Học cách trò chuyện với con

Trẻ dễ nổi khùng

Sau khi đọc tin nhắn nhà trường báo điểm thi học kỳ của con trai, chị Thanh Hương, mẹ em Nam Phong, học sinh lớp 8 đã rất bức xúc. Trước đó, vợ chồng chị đã thuê hẳn gia sư về nhà dạy với số tiền lên đến 200.000đồng/2 giờ học thêm tại nhà môn Toán. Vậy mà kết quả thi cuối kỳ, Nam Phong vẫn chỉ đạt 5.5 điểm. Vì tiếc tiền, xót con nên khi Nam Phong vừa đi học về, chị Hương đã nhảy xổ ra luận tội con rồi sau đó quay sang chì chiết: “Sao thằng H, con cô B cũng ăn cơm như mày mà nó học giỏi thế? Mày cũng ăn cơm như nó sao học hành ngu thế…”. Thoạt đầu, Nam Phong còn ngồi im nghe mẹ luận tội. Đến khi mẹ chì chiết thì Nam Phong đứng bật dậy rồi đi ra khỏi nhà.

Chị Hương đuổi theo bắt con quay về nhưng cậu bé đã hất tay mẹ ra rồi bước đi, kệ chị Hương ngã xoài xuống đường. Lần đầu tiên thấy con có hành động như thế, chị Hương đã giận lại càng giận hơn, định bụng nghĩ: Cho mày bỏ đi xem đến tối đói bụng có mò về ăn không! Nhưng đến đêm, Nam Phong vẫn không về. Hai vợ chồng chị Hương phải vội vàng gọi điện thoại cho anh em họ hàng nhờ đi tìm con.

Sau chuyến công tác một tuần, anh Mạnh hốt hoảng khi đón cậu con trai đi học về với cái đầu cạo trắng chân tóc hai bên mai, ở giữa thì nhuộm đỏ như cầu thủ. Anh Mạnh bắt con phải ra hiệu tóc nhuộm lại nhưng cậu con không nghe. Vì sợ bố mệnh lệnh, cậu bé bỏ nhà đi luôn.

Theo bác sĩ Lâm Xuân Điền - Giám đốc Bệnh viện Sức khỏe tâm thần TP HCM, vị thành niên là lứa tuổi “người lớn không ra người lớn, trẻ em không ra trẻ em”, to người nhưng nhi tính. Tuổi này, trẻ thường ngơ ngác, không hiểu được chính bản thân mình, thậm chí không chấp nhận chính cả bản thân mình. Từ đó dễ có những suy nghĩ, hành vi lệch lạc. Trẻ bắt đầu có những suy nghĩ độc lập và luôn muốn thể hiện cái tôi cá nhân. Nếu cha mẹ không nắm được tâm lý của trẻ, quan tâm trẻ và trong cách giao tiếp không khéo thì trẻ rất dễ nổi khùng, có tư tưởng “dạt nhà”.

Làm thế nào để cải thiện mối quan hệ?

Theo bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM, trò chuyện đúng cách với con cũng là cách để cải thiện mối quan hệ với trẻ vị thành niên. Theo đó, buổi tối bạn nên dành thời gian để lắng nghe con nói về những sinh hoạt của trẻ, để xem trẻ có cảm thấy thích thú hoặc gặp khó khăn gì trong các sinh hoạt trong ngày. Bố mẹ đừng chỉ quan tâm đến điểm học của trẻ vì hiện nay áp lực học tập đang là gánh nặng cho học sinh. Bố mẹ cũng nên lưu ý về tính khí và cảm xúc của trẻ, chẳng hạn: Nói chuyện trực tiếp với trẻ, thay vì nói về trẻ với người khác. Nên đặt câu hỏi mở: Ví dụ “Hôm nay có những điều gì làm con cảm thấy thích thú?” để trẻ có thể đối thoại với bố mẹ. Bố mẹ có thể tranh thủ thời gian đưa con đến trường hoặc xếp hàng trả tiền trong siêu thị để nói chuyện với con. Có thể cùng con tham gia sinh hoạt thể thao, trò chơi hoặc bàn luận về thời sự ví dụ như kết quả trận bóng đá hoặc một phim truyện.
Dùng từ ngữ nào để nói với con?

Cũng theo bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, trẻ vị thành niên thường giao tiếp như người lớn. Trẻ hiểu được ngôn ngữ trừu tượng. Trẻ muốn sống tự lập và xây dựng nhân thân dựa trên những mẫu gương sống xung quanh trẻ. Trẻ bắt đầu quan tâm đến các vấn đề luân lý như tình yêu, tình bạn, tình dục, sự sống, sự chết, thành công, thất bại... Và trẻ cần trao đổi với người lớn về những vấn đề đó.

Với những thay đổi thể chất và tâm lý của tuổi dậy thì, trẻ vị thành niên có thể trải qua cơn khủng hoảng về nhân thân, tư duy, hành vi và cảm xúc, cha mẹ nên đồng hành với trẻ như một người bạn để lắng nghe, cảm thông, động viên trong khi vẫn thiết lập giới hạn và kỷ luật hơn là trách mắng, đánh phạt, làm đau thân thể của trẻ vốn rất mong manh trong giai đoạn này. Mọi cách ứng xử bạo lực của người lớn sẽ vô tình làm cho cơn khủng hoảng của trẻ vị thành niên càng trầm trọng hơn. Trên hết mọi sự, gương sống mẫu mực của cha mẹ rất quan trọng và ảnh hưởng sâu sắc trong việc hình thành nhân cách của trẻ vị thành niên.
Trò chuyện đúng cách với con cũng là cách để cải thiện mối quan hệ với trẻ vị thành niên.

Buổi tối bạn nên dành thời gian để lắng nghe con nói về những sinh hoạt của trẻ, để xem trẻ có cảm thấy thích thú hoặc gặp khó khăn gì trong các sinh hoạt trong ngày.

Nói chuyện trực tiếp với trẻ, thay vì nói về trẻ với người khác.

Bố mẹ có thể tranh thủ thời gian đưa trẻ đến trường hoặc xếp hàng trả tiền trong siêu thị để nói chuyện với trẻ.

Có thể cùng trẻ tham gia sinh hoạt thể thao, trò chơi hoặc bàn luận về thời sự ví dụ như kết quả trận bóng đá hoặc một phim truyện.

Bác sĩ Phạm Ngọc Thanh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP HCM

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ