Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Các chuyên gia dự đoán, đến năm 2030, con số này có thể tăng lên tới 70.000 người/năm. Theo số liệu của Bộ Y tế, Việt Nam có khoảng 15,4 triệu người hút và 33 triệu người bị ảnh hưởng do khói thuốc lá thụ động. Tỷ lệ hút thuốc ở nam giới đang chiếm mức 42,3%, tức gần một nửa nam giới người Việt hút thuốc lá.
Ngay cả những người nghiện thuốc lá cũng dễ dàng liệt kê những tác hại mà khói thuốc gây ra với cơ thể. Hóa chất có trong trong thuốc lá có thể xâm nhập vào cơ thể qua các vách phế nang tại phổi, tạo ra đột biến trong các tế bào cơ thể và dẫn đến ung thư. Ngoài ung thư phổi, hút thuốc lá còn là yếu tố nguy cơ dẫn tới ung thư thanh quản, thực quản, thận, bàng quang, bệnh tim mạch. Thuốc lá có chứa chất hắc ín, một loại hóa chất gây ra vết ố vàng rất khó làm sạch trên răng. Ngoài ra, khói thuốc còn tiêu diệt vi khuẩn có lợi trong miệng, làm hơi thở có mùi rất nặng và hàng loạt vấn đề khác.
Tác hại của thuốc lá thậm chí còn được thể biện bằng hình ảnh, chữ viết trực quan trên bao thuốc, theo quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Thế nhưng, theo một nghiên cứu vào năm 2019, tác dụng của nhãn cảnh báo thay đổi tùy theo mức độ lệ thuộc vào nicotine của người hút. Với người hút thuốc không thường xuyên, những hình ảnh trên bao thuốc có thể giảm thiểu hành vi mua thuốc tại các cửa hàng tiện lợi. Nhưng với người nghiện thuốc nặng, các cảnh báo này không hề ảnh hưởng đến nhu cầu mua và hút thuốc lá của họ. Đôi khi, thông điệp này còn gây tâm lý chống đối phản tác dụng.
Vì sao ngay cả khi hiểu rõ tác hại của thuốc lá, nhiều người vẫn tiếp tục “đầu độc” bản thân? Nhiều người cũng đã cố gắng bỏ thuốc lá, nhưng tỷ lệ hút trở lại còn khá cao. Thói quen hút thuốc lá khó bỏ đến vậy, một phần là do nicotine có khả năng gây nghiện không kém heroin. Nicotine khiến bạn lệ thuộc về thể chất: Khi ta ngưng hút thuốc đột ngột, cơ thể sẽ có những phản ứng khó chịu như căng thẳng, lo âu, dễ nổi nóng…, khiến bạn nhanh chóng “đầu hàng” và hút thuốc trở lại. Ngoài ra, nghiện thuốc lá còn là vấn đề về tâm lý. Việc giao tiếp xã hội, đặc thù công việc có thể khiến hút thuốc trở nên khó bỏ. Trong các chương trình cai thuốc, người ta phải tìm những phương pháp như cầm nắm một cái gì đó, nhai kẹo cao su… để giảm cảm giác trống vắng do lệ thuộc vào nicotine.
Người nghiện thuốc lá không chỉ thờ ơ với sức khỏe và tính mạng của chính mình. Họ còn đang “đầu độc” cả những người xung quanh, đặc biệt là những người thân yêu, gần gũi nhất. Phần lớn nữ bệnh nhân ung thư phổi có liên quan đến khói thuốc mà bản thân họ chưa bao giờ hút. Tuy nhiên, họ sống trong những gia đình có người cha, người chồng nghiện thuốc lá, thuốc lào. Những em bé phải tiếp xúc với khói thuốc từ khi ở trong bụng mẹ, nếu may mắn được chào đời, cũng phải đối mặt nguy cơ sinh non, thiếu cân, sức đề kháng yếu, mắc dị tật bẩm sinh. Hút thuốc lá thụ động lấy đi sinh mạng của 1,2 triệu người trên toàn thế giới, trong đó có gần 760.000 phụ nữ và 180.000 trẻ em.
Và tác hại của thuốc lá chưa dừng lại ở đó. Thông điệp “Thuốc lá - mối đe dọa tới môi trường của chúng ta” được chọn làm chủ đề cho Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5/2022. Thông qua chủ đề này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) kêu gọi các quốc gia thúc đẩy hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của sử dụng thuốc lá tới môi trường sống và nơi làm việc.
Theo WHO, vòng đời của một điếu thuốc lá có tác động tiêu cực tới Trái Đất cũng như sức khỏe của toàn nhân loại. Mỗi năm, ngành công nghiệp sản xuất thuốc lá tiêu thụ 22 tỷ lít nước và làm 600 triệu cây xanh bị đốn hạ (trong quá trình sấy thuốc lá). Quá trình này cũng tạo ra 84 triệu tấn khí CO2 được thải vào bầu khí quyển, góp phần khiến Trái Đất nóng lên. Việc trồng cây thuốc lá có thể đem lại lợi ích ngắn hạn, nhưng kéo theo tình trạng thoái hóa, làm bạc màu đất canh tác. Các tác động này tạo thêm gánh nặng không đáng có cho hệ sinh thái đã tổn thương nặng nề cũng như nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt.
Ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng do thuốc lá tới môi trường đòi hỏi nỗ lực từ cả cá nhân, tập thể và các quốc gia trên toàn thế giới. Nhà sản xuất thuốc lá cần chịu trách nhiệm làm sạch và phục hồi môi trường sống trước tác hại của thuốc lá. Người nông dân cần bảo vệ tài nguyên đất bằng cách canh tác các giống cây trồng bền vững hơn cây thuốc lá. Và hơn hết, mỗi cá nhân cần cố gắng bỏ các sản phẩm từ cây thuốc lá - vì sức khỏe của bản thân cũng như của hành tinh này.
Hút thuốc lá là lựa chọn của cá nhân mỗi người. Thế nhưng, “được sống, làm việc trong môi trường không có khói thuốc lá” là quyền của công dân. Những người hút thuốc lá có ý thức cộng đồng, biết nghĩ cho người khác, sẽ tìm những nơi vắng, góc riêng, nơi quy định trước khi “nhả khói”. Nhưng sẽ đáng quý hơn nữa, nếu họ dành một chút thời gian để nghĩ cho sức khỏe của chính mình. Từ 2-12 tuần sau khi bỏ thuốc lá, hệ tuần hoàn và chức năng phổi của bạn đã có dấu hiệu cải thiện. Bỏ thuốc lá trong 10 năm, nguy cơ ung thư phổi của bạn sẽ giảm đi một nửa. Cai thuốc lá ở tuổi 30, bạn sẽ có thể tăng thêm 10 năm tuổi thọ. Liệu những lý do trên đã đủ chính đáng, giúp bạn quyết tâm cai thuốc hay chưa?
Để cai thuốc hoàn toàn, bạn nên tránh xa cả thuốc lá điện tử (vape, e-cigarette). Thuốc lá thế hệ mới này sử dụng loại dung dịch chứa nicotine và một số hóa chất khác để tạo mùi. Khi làm nóng hoặc đốt cháy bằng pin, thuốc lá điện tử tạo ra luồng hơi chứa nicotine, đem lại cảm giác giống như hút thuốc lá thông thường.
Thuốc lá điện tử được quảng cáo là biện pháp hút thuốc an toàn thay thế thuốc lá truyền thống, nhắm tới đối tượng là giới trẻ. Trong thực tế, thuốc lá điện tử không phải phương pháp hỗ trợ cai nghiện thuốc lá hiệu quả. Khả năng gây nghiện và gây ung thư phổi của thuốc lá điện tử không kém thuốc lá, thuốc lào. Nicotine gây kích thích bất thường đến cấu trúc thần kinh có chức năng tạo ra sự khích lệ và cảm xúc vui sướng, hạnh phúc của não. Do đó, hút thuốc lá điện tử làm tăng nguy cơ nghiện các chất kích thích khác. Điều này đặc biệt nguy hiểm với trẻ vị thành niên với não bộ còn chưa phát triển hoàn thiện.
Vừa qua, chúng ta đã chung tay tạo nên “một SEA Games không khói thuốc”. Nhiều tỉnh, thành phố đang tích cực triển khai xây dựng thành phố du lịch hướng tới không khói thuốc như: Hải Phòng, Hạ Long, Nha Trang, Hội An, Huế… Để làm được điều này, mỗi người Việt cần có ý thức hơn về tác hại của khói thuốc, tự giác bỏ thuốc lá, thuốc lào, thuốc lá điện tử. Một số dịch vụ công cộng như Tổng đài Tư vấn và Hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí 1800.6606 (đặt tại Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai) có thể giúp bạn thành công cai thuốc lá.
Bình luận của bạn