Vang vọng lời thề Hippocrates

Lời thề Hippocrates là lời thề y đức của những người chọn con đường chữa bệnh cứu người

Tuổi 22 của giải chuyên nghiệp

F0 tăng vọt lên gần 70.000 ca, TP.HCM triển khai chiến dịch bảo vệ trẻ em

Khai mạc V.League 2022, đạp sóng dịch để tiến

Đợt dịch thứ tư đã có trên 3 triệu ca COVID-19

Không chỉ riêng đối với ngành y mà ngành nào cũng cần phải có đạo đức, chúng ta hay gọi đó là đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, đặc thù riêng của ngành y khác mọi lĩnh vực bởi nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người. Vì vậy, làm việc trong ngành y cần phải có những phẩm chất đặc biệt. Y đức của một người thầy thuốc chính là những nguyên tắc không thay đổi. Hay nói cách khác, dù trong xã hội nào, thời đại nào thì từ hàng ngàn năm nay, thầy thuốc luôn luôn được dạy phải lấy đạo đức làm gốc.

Ngày nay, khi thế giới đang diễn biến phức tạp với sự cạnh tranh và xung đột lợi ích trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là những đại dịch xuất hiện liên tiếp, càng thách thức trách nhiệm và đạo đức của y tế thế giới. Ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng nhiều lần bị điều tiếng, trong hai năm COVID-19 hoành hành, để nói rằng lời thề Hippocrates luôn cần được soi sáng ở mọi thời đại.

2702_01-e1614061101212

Những chiến sỹ áo trắng đang ngày đêm ở tuyến đầu chống dịch, bởi họ đã dấn thân vào nghề thầy thuốc như là chọn lựa một sứ mệnh để cứu người, giúp đời. (Ảnh SGGP)

Y đức cũng là vấn đề nóng bỏng với đội ngũ y tế nước nhà, khi mà những vi phạm vẫn xuất hiện đây đó với tần suất không phải cá biệt, ở mọi miền đất nước. Phải thẳng thắn nhìn nhận, trong dịch bệnh, vẫn có một số kẻ trong và ngoài ngành y bất chấp cấu kết để đầu cơ, trục lợi trên nỗi đau của nhân dân. Điển hình như vụ Việt Á. Những thành phần này biết rõ hành vi như vậy là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố ý thực hiện hành vi để hưởng lợi từ nỗi sợ hãi, hoang mang của cộng đồng trước dịch bệnh. Họ bất chấp pháp luật, y đức để vi phạm quy định về đấu thầu, mua các vật tư y tế không đảm bảo chất lượng, thổi giá để lấy tiền nhà nước chia nhau chỉ vì lợi ích trước mắt, vì số tiền bất chính có thể ăn chia. Điều đáng nói, trước khi bị bắt, một số Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh đã “thề thốt” kiểu “không uống một cốc cà phê”, “nếu ăn một đồng của Việt Á thôi cũng xứng đáng đi tù”…, khiến dư luận càng phẫn nộ khi những chiếc mặt nạ bị lột trần. Xã hội đang yêu cầu phải tiếp tục làm rõ vụ việc, để đưa ra trước công lý những kẻ đã làm hoen ố ngành y.

May thay, những “con sâu” kia chỉ là thiểu số. Hai năm dịch bệnh, chúng ta chứng kiến rất nhiều những y bác sỹ tận tâm với nghề. Thật là cao cả thay những chiến sỹ áo trắng đang ngày đêm ở tuyến đầu chống dịch, bởi họ đã dấn thân vào nghề thầy thuốc như là chọn lựa một sứ mệnh để cứu người, giúp đời, chứ không phải là một phương tiện làm giàu cho cá nhân. Thời gian qua, y học thế giới cũng chứng kiến nhiều tấm gương y đức, với những hành động nghiên cứu, phát minh đã cứu giúp hàng triệu người khỏi tử vong.

 

 

Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, ngày kỷ niệm ngành y tế nước nhà ghi nhận và thực hiện những lời dạy quý báu của Chủ tịch Hồ Chí Minh về y đức, năm nay nhiều địa phương trang trọng tổ chức lễ tôn vinh đội ngũ y bác sỹ xứng danh “lương y như từ mẫu”. Đó là điều cần thiết trong bối cảnh hai năm trước đó ngành y không tổ chức lễ kỷ niệm, do phải tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch COVID-19 bùng phát. Tuy thế, năm ngoái, thật nhân văn khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức chọn năm 2021 là Năm của thầy thuốc (Year of the Health and care workers) trên toàn thế giới. Ý nghĩa của chiến dịch này không ngoài mục đích tôn vinh những cống hiến không mệt mỏi của lực lượng thầy thuốc trên toàn cầu thời gian qua, cũng như để tưởng niệm những thầy thuốc đã ra đi mãi mãi trong cuộc chiến chống đại dịch, đồng thời kêu gọi sự tiếp sức của xã hội đối với nhân viên y tế cả về điều kiện làm việc và chăm lo sức khoẻ cho nhân viên y tế trên toàn thế giới.

Trong cơn đại dịch chưa có điểm dừng, rõ ràng rất nhiều giá trị được vun xới, bồi đắp, trong đó ngành y không là ngoại lệ. Những tấm gương y đức “lương y như từ mẫu” vẫn phổ biến. Những nỗ lực cứu người không mệt mỏi của y tế thế giới và Việt Nam nói riêng, càng chứng minh đạo đức nghề nghiệp và y đức nói chung, luôn phải đồng hành với sự tiến hóa của nhân loại.

Thảo Uyên
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Cộng đồng lên tiếng