Thiếu than hoạt tính, bác sĩ “tự làm tự sướng”

"Đi vay"… than hoạt tính

BS Bạch Văn Cam, cố vấn Khối Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP.HCM khẳng định: hơn 80% trường hợp ngộ độc phải sử dụng đến than hoạt tính như: ngộ độc phốt pho hữu cơ có trong thuốc rầy, thuốc trừ sâu; ngộ độc thuốc ngủ... Thế nhưng hiện nay không có công ty dược nào cung ứng than hoạt tính, do đó các bác sĩ phải tự kiếm nguồn thuốc điều trị. Một bác sĩ ở Khoa Cấp cứu của một BV trên địa bàn Q.5 cho biết, BV không có than hoạt tính nên khi tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc cần sử dụng than hoạt tính thì phải đi... vay mượn.

Hơn 80% trường hợp cấp cứu cần sử dụng than hoạt tính

Trong khi, BV Nhi Đồng 1 cũng không có công ty dược cung ứng nên các bác sĩ phải tự tìm nguồn hàng ở các cơ sở bán than hoạt tính để cấp cứu cho người bệnh. "Chúng tôi mua than hoạt tính ở tiệm bán hóa chất trên đường Tô Hiến Thành, Q.10, một kg giá 65.000 đồng. Họ bán nguyên bao như bao xi măng, dùng cho việc hút khí ô nhiễm, hút mùi khi nấu ăn. Chúng tôi mua bao lớn về chia nhỏ thành từng bịch 10g/gói để tiện cấp cứu. BV không được phép "sản xuất" thuốc - sinh phẩm, những gói than hoạt tính này hoàn toàn không có số đăng ký lưu hành; nếu bị thanh tra thì chúng tôi chịu thua" - một bác sĩ của BV Nhi Đồng 1 giãi bày.

Một dược sĩ ở BV đa khoa Q.Thủ Đức cho biết, năm 2012, BV này sử dụng 147 gói và hiện còn 55 gói than hoạt tính. Tất cả than hoạt tính này là do BV tự thăm dò và mua theo dạng ký ở cửa hàng bán hóa chất công nghiệp trên đường Tô Hiến Thành rồi về chia nhỏ thành gói 25g, với giá 4.800đ/gói để điều trị cho người bệnh. Khi chúng tôi hỏi nguồn "thuốc" than hoạt tính do công ty nào cung ứng thì các bác sĩ BV Nhi Đồng 2 cho biết: BV tự sản xuất. "Chúng tôi rất cần than hoạt tính trong điều trị cấp cứu. Việc sử dụng than hoạt tính giúp người bệnh phục hồi tốt hơn. Đặc biệt, trong phác đồ điều trị nhiều loại ngộ độc buộc phải có than hoạt tính, nhưng nếu BV không tự trang bị thì phải chuyển viện vì không có công ty dược nào chào bán" - BS Trần Đắc Nguyên Anh, Khoa Cấp cứu, BV Nhi Đồng 2 nói.

Ngay cả BV Chợ Rẫy thuộc tuyến cuối cùng ở khu vực phía Nam, nhưng cũng phải tự "sản xuất" than hoạt tính chứ không có công ty dược nào cung ứng. BS Trần Quang Bính, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, BV Chợ Rẫy giải thích: "Mỗi năm, BV chỉ sử dụng vài chục ký, trong khi mỗi ký có giá vài chục ngàn đồng, nên chúng tôi tự mua than hoạt tính sử dụng. BV cũng có đưa than hoạt tính vào danh mục đấu thầu nhưng không có công ty nào tham gia vì lợi nhuận quá ít, còn các cửa hàng bán than hoạt tính chỉ là cơ sở bán hóa chất sử dụng trong công nghiệp nên không thể tham gia đấu thầu".

Than hoạt tính "made in BV Nhi Đồng 1"

Cần chỉ định bắt buộc đơn vị sản xuất

Theo BS Bạch Văn Cam, ngoại trừ ngộ độc rượu, ngộ độc kim loại nặng, ngộ độc axit, ngộ độc dầu lửa... thì các loại ngộ độc còn lại đều phải sử dụng than hoạt tính trong cấp cứu. Nếu các cơ sở chỉ dùng biện pháp rửa dạ dày trong điều trị ngộ độc mà bỏ qua giai đoạn sử dụng than hoạt tính là sai lầm. Việc bơm nước vào dạ dày để pha loãng dịch và thải bớt độc chất ra, chứ không thể lọc hết được chất độc. Trong khi, độc chất sau khi vào dạ dày còn dịch chuyển xuống ruột; lúc này chỉ có than hoạt tính mới hấp thu, gắn kết được độc chất có trong ruột để thải ra ngoài theo phân.

Nhiều công ty dược không cung ứng than hoạt tính vì lợi nhuận thấp nên đã thiếu mặt hàng này trong danh mục thuốc. Một số BV, nhất là BV tuyến tỉnh vì thiếu than hoạt tính đã chuyển bệnh nhân lên tuyến trên hoặc chuyển đến TP.HCM, như vậy vừa mất thời gian vô ích và gây chậm trễ cho người bệnh. Nguy hiểm hơn, do không có than hoạt tính nên một số bác sĩ đã sử dụng loại than hoạt tính dạng dập thành viên (dành cho bệnh nhân ăn uống khó tiêu, thường bán ở các tiệm thuốc) rồi nghiền nát để cấp cứu là không đúng. Vì theo y văn thì than hoạt tính dạng này không có hiệu quả hoặc hiệu quả rất thấp so với than hoạt tính dạng bột mịn dành cho bệnh nhân cấp cứu.

Giám đốc một BV kiến nghị: "Bộ Y tế nên chỉ định và giao cho một cơ sở y tế phân phối than hoạt tính cho các BV, chứ không thể để các BV tự xoay xở. Cơ sở đầu mối phân phối than hoạt tính đại diện cho Bộ Y tế có thể là Trung tâm Y tế dự phòng vì cơ sở này thường là đầu mối phân phối vắc-xin của chương trình tiêm chủng mở rộng và hóa chất Cloramin B trong việc phòng bệnh tay-chân-miệng, cúm... Hoặc Bộ Y tế có thể chỉ định bắt buộc cho các công ty dược nhà nước".

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin