Hệ lụy khi cho trẻ tiếp xúc với mỹ phẩm sớm

Việc cho trẻ làm quen sớm với mỹ phẩm tiềm ẩn nhiều rủi ro

Cẩn trọng với hố cát khi cho trẻ vui chơi trên bãi biển

Mười điều cha mẹ cần biết khi cho con học bơi

Có thể dùng melatonin cho trẻ không?

Hết sữa giả, lại đến thực phẩm chức năng giả dành cho trẻ em

Đặc điểm làn da trẻ nhỏ

Một cuộc điều tra của tờ The Times (Anh) cho thấy ngày nay, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường xuyên tiếp xúc với mỹ phẩm dành cho người lớn, bao gồm xịt thơm, sơn móng tay, thậm chí cả hình xăm tạm thời.

Cho trẻ tô son, đánh phấn nghe thì có vẻ đáng yêu, nhưng thực chất lại là câu chuyện đáng lo ngại. Làn da của trẻ sơ sinh vẫn còn đang trong quá trình phát triển và có sự khác biệt so với da người lớn. Tiếp xúc với mỹ phẩm quá sớm có thể gây ra các vấn đề như kích ứng hoặc phản ứng dị ứng tức thì. Nguy hiểm hơn, hóa chất trong mỹ phẩm tiềm ẩn nguy cơ sức khỏe lâu dài như rối loạn nội tiết.

Các lớp da của trẻ sơ sinh mỏng hơn tới 30% so với người lớn. Do đó các hóa chất dễ dàng thẩm thấu vào các mô sâu, thậm chí vào mạch máu. Da trẻ nhỏ cũng có hàm lượng nước cao hơn và sản sinh ít bã nhờn hơn. Điều này khiến da bé dễ bị mất nước, khô và kích ứng, đặc biệt khi tiếp xúc với các loại hương liệu hoặc sản phẩm không được thiết kế dành cho trẻ nhỏ.

Hệ vi sinh trên da trẻ, đặc biệt là các lợi khuẩn, cũng cần thời gian để phát triển. Nghiên cứu cho thấy đến 3 tuổi, làn da của trẻ mới hoàn thiện hệ vi sinh đầu tiên. Trước thời điểm đó, bôi mỹ phẩm lên da có thể làm rối loạn sự cân bằng mong manh này. Khi bước vào tuổi dậy thì, cấu trúc và hệ vi sinh da lại thay đổi, kéo theo phản ứng với các sản phẩm cũng khác đi.

Hóa chất trong mỹ phẩm nguy hại ra sao?

Sơn móng tay chứa nhiều hóa chất có hại với trẻ em

Sơn móng tay chứa nhiều hóa chất có hại với trẻ em

Cuộc điều tra cho thấy phấn tạo khối và sơn móng tay thường chứa các hóa chất độc hại hoặc thậm chí có khả năng gây ung thư, như formaldehyde, toluene và dibutyl phthalate.

Trong đó, toluene được biết đến là một chất độc thần kinh, còn dibutyl phthalate là một chất gây rối loạn nội tiết, có thể can thiệp vào chức năng hormone, từ đó ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và khả năng sinh sản. Cả hai chất này đều dễ dàng thấm qua làn da mỏng manh của trẻ sơ sinh.

Formaldehyde là chất dễ bay hơn có trong nội thất, đồ nhựa, thú nhồi bông chất lượng kém. Ngay cả ở nồng độ thấp, chất này cũng liên quan đến tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp dưới ở trẻ em (bao gồm phổi, khí quản và phế quản).

Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, nên càng dễ kích ứng với các sản phẩm chứa hương liệu như nước hoa. Các hợp chất dễ bay hơn như cồn còn dễ làm khô, ngứa đỏ da bé.

Ngoài ra, còn có nhiều thành phần chăm sóc da tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến hormone, gây dị ứng bao gồm:

  • Alkylphenol (dùng trong chất tẩy rửa và mỹ phẩm): Có thể gây rối loạn nội tiết.
  • Triclosan (chất kháng khuẩn): Ảnh hưởng đến hormone tuyến giáp và góp phần gây kháng kháng sinh.
  • Bisphenol (BPA): Thường dùng trong bao bì nhựa, có liên quan đến rối loạn hormone.
  • Cyclosiloxane (D4 và D5): Có thể tích tụ trong cơ thể và ảnh hưởng đến cân bằng nội tiết.
  • Ethanolamine: Có thể phản ứng với thành phần khác tạo thành chất gây ung thư.
  • Paraben: Chất bảo quản có thể ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.
  • Phthalate: Dùng trong hương liệu và nhựa, ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản, đặc biệt khi trẻ tiếp xúc sớm.
  • Benzophenone: Có mặt trong nhiều loại kem chống nắng, một số dạng có thể gây dị ứng và rối loạn hormone.

Dù nhiều thành phần kể trên được phép có mặt trong mỹ phẩm ở nồng độ quy định, các nhà khoa học cảnh báo về hiệu ứng “cocktail”, tức là tác động cộng dồn khi tiếp xúc với nhiều hóa chất mỗi ngày. Yếu tố này đặc biệt nguy hiểm với cơ thể trẻ trong giai đoạn phát triển.

“Tự nhiên” chưa chắc đã an toàn

Mỹ phẩm cho người lớn có thể chứa chất gây dị ứng cho trẻ hoặc ảnh hưởng đến nội tiết

Mỹ phẩm cho người lớn có thể chứa chất gây dị ứng cho trẻ hoặc ảnh hưởng đến nội tiết

Mỹ phẩm được quảng bá là “tự nhiên” hoặc “lành tính” cũng có thể gây dị ứng cho trẻ nhỏ. Ví dụ, keo ong hay propolis thường có trong sản phẩm chăm sóc da nguồn gốc thiên nhiên, có thể gây viêm da tiếp xúc ở 16% trẻ em.

Ngay cả sản phẩm được dán nhãn “đã được kiểm nghiệm da liễu” cũng không đồng nghĩa là an toàn. Nhãn này cho thấy sản phẩm đã được thử nghiệm trên da, chứ không đảm bảo không gây dị ứng.

Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ. Làn da của bé vẫn đang phát triển và nhạy cảm hơn rất nhiều với các hóa chất. Một khi thẩm thấu qua da, chúng có thể vào máu và ảnh hưởng đến cơ quan trong toàn cơ thể. Trẻ dị ứng mỹ phẩm có thể xuất hiện nốt đỏ, bong tróc, ngứa ngáy ngoài da. Nếu có triệu chứng hô hấp như ho hoặc khò khè cần được bác sĩ kiểm tra ngay.

Vì lý do trên, cha mẹ nên cân nhắc kỹ càng trước khi làm đẹp cho trẻ. Nếu cần thiết, chỉ dùng sản phẩm chăm sóc da tối giản, dịu nhẹ, được thiết kế riêng cho trẻ sơ sinh/trẻ nhỏ và được chứng nhận an toàn. Hãy hạn chế tối đa việc tiếp xúc với mỹ phẩm trang điểm, đặc biệt là trong những năm đầu đời.

 
Quỳnh Trang (Theo The Conversation)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ