9 điều không nên nói với trẻ trong bữa cơm gia đình

Hình thành thói quen ăn uống lành mạnh cho trẻ

Thử ngay phương pháp uống cà phê 3-1 để tăng cường sự tỉnh táo

Hai thực phẩm người bị cholesterol cao nên tránh vào bữa sáng

Giai đoạn hậu sản: Chăm sóc đúng cách để giúp mẹ nhanh hồi phục

Mẹo vệ sinh vật dụng nhà bếp với dầu olive

Bữa cơm gia đình là dịp để các thành viên quây quần, gắn kết tình cảm. Duy trì thói quen ăn tối cùng gia đình còn giúp trẻ hình thành thói quen ăn uống lành mạnh, hỗ trợ trẻ phát triển thể chất và tinh thần một cách toàn diện.

Tuy nhiên, điều để bữa cơm trở thành khoảng thời gian tích cực không chỉ ở món ăn được dọn ra. Cách cha mẹ trò chuyện với con cũng đóng vai trò rất lớn. Một vài câu nói tưởng như vô hại lại khiến trẻ cảm thấy áp lực, thậm chí căng thẳng mỗi khi bước vào bàn ăn.

Dưới đây là những điều cha mẹ nên tránh nói trong bữa cơm - không phải ép buộc trẻ ăn nhiều hơn, mà giúp con hình thành thái độ đúng đắn và thoải mái khi ăn uống.

1. Biến món tráng miệng thành phần thưởng

Việc hứa hẹn "ăn rau đi rồi mẹ cho bánh ngọt" vô tình khiến trẻ xem món chính là điều bắt buộc phải vượt qua để được thưởng thức món mình thích. Lâu dần, trẻ sẽ coi tráng miệng là "món ăn phần thưởng", còn rau hay món chính trở thành thứ cần né tránh.

Cha mẹ nên coi món tráng miệng như một phần bình thường của bữa ăn và phục vụ cho cả nhà khẩu phần như nhau, thay vì dùng nó để kiểm soát hành vi ăn uống của con.

2. Nhận xét con "kén ăn"

Những câu như “con kén ăn quá”, “ăn gì cũng chê” tưởng chừng chỉ là lời nhận xét vô hại, nhưng có thể khiến trẻ tin rằng mình thật sự như vậy. Khi bị nhận xét là “kén ăn”, trẻ dễ cảm thấy thiếu tự tin, ngại thử món mới và dần thu hẹp lựa chọn trong ăn uống.

Theo các chuyên gia tâm lý, việc "dán nhãn" tiêu cực cho trẻ có thể giới hạn trải nghiệm của các em, không chỉ trong ăn uống mà còn trong cách tiếp cận những điều mới mẻ trong cuộc sống.

Thay vì gắn cho con một đặc điểm cố định, cha mẹ nên quan sát, khuyến khích và kiên nhẫn đồng hành để trẻ được tự do khám phá khẩu vị theo cách tự nhiên và thoải mái nhất.

3. Ép ăn theo số lượng

Không nên ép trẻ ăn theo số lượng

Không nên ép trẻ ăn theo số lượng

Những câu như "ăn thêm 5 miếng thịt", "3 thìa rau nữa là xong" thường xuất phát từ mong muốn con ăn đủ chất. Tuy nhiên, việc này có thể khiến trẻ bỏ qua cảm giác no - đói của cơ thể, ăn theo áp lực thay vì nhu cầu thực sự. Về lâu dài, điều này ảnh hưởng đến khả năng điều chỉnh hành vi ăn uống và tăng nguy cơ gặp vấn đề về sức khỏe.

4. Đừng quyết định thay con 

Thay vì nói "món này con không thích đâu", cha mẹ nên để trẻ tự trải nghiệm. Dù món ăn có vị lạ, cay hay nhiều tỏi, việc khuyến khích con thử sẽ giúp xây dựng sự tự tin và tính tò mò trong ăn uống - kỹ năng quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

5. Không nên ép buộc trẻ "phải thử một miếng”

Quy tắc "thử một miếng" có thể hiệu quả với một số trẻ nhưng cũng dễ tạo nên căng thẳng không đáng có trong bữa ăn. Việc ép thử món mới đôi khi khiến trẻ sợ ăn, thậm chí sinh ra tâm lý né tránh.

Thay vào đó, cha mẹ nên kiên trì giới thiệu thực phẩm đa dạng và tạo môi trường ăn uống không áp lực để trẻ cảm thấy an toàn khi đưa ra lựa chọn của mình.

6. Đừng khen trẻ vì ăn hết sạch

Nhiều bậc phụ huynh có thói quen khen khi con “ăn hết sạch bát”, nhưng điều này có thể khiến trẻ nghĩ rằng ăn hết mới là “ăn giỏi”, bất chấp cảm giác no hay chưa.

Về lâu dài, thói quen này khiến trẻ đánh mất khả năng nhận biết đói - no, dẫn đến ăn quá mức hoặc cảm thấy tội lỗi nếu không hoàn thành khẩu phần ăn.

7. Đừng “thần thánh hóa” món ăn lành mạnh

Việc liên tục nhấn mạnh "ăn món này tốt cho sức khỏe", "món kia lành mạnh" có thể khiến trẻ gắn thức ăn với khái niệm đúng - sai, tốt - xấu. Khi đó, trẻ có thể ăn vì muốn “làm đúng” chứ không phải vì lắng nghe nhu cầu của cơ thể.

Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy nếu trẻ tin rằng một món ăn lành mạnh, các em có xu hướng ăn nhiều hơn mức cần thiết mà không kiểm soát lượng tiêu thụ - điều này cũng gây mất cân bằng dinh dưỡng.

8. Hạn chế phán xét tiêu cực về món ăn

Trẻ ăn uống tốt hơn nếu tâm lý được thoải mái

Trẻ ăn uống tốt hơn nếu tâm lý được thoải mái

Thay vì nói “món này béo lắm”, “ăn cái đó mập lên đấy”, cha mẹ nên hướng dẫn trẻ hiểu rằng mọi món ăn đều có thể là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh nếu biết điều chỉnh hợp lý.

Việc gán nhãn tiêu cực cho thức ăn dễ khiến trẻ thấy xấu hổ hoặc tội lỗi khi ăn những món bị coi là "xấu". Nghiêm trọng hơn, trẻ có thể lén ăn, giấu đồ ăn hoặc ăn trong trạng thái căng thẳng - những dấu hiệu không tốt cho tâm lý lẫn sức khỏe.

9. Tránh gây áp lực bằng cách nhắc “đừng bỏ thừa”

Nhiều phụ huynh lo con bỏ phí nên thường trách mắng hoặc yêu cầu phải ăn hết phần đã lấy. Tuy nhiên, cách làm này dễ khiến trẻ ăn cố dù đã no, hoặc cảm thấy có lỗi khi để lại thức ăn, lâu dài ảnh hưởng tới khả năng tự điều chỉnh lượng thức ăn.

Giải pháp là hướng dẫn trẻ cách lấy khẩu phần vừa đủ, chẳng hạn dùng muỗng nhỏ để xúc cơm, hoặc gắp thức ăn lượng vừa phải rồi thêm sau nếu chưa đủ. Điều quan trọng, dạy trẻ hiểu rằng ăn uống là việc cần cảm nhận, không phải cuộc thi hay nghĩa vụ.

 
Đào Dung (Theo Parents)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ