Hội chứng "tình yêu lạ"

Hội chứng Florence Nightindale là thuật ngữ dùng để chỉ về các trường hợp sau:

- Một người làm công tác chăm sóc y tế nảy sinh tình yêu hay cảm giác tính dục với bệnh nhân trong quá trình chăm sóc. Hoặc ở chiều ngược lại, bệnh nhân cảm thấy yêu bác sĩ đã cứu sống mình.

- Một người luôn nghĩ mình là kẻ cứu rỗi cho nỗi đau của một người khác.

lam-quen-qua-facebook-3156-1392176023.jp
Ảnh minh họa: Health.

Thuật ngữ "Florence Nightingale" được dùng theo tên của bà Florence Nightindale (1820-1910). Gia đình bà rất giàu và có mối liên hệ với chính phủ Anh quốc. Từ nhỏ, bà bị cấm không cho đi làm những nghề thấp kém như nghề y tá lúc bấy giờ.

Florence Nightingale quyết định cãi lời cha mẹ, đi làm y tá và dùng hết nhiệt huyết của mình vào nghề y để giúp người. Sau nhiều năm rong ruổi và tận tâm cho công tác cao quý với tôn chỉ duy nhất là chăm sóc người bệnh bằng tất cả tấm lòng, bà đã có những ý kiến cũng như kinh nghiệm độc đáo chia sẻ cho thế hệ sau. Nightindale được xem là bà tổ của ngành điều dưỡng.

Mặc dù Nightindale chưa hề vướng vào chuyện rắc rối tình cảm với những bệnh nhân của bà, thuật ngữ Nightindale syndrome vẫn được đặt theo tên bà bởi tình cảm rất sâu đậm mà bà dành cho bệnh nhân.

Hội chứng Nightindale không phải là một hội chứng y khoa và không hàm ý chỉ một bệnh lý. Nó đúng hơn là một trạng thái tâm lý, với biểu hiện hoàn toàn tương tự với tâm trạng của một người khi yêu hay khi có ham muốn tính dục với ai đó.

Trong mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân, hội chứng này vô hại khi một trong hai, hoặc cả hai dừng lại ở việc có cảm tình hay yêu thầm. Trong mối quan hệ “con người – con người”, khi nhận được sự quan tâm và chăm sóc, việc nảy sinh tình cảm đặc biệt giữa người làm ơn và kẻ chịu ơn là bình thường và vô hại.

Tuy nhiên, khi một trong hai người quá chiều theo cảm xúc và hành động theo tiếng gọi con tim thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ lên cuộc sống của đôi bên. Chẳng hạn trong một số tình huống sau:

- Bác sĩ hay y tá hành động theo cảm tính, nảy sinh tình yêu với bệnh nhân trong quá trình điều trị là vi phạm y đức của ngành. Họ có thể bị cho thôi việc.

- Bệnh nhân phát sinh tình cảm với bác sĩ. Sau đó họ bày tỏ tình cảm nhưng bị từ chối. Khi ấy, bệnh nhân sẽ cảm thấy xấu hổ và đau buồn như bị thất tình.

- Hậu quả của hội chứng này càng nghiêm trọng hơn khi một trong hai đã có gia đình hay có người yêu. Khi ấy, nó làm xáo trộn không ít đời sống tình cảm của đôi bên.

Cách phòng chống và giải pháp cải thiện

Các y bác sĩ được học về rắc rối này ngay từ thời đi học, và ghi khắc trong tim bằng lời thề Hippocrate ngày tốt nghiệp. Khi đi làm, họ luôn được dặn dò giữ thái độ chuyên nghiệp, bình tĩnh và sáng suốt trong mọi trường hợp.

Ở góc độ người bệnh có tình cảm với bác sĩ: Cần phân biệt rõ cảm xúc nhất thời với tình cảm mang tính bền vững, giữa lòng biết ơn và tình yêu. Lời khuyên dành cho tình huống bệnh nhân có cảm tình với bác sĩ điều trị mình là hãy bình tĩnh, chờ một thời gian khoảng vài tháng sau khi xuất viện, hình bóng chàng hiệp sĩ áo trắng kia sẽ dần phai nhạt.

Trong trường hợp bạn cho rằng mình phải cứu sống người khác bằng cách yêu họ:

Thực tế, không ít người khá thành đạt trong nhiều lĩnh vực, nhưng lại rối bời trong chuyện tình yêu và không ngừng yêu một người quẩn quanh trong bế tắc. Thậm chí họ từ bỏ một mối quan hệ tốt để bắt đầu phiêu lưu trong cuộc tình không mấy an toàn. Họ tin rằng tình yêu của mình sẽ cứu rỗi cho người ấy hay không có mình, người ấy sẽ không còn gì cả.

Trong một chừng mực nào đó, khi xem bản thân như một người cứu rỗi thì bạn đã vô tình mắc hội chứng Nightindale.

Lý giải cho tình huống này, bà Debbie Mandel, tác giả của cuốn "Addicted to Stress: A Woman’s 7-Step Program to Reclaim Joy and Spontaneity in Life", nói: “Những người mắc hội chứng Nightindale tìm cách cứu người khác như một phương pháp để tránh đối diện với nỗi đau của bản thân”.

Theo lý giải của các nhà khoa học, hội chứng Nightindale là phản ứng của một chấn thương mới xảy ra như vừa chia tay, người yêu qua đời, đôi khi liên quan đến tình trạng thiếu tự tin.

Bằng cách thể hiện hành động hiệp nghĩa và cứu người khác, bản thân họ tạm quên nỗi đau của bản thân, thay vào đó là tập trung vào cuộc đời và chuyện buồn của người khác. Cũng có trường hợp xuất phát từ lòng trắc ẩn hơi quá đà.

Hậu quả của hội chứng Nightindale trong tình huống này khiến bản thân giống như một nhân viên cứu hộ. Họ cố gắng cứu lấy người khác cho đến khi bản thân kiệt sức và đắm chìm trong bế tắc, đôi khi còn bế tắc hơn cả người mình vừa cứu.

Gợi ý cách vượt qua hội chứng “người cứu rỗi”

1. Hãy nhìn nhận lại rõ ràng những việc mình đang làm. Khi bạn nhận diện rõ ràng từng yếu tố nằm sau hành động giải cứu như mục đích, việc cần làm, động lực… thì bạn có thể thực hiện nó theo cách an toàn và hiệu quả hơn.

2. Cảm nhận về bản thân với cái nhìn tích cực. Trân trọng giá trị mà mình đang có.

3. Nếu động lực của hội chứng đơn thuần là lòng trắc ẩn, hãy biến ham muốn giúp người thành những hành động hữu ích khác, thay vì dồn tâm trí vào nhiệm vụ “cứu rỗi người yêu”.

4. Hãy nghĩ rằng ngoài việc cố sức trong mỏi mòn nhằm sửa chữa khuyết điểm của một ai đó, ta vẫn còn cách khác là tìm kiếm cho mình một người ít khuyết điểm hơn. Tất nhiên, không có ai là hoàn hảo, nhưng ít nhất việc mở rộng suy nghĩ của bản thân theo cách này có ý nghĩa tích cực, chí ít là cho bản thân thêm lựa chọn mới.

5. Tìm đến bác sĩ tâm lý hoặc chuyên gia tâm lý để được tư vấn.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất