Cháy rừng tại Los Angeles, bang California, Mỹ - Ảnh: The New York Times
4 bệnh đường hô hấp dễ trở nặng trong mùa Đông
Thường xuyên hít phải khói bụi có thể làm giảm mức cholesterol tốt
Khói bụi: Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Ô nhiễm khói bụi, trẻ kém thông minh
Hiện tượng thời tiết cực đoạn do biến đổi khí hậu đã góp phần làm tăng nguy cơ cháy rừng ở nhiều nơi trên thế giới, điển hình là vụ cháy vào ngày 7/1 vừa qua tại Los Angeles, thành phố đông dân lớn thứ hai thuộc bang California, miền Tây nước Mỹ, khiến ít nhất sáu người thiệt mạng, gần 180.000 người phải sơ tán, hơn 9.000 công trình bị hư hại trong khi lực lượng cứu hỏa vẫn đang vật lộn để dập tắt các đám cháy lan rộng, theo thông tin từ Đài NBC News ngày 10/1.
Điều đáng lo ngại là tác động của cháy rừng không chỉ cục bộ. Khói bụi từ các vụ cháy có thể lan rộng trên quy mô lớn, vượt ra khỏi khu vực cháy, ảnh hưởng đến chất lượng không khí và sức khỏe của hàng triệu người trên một khu vực rộng lớn.
Tại Việt Nam, miền Bắc, đặc biệt là các tỉnh Đông Bắc Bộ cũng đang bước vào mùa hanh khô (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau), làm tăng nguy cơ cháy rừng. Do đó, việc chủ động phòng cháy và đặc biệt là phòng tránh tác động tiêu cực của khói bụi là vô cùng cần thiết. Vậy làm thế nào để tự bảo vệ bản thân khỏi khói bụi từ cháy rừng? Dưới đây là những gợi ý hữu ích từ tờ The New York Times (Mỹ).
1. Kiểm tra chất lượng không khí
Theo tờ The New York Times, bạn có thể tham khảo các bản đồ theo dõi chỉ số chất lượng không khí (Air Quality Index - AQI) và khói cháy rừng trên toàn quốc. Chỉ số này giúp bạn xác định liệu có nên hạn chế thời gian ra ngoài trời hay không. Ví dụ, giá trị AQI trên 100 cho biết không khí ngoài trời có thể không an toàn cho những người có nguy cơ mắc bệnh cao. Mức độ trên 200 được coi là rất xấu, mọi người bị ảnh hưởng tới sức khỏe nghiêm trọng hơn.
2. Hiểu rõ nguy cơ
Khói bụi từ cháy rừng đặc biệt nguy hiểm cho những người có bệnh nền về đường hô hấp như hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), khiến các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn. Nếu bạn thuộc nhóm này, hãy hết sức cẩn trọng khi trời có khói.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, những người mắc các bệnh mạn tính khác như đái tháo đường, bệnh thận mạn tính và bệnh tim cũng có nguy cơ cao hơn bị ảnh hưởng bởi khói. Trẻ em và phụ nữ mang thai cũng là những đối tượng dễ bị tổn thương.
Tuy nhiên, khói cháy rừng có thể tác động đến bất kỳ ai. Ngay cả người khỏe mạnh cũng có thể gặp các triệu chứng như ho, thở khò khè, đau đầu, rát mắt, ngứa họng, kích ứng xoang, đau ngực, tim đập nhanh và mệt mỏi khi hít phải khói.
3. Đeo khẩu trang
Để bảo vệ bản thân khỏi tác hại của khói bụi, đặc biệt là các hạt bụi mịn, việc đeo khẩu trang chất lượng cao, ôm khít mặt như khẩu trang N95 là rất quan trọng nếu bạn phải ra ngoài.
Bà Laura Corlin, phó giáo sư về y tế công cộng và y học cộng đồng tại Trường Y thuộc Đại học Tufts, cho biết loại khẩu trang này có khả năng ngăn chặn được ít nhất 95% khói bụi và vi khuẩn có trong không khí. Vì vậy, tốt nhất bạn nên ở trong nhà, đặc biệt là nhóm người có nguy cơ cao, nhưng nếu cần ra ngoài, hãy nhớ trang bị khẩu trang N95.
4. Ngăn khói xâm nhập vào nhà
Bác sĩ Corlin khuyên rằng nếu có thể, bạn nên ở trong nhà và ngăn chặn khói từ bên ngoài xâm nhập vào. Để làm được điều này, hãy đảm bảo tất cả cửa sổ đều được đóng kín và sử dụng máy lọc không khí (nếu có) để lọc không khí trong nhà. Trong trường hợp không có máy lọc không khí, bạn có thể sử dụng quạt ở mức mạnh nhất để hỗ trợ lưu thông không khí.
5. Không chủ quan sau khi tiếp xúc với khói bụi
Ngay cả khi bạn cảm thấy ổn sau khi tiếp xúc với khói cháy rừng, bạn vẫn cần theo dõi sức khỏe trong vài ngày tiếp theo. Theo bác sĩ Corlin, một số biến chứng, chẳng hạn như các vấn đề về tim (bao gồm cả đau tim) và đột quỵ, có thể mất vài ngày mới biểu hiện. Hãy đặc biệt chú ý đến các dấu hiệu sau trong khoảng một tuần sau khi tiếp xúc với khói: Đau ngực hoặc cảm giác bị ép chặt ở ngực; Nhịp tim tăng nhanh hoặc không đều; Khó thở, thở gấp; Chóng mặt, mất thăng bằng; Đau đầu dữ dội, đột ngột; Yếu hoặc tê liệt ở mặt, tay hoặc chân (đặc biệt là ở một bên cơ thể); Khó nói hoặc nói ngọng.
Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào kể trên, hãy gọi cấp cứu hoặc đến cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức.
Bình luận của bạn