Làm gì để y tế Việt Nam phát triển?

Huyền thoại network marketing thế giới đến Việt Nam

Nhà tre Việt Nam nhận giải quốc tế WAN Awards 2014

Dầu ăn bẩn Đài Loan có nguồn gốc từ Việt Nam?

Việt Nam chủ động phòng dịch Ebola

Việt Nam nâng cao mức độ ứng phó với dịch Ebola

 

Ảnh minh họa

 

Cứ cho là một bác sĩ Mỹ chỉ nhận được chưa đến 1/3 số tiền công mổ trên hóa đơn (16.277 USD) sau khi trừ đi các chi phí luật sư, thuế má… Số tiền bác sĩ Việt Nam nhận được cho một ca mổ tương tự là 25.000 đồng. Vậy thì số tiền họ được hưởng cao gấp… 4.536 lần so với bác sĩ Việt Nam.

Nhiều người nói tôi so sánh với chi phí y tế ở Mỹ là bất hợp lý. Tính thu nhập bình quân đầu người mỗi năm của Mỹ là 52.000 USD, của Việt Nam là 2.000 USD thì thu nhập bình quân của Mỹ cao gấp 26 lần Việt Nam. Vậy nếu tính theo đúng tỷ lệ 1:26 so với giá 55.029 USD, chi phí một ca mổ ruột thừa ở Việt Nam phải là 44.446.000 đồng, cao gấp 7,4 lần so với hiện nay. Cũng tính theo tỷ lệ 1:26, số tiền mà một bác sĩ Việt Nam cần nhận được cho một cuộc mổ ruột thừa (trung phẫu) là 174 USD (3.663.000 đồng).

Các bác sĩ Mỹ sẽ phì cười khi nghe con số này. Nhưng thôi, người ta vẫn nói bác sĩ Mỹ "đẳng cấp" hơn bác sĩ Việt Nam, mặc dù sau khi đi đến một số bệnh viện ở Mỹ, học và làm việc chung với nhiều bác sĩ Mỹ, nhận được khá nhiều bệnh nhân điều trị từ Mỹ trở về, tôi thấy rằng, ngoài khả năng tiếng Anh và những hiệu quả của nó thì chẳng thể nào nói ai hơn ai được cả.

Nhưng tính thu nhập của bác sĩ và nhân viên y tế theo tỷ lệ trên có thể chấp nhận được. Còn với các chi phí khác thì chắc chắn không thể chênh lệch như vậy vì các chi phí của chúng ta lớn hơn do giá thuốc, giá vật tư tiêu hao, giá máy móc, trang thiết bị, giá đất, giá nhà, chi phí xây dựng, lãi suất ngân hàng… cao hơn Mỹ rất nhiều.

Lại nhìn vào hóa đơn tính tiền viện phí, tổng chi phí cho một ca mổ ruột thừa là 55.029,31 USD. Nếu trừ đi tất cả chi phí lương nhân công còn lại, khấu hao máy móc và khấu hao tài sản cố định… nhà đầu tư có thể thu lời khoảng từ 15.000 USD đến 20.000 USD trên mỗi ca mổ ruột thừa, một phẫu thuật thuộc hàng rẻ nhất trong các phẫu thuật.

Nếu loại bỏ lợi nhuận, những chi phí "sang" không cần thiết (ví dụ như một sợi chỉ bác sĩ Mỹ chỉ khâu một mũi trong khi bác sĩ Việt Nam khâu khoảng 10 mũi), thì tổng chi phí phải bằng khoảng 1/5 so với Mỹ mới có thể nói đến dịch vụ chất lượng đạt tiêu chuẩn cao. Nhưng chúng ta nhà nghèo, không thể đòi hỏi sang như Tây, như Mỹ được, nên chúng ta có thể chấp nhận một số dịch vụ nào đó chưa bằng họ để hạ mức chi phí chung xuống còn bằng khoảng 1/10 với giá của họ, tức là chi phí cho một ca mổ ruột thừa sẽ vào khoảng 5.500 USD.

Việt Nam có nên tính đúng, tính đủ chi phí y tế không? 5.500 USD cho một ca mổ ruột thừa ai mà trả nổi? Điều băn khoăn đó hoàn toàn hợp lý.

Còn nhớ khi mới có CTScan, các bác sĩ đã rất lo lắng, làm sao bệnh nhân có thể trả được chi phí 1.000.000 đồng cho một lần chụp. Trước đó, khi bệnh nhân bắt đầu phải trả một phần viện phí, không chỉ bệnh nhân mà hầu hết nhân viên y tế đều lo lắng: Làm sao bệnh nhân có thể trả được?

Chúng ta đã quá quen với chi phí y tế với giá rẻ. Hiện nay chi phí cho bảo hiểm y tế (BHYT) bằng 7% mức lương chính của những người làm công ăn lương, trong đó doanh nghiệp phải đóng 6%. Thực tế người lao động chỉ đóng có 1% lương chính cho BHYT mà thôi. Đấy là chưa tính đến việc mức lương dùng để đóng BHYT chỉ chiếm một phần thu nhập thật cho dù thu nhập thật của người lao động nhìn chung là rất thấp.

5.500 USD - hình như đó là giá của một chiếc xe SH, thấp hơn giá Piaggio. Có bao nhiêu chiếc SH, Piaggio chạy trên đường, bao nhiêu chiếc nằm trong nhà, bao nhiêu chiếc trong kho đang chờ bán ra? Tại sao một người có thể trả tiền cho những chiếc xe đắt giá mà lợi ích của nó không hơn chiếc xe giá bằng 1/3 như vậy chỉ để thỏa ý thích, mà lại không thể trả số tiền tương đương để cứu tính mạng mình? Tại sao người ta có thể trả tiền cho hàng tỷ lít bia, hàng trăm triệu lít rượu, hàng tỷ đôla hàng xa xỉ phẩm mà lại so kè từng đồng với sức khỏe, với sinh mạng của mình?

Thị trường chịu ảnh hưởng của quy luật cung - cầu. Nếu đã xây dựng nền kinh tế thị trường thì việc hoạch định chính sách y tế phải dựa trên yếu tố cung - cầu. Việc xây dựng một chính sách kinh tế thị trường nửa vời vừa không phù hợp với quy luật, vừa tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bất ổn xã hội.

Các quy định bắt buộc của Nhà nước hiện nay về giá dịch vụ y tế không phù hợp với quy luật thị trường, từ đó phát sinh những rắc rối tất yếu. Nếu không tìm cách đưa trở về con đường đúng với quy luật thì tất cả các động tác gỡ rối đều làm cho rối ren hơn.

Cách tính chi phí y tế hiện nay đang giết chết ngành y Việt Nam, đang làm cho các bệnh viện Việt Nam ngày càng kiệt quệ, xa rời với sự phát triển của y tế thế giới. Nhân viên y tế Việt Nam đang bị đẩy vào con đường bần cùng. Mà bần cùng tất sinh đạo tặc. Nếu cứ tính như thế này, người bệnh Việt Nam sẽ phải chấp nhận nguy cơ rủi ro rất lớn, một ngày nào đó sẽ chỉ còn một dịch vụ y tế chất lượng tồi bại, cùng với một đội ngũ… "y tặc" phục vụ.

Cần định giá đúng cho sức khỏe và sinh mạng. Trong những cái đáng quý thì sức khỏe và sinh mạng con người là những thứ đáng quý nhất. Và như vậy thì việc chi một khoản tiền lớn cho nó là hoàn toàn xứng đáng, hơn hẳn đối với những thứ phù du như nhà cao cửa rộng, trang phục đẹp, xe sang, ASIAD hay gì đó tương tự.

Xây dựng hệ thống y tế theo nền kinh tế thị trường như thế nào? Để cứu vãn các bệnh viện công, thay vì xây dựng nền y tế theo quy luật thị trường, chúng ta phát minh ra một kiểu "xã hội hóa" y tế mới: đưa tư nhân vào các cơ sở y tế công. Điều này giúp cho các bệnh viện công có thêm trang thiết bị hiện đại nhưng lại sinh ra hàng loạt các vấn đề. Cho phép, cấm, cho phép, cấm… cứ luẩn quẩn chạy theo dư luận mà chẳng có một cơ sở lý luận rõ ràng nào cho các lệnh cấm hay cho phép cả.

Chúng ta cần phải xác định thật rõ ràng: hoạt động y tế là hoạt động dịch vụ, giữa một bên là người cung cấp dịch vụ và một bên là khách hàng thụ hưởng dịch vụ. Và như vậy, phải có một sự bình đẳng về quyền lợi giữa hai chủ thể của mối quan hệ này. Không nên nhầm lẫn khái niệm nhân đạo và những vấn đề về y đức ở đây.

Nhà nước phải xây dựng được một chiến lược phát triển y tế phù hợp với điều kiện xã hội Việt Nam, phù hợp với quy luật thị trường. Các cơ sở y tế phải hoạt động như những doanh nghiệp, không phải cơ quan hành chính sự nghiệp như hiện nay. Và khi các cơ sở y tế hoạt động như một doanh nghiệp thì nó phải vận hành theo quy luật thị trường, có nghĩa là phải tự tồn tại, tự phát triển và được quyền tự quyết.

Hãy để cho thị trường quyết định "vận mệnh" của các cơ sở y tế. Nhà nước chỉ nên quản lý theo luật, chỉ nên can thiệp thông qua các biện pháp kích thích hoặc hạn chế bằng các đòn bẩy kinh tế. Việc chi trả cho các bệnh viện hãy để cho bệnh nhân và các công ty bảo hiểm y tế công cũng như bảo hiểm y tế tư nhân lo.

Việc duy trì BHYT công trong giai đoạn này thực sự là điều cần thiết. BHYT công phải có khả năng chi trả một phần tương đối lớn (70-80%) chi phí y tế thật sự. Như vậy, việc thu phí BHYT cần phải thay đổi. Mức đóng góp sẽ phải cao hơn hiện nay, có thể lên đến 12% hoặc 15% thu nhập thật và người lao động phải tự đóng một phần xứng đáng với quyền lợi của họ, không nên đổ hết lên đầu doanh nghiệp.

BHYT công phải là BHYT bắt buộc và toàn dân. Song song đó, việc phát triển các cơ sở BHYT tư nhân với mức thu cao hơn so với BHYT công cần được khuyến khích thông qua các biện pháp kinh tế. Các cơ sở BHYT tư nhân sẽ đảm đương cho nhóm những người có thu nhập cao, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Cũng cần phải giới hạn việc chi trả của BHYT ở những mục thực sự cần thiết chi trả, không nên mở quá rộng các mục chi trả, ví dụ như trả cho tai nạn giao thông. Trong khi có nhiều loại bảo hiểm có thể và phải chi trả cho tai nạn giao thông mà nhà nước lại bắt BHYT chi trả cho tai nạn giao thông là hết sức vô lý.

Để giải bài toán y tế cho người nghèo, Nhà nước chỉ nên giữ lại các cơ sở y tế dự phòng thực sự cần thiết và không có khả năng sinh lợi nhuận. Các cơ sở y tế khác nên được giao cho tư nhân khai thác. Nhà nước sẽ dành phần ngân sách dành cho y tế hiện nay tập trung cho y tế dự phòng và cho người nghèo.

Với nguồn ngân sách dành cho người nghèo, Nhà nước có thể duy trì một số bệnh viện với chất lượng tương tự các bệnh viện hiện nay dành cho người nghèo. Đối với các bệnh viện dành cho người nghèo, ngoài nguồn ngân sách của Nhà nước, các tổ chức xã hội sẽ đóng góp thêm. Việc thành lập các bệnh viện dành cho người nghèo sẽ giúp cho các Quỹ bảo trợ bệnh nhân nghèo hoặc các nhà hảo tâm dễ dàng hơn và an tâm hơn trong việc hỗ trợ.

Tôi tin rằng khi không phải lo cơm áo gạo tiền, nhiều nhân viên y tế sẽ dành một phần thời gian chăm sóc miễn phí cho bệnh nhân nghèo. Hiện nay, dù đời sống khó khăn nhưng vẫn có rất nhiều nhân viên y tế đang thực hiện tại các phòng khám từ thiện, tại các trung tâm bệnh xã hội.

Cần có một cuộc cách mạng thực sự thì mới có thể đưa nền y tế của chúng ta tiến lên được, mới có thể giải quyết được những vấn nạn y tế hiện nay. Cuộc cách mạng này phải bắt đầu bằng việc thay đổi tư duy, đặc biệt là tư duy của giới lãnh đạo, phải được thực hiện bằng sự dũng cảm, đặc biệt là sự dũng cảm của các nhà quản lý.

Dongoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Cộng đồng lên tiếng