Một trong ba gói trà kém chất lượng, dán đè nhãn mác mà hành khách N.V.T. đã mua của Công ty Thu Anh ở nhà ga T1 Nội Bài (Ảnh: TTO)
Hành lý thất lạc bất thường ở sân bay Nội Bài
Chất lượng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất rất tệ
Bộ Y tế: Siết chặt kiểm dịch y tế tại sân bay Nội Bài
Mỳ, phở, bánh mỳ kẹp tại sân bay Nội bài sẽ có giá cao nhất 20.000 VND
Từ thông tin của bạn đọc gửi báo chí qua đường dây nóng về việc mua phải trà (chè) kém chất lượng tại nhà ga T1 Nội Bài, lãnh đạo Cục Hàng không đã yêu cầu Cảng vụ hàng không miền Bắc kiểm tra, xử phạt Công ty TNHH kinh doanh thương mại Thu Anh 11 triệu đồng vì bán loại trà trên. Ngày 6/3, Cảng vụ hàng không miền Bắc đã ra quyết định xử phạt hành chính Công ty Thu Anh tổng cộng 11 triệu đồng về hai hành vi là thay đổi nhãn hàng hóa và không đăng ký chất lượng, giá sản phẩm dịch vụ với cơ quan có thẩm quyền; Yêu cầu Công ty Thu Anh tiêu hủy các gói trà nói trên.
Trước đó, phản ánh tới báo chí, anh N.V.T. (ở Vũng Tàu) cho biết, ngày 24/2, trước khi lên máy bay đi TP.HCM, anh đã mua ba gói trà hiệu Tân Cương Thái Nguyên (mỗi gói 500gr, giá 280.000 đồng/gói) tại một gian hàng ở cửa ra máy bay số 9, nhà ga T1 Nội Bài. Khi về nhà, anh T. mở gói trà ra sử dụng thì thấy nhãn trà Tân Cương Thái Nguyên bị dán đè lên nhãn mặt hàng khác là “Nhãn lồng Hưng Yên” và trà trong túi đã bị mốc.
Ngay khi nhận được phản ánh, báo Tuổi Trẻ đã chuyển thông tin sự việc trên cho phó cục trưởng Cục Hàng không Võ Huy Cường.
Qua kiểm tra thực tế, Cảng vụ hàng không miền Bắc xác định được cửa hàng bán trà nói trên là của Công ty TNHH kinh doanh thương mại Thu Anh. Việc hành khách phản ánh các gói trà dán nhiều nhãn mác khác nhau như trên là đúng, đồng thời đã lập biên bản sự việc, báo cáo lên Cục Hàng không.
Trao đổi với báo chí, ông Võ Huy Cường cho biết quan điểm của Cục Hàng không là xử lý nghiêm các vụ việc như trên nhằm đảm bảo quyền lợi cho hành khách và uy tín của các sân bay.
Ông Cường cho biết hiện đang giao Cảng hàng không quốc tế Nội Bài rà soát hợp đồng đã ký với Công ty Thu Anh, căn cứ vào các điều khoản hợp đồng để có bước xử lý tiếp theo.
Tuy nhiên, đây không phải lần đầu tiên các sân bay lớn của Việt Nam gặp vấn đề về giá cả và chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Vài năm trước, báo chí cũng đã đưa tin rất rầm rộ về việc một doanh nghiệp bán mì gói chay giá 100.000 đồng/tô cho hành khách. Sau đó, hành khách này nhắn tin tới Bộ trưởng Đinh La Thăng và Bộ trưởng Thăng đã yêu cầu Cảng vụ hàng không, doanh nghiệp quản lý cảng hàng không (CHK) xác minh xử lý.
Năm 2014, qua quá trình xác minh của một số cơ quan báo chí, phát hiện ra nhiều loại hoa quả đã được cơ sở kinh doanh tại sân bay Nội Bài mua từ chợ đầu mối Long Biên có nguồn gốc từ Trung Quốc và được đóng gói, dán nhãn mác là đặc sản Việt Nam.
Các sản phẩm này sau đó được cung cấp cho các hộ kinh doanh bán tại sân bay. Thậm chí, một cơ sở đóng gói hoa quả bán tại sân bay Nội Bài thừa nhận 80% sản phẩm có nguồn gốc Trung Quốc. Các loại quả này được gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để dễ tiêu thụ.
Ngay khi biết tin, Cục Hàng không, Cảng vụ hàng không đã nhanh chóng xác minh, xử lý, xử phạt doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phi hàng không có vi phạm. Tuy nhiên, điều đáng suy ngẫm là tại sao việc xử lý các vụ việc trên thường lại xuất phát từ phản ảnh của hành khách chứ chưa phải là từ kết quả kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng? Trong khi đó, các CHK, sân bay đều công khai đường dây nóng của các cấp dưới quyền bộ trưởng.
Bình luận của bạn