Bộ Y tế đề xuất nhà thuốc được kê đơn thuốc kháng virus Molnupiravir

Bản tin COVID-19 của Bộ Y tế ngày 6/3 ghi nhận thêm 142.136 F0

Bộ Y tế: Đề xuất cho F1 và F0 đi làm, dừng công bố ca mắc COVID-19

Hậu COVID-19: Hãy để tâm tới sức khỏe

Đừng coi thường sức khỏe tinh thần!

Việt Nam bỏ đánh số thứ tự F0, bệnh nhân COVID-19 nặng gia tăng

Tuần vừa qua, số ca mắc COVID-19 ghi nhận mỗi ngày liên tục tăng cao. Ngày 6/3, cả nước có thêm 142.136 F0 – con số cao gần gấp đôi số ca mắc ngày 27/2. Riêng Hà Nội đã ghi nhận gần 30.000 ca mắc mới trong vòng 24 giờ.

Theo báo Sức khỏe & Đời sống, Bộ Y tế nhận định, Việt Nam chưa nên coi dịch bệnh COVID-19 là 'bệnh lưu hành' và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế Thế giới cũng như các tổ chức quốc tế, quốc gia khác theo dõi tình hình dịch COVID-19 để có thể tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định coi bệnh COVID-19 là 'bệnh lưu hành' khi thời điểm thích hợp.

Theo Tiền Phong, Bộ Y tế vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép người phụ trách chuyên môn về dược tại nhà thuốc, quầy thuốc được kê đơn thuốc kháng virus (như Molnupiravir) cho bệnh nhân COVID-19 có nguyện vọng tự chi trả. Theo Bộ Y tế, việc người dân tự ý sử dụng tiềm ẩn nhiều nguy cơ do các tác dụng không mong muốn của thuốc. Việc kê đơn phải đáp ứng một số yêu cầu: Căn cứ trên xác nhận từ cơ sở y tế có dương tính với SARS-CoV-2; Người bệnh tự quay clip quá trình thực hiện xét nghiệm tại nhà để chứng minh có kết quả dương tính với nhà thuốc; Nhà thuốc căn cứ các bằng chứng này xác định được ít nhất một nguy cơ chuyển nặng của bệnh nhân; Người mua thuốc hoặc bệnh nhân phải ký bản cam kết kèm bản sao giấy tờ tùy thân.

Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết, kết quả giải trình tự gene của Viện Pasteur TP.HCM ngày 5/3 cho thấy, cả 10 mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân COVID-19 của Đồng Nai gửi lên đều là biến thể Omicron. Như vậy, có thể khẳng định chủng virus đang lây lan tại Đồng Nai chủ yếu là Omicron, dự báo tốc độ lây lan dịch bệnh sẽ cao trong thời gian tới.

Theo Vietnamnet, ngày 6/3, Bộ Y tế đưa ra hướng dẫn về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên các chuyến bay sơ tán. Cụ thể, Bộ không yêu cầu các thủ tục gồm xét nghiệm SARS-CoV-2, xác nhận đã tiêm chủng vaccine COVID-19, giấy xác nhận đã khỏi bệnh trước khi lên các phương tiện về Việt Nam. Tuy nhiên, hành khách cần thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K trong suốt quá trình di chuyển từ nơi xuất phát, trên phương tiện, từ cửa khẩu nhập cảnh vào Việt Nam về nơi lưu trú. Người nhập cảnh được cơ quan y tế thực hiện xét nghiệm hoặc tự xét nghiệm SARS-CoV-2 trong vòng 24 giờ đầu (kể từ khi nhập cảnh) tại nơi lưu trú (trừ trẻ em dưới 2 tuổi). Bộ Y tế khẳng định, đưa người Việt Nam đang cư trú tại Ukraine về nước theo nguyện vọng trong bối cảnh đang có chiến tranh tại quốc gia này là việc làm nhân đạo, khẩn cấp và ưu tiên.

Trong ngày 5/3, cả nước có thêm 284.876 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm, nâng tổng số liều vaccine đã triển khai tiêm lên hơn 197,5 triệu liều.

Khoa Nội tiêu hóa thuộc Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) vừa tiếp nhận, điều trị một bệnh nhân ngộ độc chì mạn tính do dùng thuốc Nam. Bệnh nhân nữ, 32 tuổi, tiền sử chưa phát hiện bệnh lý trước đó. Ngộ độc chì được điều trị tùy theo mức độ nặng nhẹ và đặc biệt phải xác định được nguyên nhân gây tình trạng nhiễm độc để khắc phục. Vì thế, người dân được khuyến cao không nên dùng các thuốc Nam, thuốc Bắc không rõ nguồn gốc...

 
Quỳnh Trang
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn