị, quản lý, chăm sóc người bệnh hậu COVID-19 theo mô hình tháp 3 tầng. Ngoài ra, ngành y tế tăng cường sự phối hợp giữa Đông y và Tây y trong việc chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khỏe; chủ động phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe liên quan đến các hội chứng hậu COVID-19 phân biệt với các bệnh lý khác; tổ chức lại các hoạt động điều trị, chăm sóc các bệnh nền, các bệnh lý không phải do COVID-19 gây ra; phối hợp giữa nhiều chuyên ngành bao gồm: tim mạch, hô hấp, thần kinh, tâm thần, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng và y học cổ truyền để điều trị cho người bị hậu COVID-19.

Mộc Khuê
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn