Ngày càng có nhiều phụ nữ trẻ không muốn sinh con và lựa chọn sống độc thân
Độc thân liệu có tốt không?
3 lợi ích mà chỉ người độc thân mới có
Mang thai khi nhiều tuổi cần lưu ý gì?
Chọn đúng người ấy là hạnh phúc!
Tỷ lệ sinh của nhiều nước trên Thế giới, đặc biệt ở các quốc gia phát triển, đang ở tình trạng thấp và rất thấp, gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội và ổn định dân số. Việt Nam hiện cũng đang trong nguy cơ này khi nhiều tỉnh thành có tỷ lệ sinh dưới mức sinh thay thế. Cùng Sức khỏe+ tìm hiểu các nguyên nhân việc nhiều phụ nữ ở một số nước lựa chọn không sinh con.
1. Mỹ
Thực tế, ngày càng nhiều người lựa chọn cuộc sống không con cái. Năm 2018, số trẻ sinh ở Mỹ đạt mức thấp nhất trong 32 năm và từ đó đến nay tiếp tục giảm. Thậm chí, những phụ nữ muốn có con cũng sinh nở ít đi. Các báo cáo chỉ ra phụ nữ Mỹ muốn có trung bình 2,6 đứa trẻ nhưng chỉ đẻ 1,73. Nguyên nhân chủ yếu do chi phí nuôi dưỡng trẻ quá cao, bấp bênh về tài chính và không được nghỉ phép có lương.
Trình độ học vấn cũng ảnh hưởng đến quyết định có con. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, 7% phụ nữ chưa tốt nghiệp cấp ba không sinh con. Tỷ lệ này tăng gấp đôi ở nhóm phụ nữ đã tốt nghiệp cấp ba và có trải nghiệm đại học. Đối với nhóm phụ nữ tốt nghiệp cử nhân trở lên, khoảng 20% không sinh con.
Một nghiên cứu năm 2018 chỉ ra ở Mỹ, phụ nữ đã kết hôn và có con ít hạnh phúc hơn phụ nữ đã kết hôn nhưng không có con. Các công trình cũng chỉ ra rằng phụ huynh Mỹ có cách biệt hạnh phúc lớn nhất so với người không có con do nước này thiếu các chính sách giúp đỡ như trợ cấp chăm sóc trẻ em, nghỉ phép có trả lương.
2. Trung Quốc
Dù Chính phủ Trung Quốc thông báo sẽ nới lỏng các biện pháp kiểm soát để mỗi gia đình có thể sinh tới 3 con từ ngày 31/5/2021, tuy nhiên điều này cũng không cải thiện tỷ lệ sinh thấp kỷ lục tại quốc gia đông dân nhất Thế giới này. Người dân, đặc biệt giới trẻ và các gia đình trẻ, vẫn rất e ngại việc sinh con hoặc có thêm con (đối với gia đình đã có 1 con trước đó), bởi lý do lớn nhất là tài chính.
Đối với nhiều cặp vợ chồng trẻ ở Thượng Hải, sinh thêm một đứa con cũng giống như việc mua ôtô đắt tiền khi họ chỉ có khả năng lo cho một đứa trẻ với mức thu nhập khiêm tốn. Nhiều người trẻ ở đất nước tỷ dân này cũng đối mặt với những áp lực vô hình khi sống trong một thành phố sầm uất và mọi thứ đều đắt đỏ - đây chính là trở ngại lớn nhất của quốc gia này trong việc thúc đẩy tỷ lệ sinh.
Có một thực tế, người Trung Quốc không phản đối đẻ thêm con nhưng vấn đề tài chính đã cản trở họ có ý định này. Mức sống đắt đỏ ở các đô thị là cản trở lớn nhất khiến các cặp vợ chồng Trung Quốc không muốn sinh thêm con. Thêm vào đó, tâm lý nhiều người không thích trẻ con, cho rằng phụ huynh phải hy sinh quá nhiều thứ khi có con ngoài thời gian và tiền bạc, cũng là một lý do bên lề khiến giới trẻ Trung Quốc lựa chọn không sinh/sinh thêm con.
3. Hàn Quốc
Trước áp lực của cuộc sống hiện đại, thế hệ trẻ Hàn Quốc đang chọn cách sống độc thân, không con cái, dẫn đến nhiều hệ quả đối với nền kinh tế hàng đầu châu Á. Ngày càng nhiều người Hàn Quốc ở độ tuổi 20-30 chọn từ bỏ ba điều được coi là quan trọng trong cuộc đời mỗi con người: hẹn hò, kết hôn và sinh con. Họ được gọi là "thế hệ Sampo". Thậm chí, phụ nữ trẻ ở nước này còn theo xu hướng 4 không với nam giới: Không hẹn hò, không quan hệ tình dục, không kết hôn và không con cái!
Theo một báo cáo của chính phủ Hàn Quốc và năm 2021, những người sống một mình đã chiếm gần 40% dân số ở đất nước này. Mới đây nhất, kết quả cuộc khảo sát công bố ngày 9/5/2022 của Viện Phát triển Hàn Quốc, 52,4% người trẻ chưa kết hôn ở độ tuổi 20 cho rằng họ không muốn sinh con sau khi kết hôn. Trong khi đó, chỉ có 28,3% người tham gia khảo sát cho biết họ có kế hoạch sinh con sau khi kết hôn. Kết quả cuộc khảo sát thể hiện sự thay đổi về mặt nhận thức của giới trẻ Hàn Quốc, tức họ xem việc sinh con sau khi kết hôn không phải là điều bắt buộc mà là một lựa chọn. Điều này càng được thể hiện rõ nét khi gần đây nhất, một cuộc khảo sát được thực hiện bởi Hiệp hội Nghiên cứu an sinh xã hội Hàn Quốc, kết quả công bố vào ngày 27/2/2023 cho thấy chỉ có 4% phụ nữ độc thân ở độ tuổi 20 và đầu độ tuổi 30 tại Hàn Quốc cho rằng việc kết hôn và sinh con là cần thiết.
Các chuyên gia đánh giá chi phí nuôi dạy trẻ cao được cho là nguyên nhân dẫn đến việc ngày càng nhiều người trẻ không muốn sinh con sau khi kết hôn. Bên cạnh đó, Hàn Quốc phải đối mặt tình trạng tỷ lệ sinh thấp trong nhiều năm qua khi nhiều người trẻ trì hoãn, không muốn kết hôn hoặc không muốn sinh con trong bối cảnh kinh tế suy thoái kéo dài và giá nhà đất tăng chóng mặt.
4. Việt Nam
Ở Việt Nam, xu hướng không muốn sinh con có vẻ còn khá mới mẻ. Tuy nhiên, có thể thấy rằng con số phụ nữ trẻ lựa chọn cuộc sống độc thân hoặc hôn nhân không con cái ngày một tăng, bằng chứng là tỷ lệ sinh ở nước ta ngày càng giảm, đặc biệt ở các thành phố lớn.
Một trong những nguyên nhân khiến mức sinh của Việt Nam giảm trong những năm gần đây là do chi phí nuôi trẻ ngày càng cao. Nhiều gia đình lựa chọn sinh ít con để có thể nuôi dạy con tốt nhất. Đây cũng là lý do tỷ lệ sinh ở các thành phố lớn giảm. Bên cạnh chi phí nuôi trẻ cao, áp lực cuộc sống, công việc cũng đang khiến tỷ lệ phụ nữ kết hôn muộn tăng, dẫn đến tình trạng sinh con muộn và ít hơn.
Có nhiều lý do khác nữa, ngoài lý do kinh tế, giải thích cho việc lựa chọn cuộc sống không sinh đẻ của phụ nữ trẻ thời nay, có thể kể đến như:
- Tâm lý không thích trẻ con.
- Không thích ràng buộc, sợ mất tự do.
- Lo sợ mất cơ hội thăng tiến trong sự nghiệp hoặc phải hy sinh sự nghiệp.
- Ảnh hưởng tiêu cực từ tuổi thơ không hạnh phúc (bố mẹ ly hôn,...).
- Sợ xấu, sợ bị trầm cảm sau sinh, sợ không có đủ thời gian hoặc bị kiệt sức với việc chăm con nhỏ,...
- Công việc chiếm hết thời gian, không cho phép,...
Bình luận của bạn