Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp chiều 23/6 của Thường trực Chính phủ
Sỏi mật 4,1mm có nhân là xác giun có nguy hiểm không?
5 cách phòng ngừa sỏi thận bạn nên biết
Giải pháp giúp cải thiện cơn đau bụng kinh an toàn, hiệu quả
Run khi mệt mỏi, hồi hộp hay đói: Làm sao để trị?
Tại diễn đàn kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV mới đây, thầy thuốc Nguyễn Anh Trí, đại biểu của Hà Nội đã lên tiếng: Y tế cả nước đang chao đảo. Những "chiến binh áo trắng kiên cường" trong chống dịch COVID-19, trong hoạt động bảo vệ sức khỏe nhân dân nay đang bải hoải, "buông tay" đứng nhìn… Họ nhìn thấy, hoạt động mua sắm thuốc men, vật tư, sinh phẩm,… đang bị đứt gãy nghiêm trọng… Bởi vậy, nhân diễn đàn này, tôi xin kêu gọi Quốc hội, Chính phủ tập trung mọi sức lực giải quyết những vấn đề rất cấp bách của y tế như về nhân sự, về nhân lực y tế; về cơ chế bảo vệ, đảm bảo quyền lợi hợp lý cho cán bộ y tế, về các biện pháp ngăn chặn tiêu cực trong ngành y và đặc biệt hơn cả là hoàn thiện hơn thể chế, đồng bộ những vấn đề pháp lý cho ngành y tế (trích dẫn từ báo Dân trí đăng ngày 13/6).
Như thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ phát đi vào tối muộn ngày 23/6, thì qua phản ánh của người dân, của các cơ quan báo chí, báo cáo của các bộ, ngành thì Chính phủ đã nắm được tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế nghiêm trọng diễn ra ở nhiều nơi, khiến người dân lo lắng.
Thầy thuốc Nguyễn Anh Trí lo lắng cho ngành y tế Việt Nam (ảnh Dân trí)
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, các cơ quan tiếp tục bám sát, đánh giá tình hình, mức độ thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế một cách chính xác, khách quan, trung thực, toàn diện trên cơ sở số liệu thống kê, phân tích cụ thể nguyên nhân chủ quan, khách quan, đưa ra giải pháp phù hợp, sát tình hình, khả thi, hiệu quả.
Với nhận định tình hình dịch bệnh còn có thể diễn biến phức tạp, khó lường do vaccine giảm khả năng miễn dịch theo thời gian và việc xuất hiện các biến chủng mới, một số đối tượng chưa tiêm đủ liều theo mục tiêu đề ra. Bộ Y tế, các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục thần tốc hơn nữa trong triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19, đánh giá về miễn dịch cộng đồng, tích cực hơn nữa việc tiêm cho các đối tượng cần tiêm, trong đó có trẻ em từ 5 đến 11 tuổi, tiếp tục nghiên cứu việc tiêm vaccine cho trẻ em dưới 5 tuổi, bảo đảm an toàn cho các em học sinh bước vào năm học mới, các phụ huynh yên tâm làm việc, góp phần thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Bên cạnh đó, cần hết sức cảnh giác, ứng phó kịp thời với các loại dịch bệnh theo mùa, như sốt xuất huyết, chân tay miệng,… nguy cơ từ các dịch bệnh trên thế giới có thể xâm nhập vào Việt Nam, như bệnh đậu mùa khỉ. Do đó, phải tăng cường năng lực y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở, để người bệnh được tiếp cận y tế từ sớm, từ xa, từ cơ sở, chống khuynh hướng lơ là, chủ quan và cả hốt hoảng, lo sợ trước dịch bệnh.
Về các nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế ở một số nơi. Trong đó, có nguyên nhân khách quan do dịch bệnh làm đứt gãy chuỗi cung ứng, trong đó có thuốc; giá cả đầu vào nguyên liệu tăng cao trên thế giới… Tuy nhiên, nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Cụ thể, việc đấu thầu tập trung triển khai chậm, chưa kịp thời, chưa thực sự nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân liên quan. Các cơ quan cũng chưa thật tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế. Việc gia hạn các loại thuốc chậm; công tác kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm chưa tích cực; việc phối hợp với các bộ, ngành Trung ương và với địa phương chưa chặt chẽ, hiệu quả. Đặc biệt, nhiều cán bộ còn sợ trách nhiệm, không dám chịu trách nhiệm.
Thủ tướng đề nghị trước mắt Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát tổng thể các quy định hiện hành liên quan việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, trên cơ sở đó chủ động, tích cực xử lý, ban hành các văn bản theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền, chỉ rõ các nội dung vướng mắc, nằm ở đâu, ai giải quyết. Bộ Y tế khẩn trương triển khai các nội dung dành cho ngành y tế trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội với kinh phí khoảng 14.000 tỷ đồng. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành liên quan báo cáo Chính phủ các nội dung vượt thẩm quyền, xây dựng dự thảo nghị quyết để Chính phủ có nghị quyết chỉ đạo ngay về vấn đề này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo cung ứng thuốc, vật tư y tế và các giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành y tế (ảnh Dân trí)
Bộ Y tế rà soát, cùng các cơ quan tổ chức thực hiện nghiêm các quy định hiện hành về đấu thầu tập trung tại Trung ương và địa phương, nếu có vướng mắc thì tham khảo ý kiến các bộ, ngành, bảo đảm cung ứng thuốc đầy đủ cho các cơ sở y tế, trên tinh thần công khai, minh bạch, rõ ràng, chống tiêu cực. Bộ Y tế rà soát lại, chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước tại các đơn vị liên quan tới lĩnh vực dược, bảo đảm không chậm trễ cấp phép thuốc, kịp thời sửa đổi, bổ sung các quy định, cắt giảm, đơn giản hóa tối đa các thủ tục hành chính, trên tinh thần bảo đảm an toàn cho người dân, người bệnh là trên hết, theo các quy luật của cơ chế thị trường, góp phần giảm chi phí đầu vào, giá thành sản phẩm.
Bộ Y tế, các cơ quan đẩy mạnh phân cấp mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế trên cơ sở ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường kiểm tra, giám sát; quy định rõ ràng, minh bạch danh mục mua sắm tập trung và mua sắm phân cấp để các cấp, các đơn vị liên quan dễ thực hiện.Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ Y tế xem xét, bổ sung các văn bản, quy định liên quan theo thẩm quyền và quy định của pháp luật, như quy địnhvề đấu thầu, giá cả… hướng dẫn cụ thể, chặt chẽ để người thực hiện yên tâm, khuyến khích người dám nghĩ dám làm và xử lý nghiêm người trục lợi; vận dụng hết công cụ quản lý giá để phục vụ mua sắm, đấu thầu và chống thất thoát, lãng phí, tiêu cực.
Một vấn đề đối với ngành Y tế đang rất được dư luận quan tâm là tình trạng cán bộ, nhân viên cơ sở y tế công lập xin nghỉ việc, với các nguyên nhân chủ yếu như thu nhập thấp so với các cơ sở y tế tư nhân; áp lực công việc cao khi cường độ làm việc của nhân viên y tế rất lớn trong phòng, chống dịch COVID-19... Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp rà soát quy định về số lượng người làm việc, cơ cấu, tổ chức, bộ máy của các đơn vị trong ngành y; hoàn thiện các chính sách, xây dựng khung pháp lý rõ ràng hơn cho hợp tác công tư, đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực, thu hút y tế tư nhân tham gia nhiều hơn vào sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân; củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở.
Thứ hai, khẩn trương thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các quy định; sớm rà soát, tổ chức, sắp xếp lại các đơn vị sự nghiệp công lập trong ngành y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế.Bộ Y tế, Bộ Nội vụ khẩn trương hướng dẫn thành lập các trạm y tế theo quy mô dân số. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế sớm đánh giá tình trạng mất cân đối về nhân lực, dự báo nhu cầu sắp tới, có phương án chủ động phù hợp để cân đối giữa các địa bàn, giữa các tuyến xã, huyện, tỉnh, giữa khám chữa bệnh và y tế dự phòng, giữa các chuyên ngành khác nhau…
Thủ tướng yêu cầu đánh giá chính xác thực trạng, tiếp tục triển khai các giải pháp bảo đảm thuốc và nhân lực y tế (Ảnh: Dân trí).
Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nội vụ bố trí đủ người làm việc đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, nguyên tắc là ở đâu có bệnh nhân ở đó phải có người chữa bệnh. Thủ tướng giao các cơ quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định 56/2011/NĐ-CP về chế độ phụ cấp ưu đãi cho công chức, viên chức ngành y tế, bảo đảm tuân thủ quy định của Đảng; sớm ban hành chính sách hỗ trợ nhân viên y tế bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Bộ Y tế xây dựng phương án tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế để tăng nguồn thu cho các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, trên cơ sở khoa học và thực tiễn, tầm nhìn dài hạn.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, khen thưởng, biểu dương những người tốt, việc tốt, đồng thời tập trung sửa chữa, khắc phục những việc chưa làm được. “Tôi rất chia sẻ với Bộ Y tế, ngành y tế. Bình thường đã rất nhiều việc, khi chống dịch lại càng nhiều việc, khi hết dịch lại phát sinh nhiều việc khác, cộng với các công việc thường xuyên, các công việc tồn đọng. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những kết quả, thành tựu của ngành y tế, Bộ Y tế thời gian qua, đóng góp lớn trong kiểm soát dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Còn với những việc chưa được thì phải xử lý, khắc phục, nhưng không vì thế mà thiếu ý chí, trách nhiệm với tính mạng, sức khỏe người dân. Ngành y tế cần nhanh chóng kiện toàn các chức danh, rà soát các quy định để làm tốt hơn, tránh tâm lý lo ngại, sợ sai, không dám làm. Tình hình càng khó khăn, càng phức tạp thì càng phải bình tĩnh, giữ đúng nguyên tắc, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe ý kiến của nhau để cùng nhau xử lý”, Thủ tướng chia sẻ và động viên ngành Y tế.
Bình luận của bạn