Hơn 50% dân số Việt nhiễm giun

Học sinh Hà Nội đăng ký tẩy giun tại lễ phát động

80% người Việt nhiễm giun sán do ăn uống, vệ sinh

Nhiễm giun sán vì ăn sushi và gỏi cá sống

Phòng nhiễm giun đường ruột ở trẻ em

Nhiễm giun đường ruột: Nguy hiểm khó lường

Thông tin trên được PGS.TS Trần Thanh Dương - Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết sáng nay, tại buổi phát động “6116 - Tẩy giun định kỳ 2 lần mỗi năm để bảo vệ sức khỏe gia đình” diễn ra tại Hà Nội.

Nguyên nhân của tình trạng này là do điều kiện vệ sinh môi trường ở Việt Nam còn thấp và khí hậu nhiệt đới nóng ẩm quanh năm là điều kiện rất phù hợp cho sự tồn tại và phát tán mầm bệnh giun sán trong môi trường. Hơn nữa, giun lây lan rất nhanh trong cộng đồng khu dân cư đông đúc và những nơi sinh hoạt có môi trường tập thể khí hậu nhiệt đới, môi trường ẩm ướt, văn hóa ẩm thực vùng miền đặc trưng và thói quen ăn uống của nhiều người như ăn rau sống, thịt tái, thủy sản tươi sống… là điệu kiện thuận lợi để các loại ký sinh trùng phát triển.

Theo PGS.TS Dương, nhiễm giun đường ruột gây nên nhiều tác hại khác nhau như thiếu máu, thiếu các vi chất, trẻ em học tập không tập trung, gây bệnh ở gan mật, phổi ảnh hưởng đến sự phát triển về thể chất và tinh thần cho người bệnh, đặc biệt ở trẻ em và phụ nữ có thai. Nghiêm trọng hơn là các triệu chứng do nhiễm giun đường ruột như viêm đường mật, viêm tụy cấp, tắc ruột, tổn thương gan… Với những người có sức đề kháng yếu thì bệnh lý ngày càng xấu và thậm chí có thể dẫn tới tử vong.

Trong khi đó mới đây, theo kết quả tổng kết dinh dưỡng toàn cầu 2014, Việt Nam là 1 trong 78 nước đang chịu gánh nặng của tình trạng suy dinh dưỡng phổ biến nhất bao gồm suy dinh dưỡng thấp còi trẻ dưới 5 tuổi, thiếu máu phụ nữ tuổi sinh đẻ.

Theo đó, tính đến năm 2014, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi thể nhẹ cân hiện vẫn ở mức 14,5% và thấp còi là 24,9%. Tình trạng thiếu máu hiện nay vẫn ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. 28,8% phụ nữ tuổi sinh đẻ, 36,5% phụ nữ có thai, 29,2% trẻ dưới 5 tuổi nước ta bị thiếu máu gây hậu quả xấu về sức khoẻ cho bà mẹ và trẻ em. 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này ngoài vấn đề về gene, về dinh dưỡng còn là do tình trạng nhiễm giun của người Việt. Tuy nhiên, nhận thức của người Việt Nam về tẩy giun định kỳ còn chưa đầy đủ. PGS.TS Dương dẫn chứng về kết quả thu nhận được sau khi tiến hành khao sát nhỏ về mức độ nhận thức của người dân về tẩy giun định kỳ sau khi kết thúc chiến dịch tại TP.HCM. Theo đó có 56,4% phụ huynh không tẩy giun định kỳ 6 tháng 1 lần cho trẻ; Trong đó, 4,1% chưa bao giờ tẩy giun cho con, 9,9% phụ huynh không nhớ đã tẩy giun cho con hay chưa và gần 42,5% trẻ em được tẩy giun cách đây từ 1 năm trở lên.

PGS. TS Trần Thanh Dương khuyến cáo, để đạt hiệu quả cao, việc tẩy giun không nên thực hiện đơn lẻ một thành viên mà phải tẩy đồng loạt cho cả gia đình trong cùng thời điểm để tránh lây nhiễm trứng giun. Việc tẩy giun cần được tiến hành định kỳ 6 tháng 1 lần. Thời gian quá dài hay quá ngắn đều không tốt. Nếu thời gian cho mỗi lần tẩy giun cách nhau vài năm có thể không loại bỏ hết giun ra khỏi cơ thể. Ngược lại, thời gian quá ngắn thì không cần thiết bởi nguy cơ tái nhiễm giun chưa xuất hiện.

Được biết sau buổi phát động kêu gọi, chương trình sẽ tiếp tục cung cấp thông tin về tác hại của nhiễm giun và cách phòng ngừa đến khoảng 11.000 học sinh, phụ huynh và giáo viên tại 12 trường tiểu học ở Hà Nội. Bên cạnh việc cung cấp thông tin trực tiếp về tầm quan trọng của việc tẩy giun, NIMPE cũng triển khai công tác tư vấn về lợi ích của tẩy giun định kỳ 6 tháng 1 lần cho cả trẻ em và người lớn để bảo vệ sức khỏe thông qua các hình thức như: Tin nhắn, chiếu phim tuyên truyền, truyền thông trên mạng… Chương trình sẽ được kéo dài đến hết ngày 30/7/2015.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn