Ca nhiễm, chuyển nặng do COVID-19 liên tục tăng

Cập nhật bản tin COVID-19 tính đến 9h sáng ngày 7/3

Bộ Y tế: Đề xuất cho F1 và F0 đi làm, dừng công bố ca mắc COVID-19

Thủ tướng: Tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh

Bộ Y tế đề xuất 2 phương án phân phối Molnupiravir

Giải quyết chế độ hưởng bảo hiểm xã hội cho F0 điều trị tại nhà

Theo thông báo của Bộ Y tế tối 6/3, Việt Nam ghi nhận thêm 142.136 ca nhiễm mới tại 61 tỉnh, thành phố. Ngoài ra, Sở Y tế Bắc Giang đăng ký bổ sung 26.349 ca bệnh và Sở Y tế Hòa Bình đăng ký bổ sung 33.695 ca. Nếu cộng dồn các ca bệnh bổ sung, lần đầu Việt Nam có số ca mắc COVID-19 trên 200.000 ca.

Cả nước vẫn còn 4.208 bệnh nhân COVID-19 nặng đang được điều trị, trong đó có 3.315 người thở oxy mask, 465 người thở oxy dòng cao (HFNC), 108 người thở máy không xâm lấn, 312 trường hợp thở máy xâm lấn và 8 bệnh nhân được can thiệp ECMO. Từ 17h30 ngày 5/3 đến 17h30 ngày 6/3, Việt Nam ghi nhận 87 ca tử vong. Trong đó, Hà Nội nhiều nhất với 11 trường hợp. TP.HCM ghi nhận một ca tử vong là F0 được chuyển đến từ Ninh Thuận.

Theo Bộ Y tế, biến chủng Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây, phổ biến ở các tỉnh, thành, nhất là TP. Hà Nội và TP.HCM, thay thế dần chủng Delta. Tại Đồng Nai, 10/10 mẫu được giải trình tự gene ngẫu nhiên đều là Omicron.

Mới đây, lãnh đạo Bộ Y tế xin ý kiến Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, về việc cho phép tạm dừng thông báo số nhiễm SARS-CoV-2. Lý giải cho đề xuất này, Bộ Y tế cho rằng để tránh gây hoang mang vì số ca nhiễm chỉ là một trong 8 chỉ số để đánh giá cấp độ dịch, chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh.

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Bộ Tài Chính, đề nghị phối hợp với Bộ Y tế đề xuất Chính phủ đưa mặt hàng vật tư y tế, trong đó có cả kit xét nghiệm vào diện bình ổn giá trong giai đoạn dịch COVID-19. Đồng thời ban hành mức giá trần xét nghiệm tại cơ sở y tế tư nhân. Thời gian qua Bộ Y tế đã 2 lần công bố giá xét nghiệm mới (tháng 11/2021 và tháng 2/2022) nhưng mới áp dụng để chi trả bảo hiểm y tế và khu vực công lập, còn tại khu vực tư nhân giá xét nghiệm rất khác nhau, nhiều nơi vẫn thu mức cao trong khi nhu cầu xét nghiệm tăng cao.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, với những trường học đóng trên địa bàn xã phương, thị trấn có mức độ dịch cấp 3-4 sẽ chuyển sang phương án dạy học trực tuyến. Như vậy, theo đánh giá cấp độ dịch của UBND TP. Hà Nội, Thủ đô có 326 xã, phường, thị trấn thuộc 30 quận, huyện, thị xã, ở cấp độ dịch mức 3. Điều đó đồng nghĩa việc hàng loạt trường học sẽ đóng cửa từ ngày 7/3.

Số ca COVID-19 tăng, Bạc Liêu cho cấp học mầm non, tiểu học dừng đến trường từ hôm nay (7/3) cho đến khi có thông báo mới. Đối với cấp học tiểu học, nhà trường tổ chức dạy học trực tuyến kết hợp với dạy học trên truyền hình và các hình thức khác.

UBND tỉnh Bình Dương vừa ban hành Quyết định số 06/2022/QĐ-UBND về hỗ trợ cho viên chức và nhân viên y tế cơ sở với mức hỗ trợ từ 3 đến 5 triệu đồng/người/tháng. Tỉnh này cũng thống nhất chủ trương giao ngành y tế có phương án củng cố, kiện toàn các trạm y tế lưu động. Theo đó, 15.000 dân bố trí 1 trạm y tế lưu động với 5 biên chế. Thống kê của Sở Y tế, đến đầu tháng 3/2022, tỉnh Bình Dương đã kiện toàn thành lập 110 trạm y tế lưu động/91 xã phường thị trấn.

 
Lê Tuyết
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin