Hợp tác công - tư trong y tế: Lực đẩy để bứt phá

Bệnh viện công-tư: Nên “bắt tay” để giảm tải

Hợp tác công-tư: Mô hình hiệu quả trong cung cấp dịch vụ y tế

Hỗ trợ Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng trong khi chờ xác định công – tư

Bệnh viện công - tư phối hợp cùng giảm tải

Qua hơn 10 năm, xã hội hóa y tế là hình thức huy động các nguồn lực trong xã hội để nâng cao chất lượng y tế. Chính nhờ huy động được nguồn lực từ xã hội, đã đa dạng các loại hình khám chữa bệnh, tạo thêm nhiều lựa chọn cho các bệnh nhân.

Y tế nhiều tiềm năng

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện có trên 170 bệnh viện tư, chiếm 11% số bệnh viện trong toàn quốc với 45.000 giường bệnh nội trú (chiếm 4,6% tổng số giường bệnh) và trên 30.000 phòng khám tư nhân. Đây sẽ là lực lượng quan trọng giúp sức cho ngành y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm tải bệnh viện. Nhưng làm thế nào để hệ thống bệnh viện tư phát huy tác dụng, góp phần giảm tải cho bệnh viện công? Một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, giảm tải cho các bệnh viện công, cần có những mô hình đầu tư hợp tác công - tư phù hợp.

Hợp tác công - tư trong y tế giúp người dân có thêm nhiều lựa chọn.

Để có một mô hình bệnh viện công - tư ổn định, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm của nước ngoài. Theo ông Dirk Sommer, Ban Tư vấn PPP (dự án đầu tư công - tư), Tổ chức Tài chính quốc tế, Nhóm Ngân hàng Thế giới, một dự án đầu tư công - tư thành công phải phụ thuộc vào ba yếu tố: chính trị - kinh tế - thực tế triển khai. Do đó, một số mô hình PPP phù hợp với Việt Nam trong lĩnh vực y tế là: Khu vực tư nhân quản lý cơ sở, Nhà nước điều hành hoạt động khám chữa bệnh hoặc tư nhân được giao quyền quản lý một số dịch vụ lâm sàng chuyên môn hỗ trợ, thẩm tách, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh… Nhà nước sẽ giao đất, bàn giao mặt bằng cơ sở, bệnh viện công lập hiện có, bảo đảm linh hoạt tài chính cho chi phí dịch vụ khám chữa bệnh cho bệnh viện tư; đồng thời ban hành các chính sách giá cả, ưu tiên cho bệnh nhân có bảo hiểm y tế còn bệnh viện tư sẽ có quyền đầu tư, thiết kế cơ sở theo thời hạn đã định, có quyền tuyển dụng, đào tạo cán bộ…

Y tế là một trong các lĩnh vực vô cùng tiềm năng để triển khai hợp tác công - tư. Trên thực tế, ngành y tế đã thực hiện một số hình thức đầu tư kết hợp công - tư như liên doanh, liên kết đặt máy móc thiết bị khám chữa bệnh hay còn gọi là xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực y tế. Tuy nhiên, phân tích của các chuyên gia Bộ KH-ĐT, sự tham gia của tư nhân theo hình thức này vẫn còn nhiều hạn chế và chưa bền vững. Vì vậy, nhiều chuyên gia kỳ vọng, mô hình bệnh viện công - tư có thể mang đến những giải pháp bền vững, dài hạn để cải thiện chất lượng dịch vụ y tế.

Hiện đã có nhiều dự án đầu tư công - tư trong lĩnh vực y tế, trong đó Hà Nội có dự án của Trường ĐH Y Hà Nội, Dự án đầu tư xây dựng cơ sở Đại học y tế công cộng, Dự án xây dựng cơ sở II Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Dự án xây dựng cơ sở II Bệnh viện Mắt TƯ, Dự án do Tập đoàn Hellman - CHLB Đức đầu tư cung ứng dịch vụ hậu cần tại các bệnh viện.

Hài hòa lợi ích người bệnh và bệnh viện

BS. Phan Huy Anh Vũ - Giám đốc BVĐK Đồng Nai cho biết, hiện nay khó khăn trong triển khai mô hình công - tư trong lĩnh vực y tế chủ yếu là việc xây dựng cơ chế tài chính riêng trong quy chế vận hành chung toàn bệnh viện; điều chuyển nguồn nhân lực giữa hai khu vực công - tư. Nếu Bộ Y tế sớm ban hành Thông tư “Quy định về tổ chức hoạt động và xây dựng giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu trong các cơ sở khám, chữa bệnh công lập” thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong việc xây dựng và phê duyệt chế độ tài chính; điều chỉnh, quản lý, sử dụng có hiệu quả nhất nguồn nhân lực giữa hai khu vực công - tư.

Ông Shin Young - Soo, Giám đốc khu vực Tây Thái Bình Dương của Tổ chức Y tế Thế giới sau khi thăm quan BVĐK Đồng Nai mới tỏ ý băn khoăn, với cơ sở vật chất hiện đại của bệnh viện mới sắp đi vào hoạt động và chi phí hoạt động hàng tháng khá lớn thì tăng viện phí 20% đối với mô hình PPP e rằng khó đảm bảo chi phí hoạt động. Ông bày tỏ lo lắng câu chuyện áp dụng mô hình công - tư có nhiều điểm tốt nhưng cũng có nhiều “khoảng tối”. Vấn đề nhà đầu tư quan tâm là làm sao có lợi nhuận trong thời gian ngắn nhất, trong khi ngành y tế quan tâm là nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Vì vậy, yêu cầu đối với ngành y tế là làm sao để hài hòa hai mục tiêu này cũng như phải đo được sự hài lòng của người dân. Đừng để xảy ra tình trạng người dân hồ hởi đến khám, chữa bệnh ở bệnh viện mới với cơ sở khang trang hiện đại vì mong muốn hưởng được dịch vụ tốt hơn nhưng sau đó lại bức xúc khi thấy chi phí điều trị nhiều hơn.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Góc nhìn quản lý