Số trẻ mắc virus hợp bào hô hấp gia tăng trong thời gian gần đây - Ảnh: Báo Dân trí
Virus hợp bào hô hấp RSV là gì, có nguy hiểm không?
Pfizer phát triển vaccine RSV bảo vệ trẻ sơ sinh từ khi mang thai
Bệnh viện Bạch Mai ký kết hợp tác với Tổ chức REI và Viện Tai Hough của Mỹ
Cách phòng và chăm sóc người bệnh thủy đậu
Theo Vnexpress, những ngày gần đây Khoa Nhi của Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) chật kín, nhiều trẻ phải nằm ghép. Bác sỹ Nghiêm Thị Mai Sang, Phó trưởng khoa, cho biết 20% trẻ nhập viện là do virus hợp bào hô hấp, phần lớn dưới 2 tháng tuổi. Nhiều trẻ nhập viện không phải do khám muộn mà vì virus hợp bào hô hấp biến chứng suy hô hấp, viêm phổi nhanh.
Đại diện Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho biết số ca mắc virus hợp bào hô hấp hiện ở mức cảnh báo. Từ đầu năm đến nay, bệnh viện ghi nhận hơn 1.100 ca nhiễm, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Số trẻ nhập viện trong tháng 3 tăng 30% so với tháng trước đó.
Virus hợp bào hô hấp (RSV - respiratory syncytial virus) là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh đường hô hấp ở trẻ, với khả năng lây lan rất mạnh. RSV xâm nhập vào cơ thể qua mắt, mũi, miệng, khi bệnh nhân tiếp xúc gần với người mang mầm bệnh, hoặc sờ, chạm, nắm vào các bề mặt chứa virus. Do đó, những không gian đông người như trung tâm thương mại, trường học... dễ khiến trẻ nhiễm và lây nhiễm virus.
Trẻ thường ủ bệnh trong 4-6 ngày, sau đó sẽ biểu hiện triệu chứng. Ở giai đoạn khởi phát, bệnh nhi xuất hiệu dấu hiệu ho, hắt hơi, sổ mũi. Giai đoạn toàn phát, trẻ khò khè, ho, thở nhanh. Trẻ sơ sinh có thể tím tái hoặc gặp cơn ngừng thở.
Hiện nay, phương pháp điều trị chính của bệnh là hỗ trợ bổ sung oxy và bù dịch khi cần thiết. Hầu hết các trường hợp nhiễm RSV sẽ tự khỏi sau 1-2 tuần. Bệnh nhân sẽ kiểm soát cơn sốt bằng thuốc hạ sốt, giảm đau như acetaminophen, paracetamol hoặc ibuprofen theo chỉ định bác sỹ.
Đặc trưng của RSV là làm keo dính đường hô hấp của trẻ. Vì thế, cách điều trị hiệu quả nhất là rửa mũi, long đờm để làm loãng dịch, ngăn ngừa tình trạng bít tắc đường hô hấp. Trẻ nhiễm RSV cần uống đủ nước, nếu trẻ uống kém không đủ lượng nước sẽ được bác sỹ chỉ định truyền dịch qua đường tĩnh mạch.
Khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn, bác sỹ có thể kê kháng sinh để kiểm soát và ngăn ngừa biến chứng. Trong trường hợp nghiêm trọng, trẻ có thể phải hỗ trợ thở oxy hay đặt nội khí quản thở máy.
Cha mẹ cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi xuất hiện các triệu chứng như sốt cao, co giật, tím tái, bỏ bú, kém ăn, thở nhanh, rút lõm lồng ngực... Đặc biệt, đối với trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi hoặc trẻ có bệnh lý nền, cha mẹ cần hết sức lưu ý cho trẻ đi khám sớm để kiểm soát và có phương pháp điều trị kịp thời.
Hiện chưa có vaccine đặc hiệu phòng ngừa virus hợp bào hô hấp. Tuy nhiên, việc tiêm chủng đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế sẽ giúp trẻ giảm nguy cơ nhiễm virus, biến chứng nặng khi mắc bệnh.
Với thời tiết thay đổi thất thường như hiện nay, cha mẹ cần hạn chế cho trẻ ra đường, nơi gió lùa; Cần mặc ấm, đeo khẩu trang nếu ra ngoài, đồng thời giữ vệ sinh mũi họng, nhỏ mũi thường xuyên. Dọn dẹp phòng ở của trẻ sạch sẽ, thoáng mát, tránh mùi thuốc lá, than tổ ong. Bên cạnh đó, cần hướng dẫn trẻ thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây. Tránh cho trẻ gần gũi như hôn, bắt tay, dùng chung cốc và dụng cụ ăn uống với người mắc bệnh.
Để phòng bệnh cho trẻ, dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng. Trong đó, vitamin C giúp nâng cao sức khỏe miễn dịch ở trẻ nhỏ. Nhiều người cho rằng chỉ cần bổ sung vitamin C khi cơ thể ốm, thiếu hụt dinh dưỡng. Nhưng thực tế, công dụng của vitamin này chỉ phát huy hiệu quả sau khi sử dụng 3-5 ngày nên cha mẹ cần chú ý bổ sung hàng ngày cho con. Theo TS.BS Đỗ Thị Hạnh, Khoa Nhi - Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, chia sẻ trên Vnexpress, vitamin C dạng tổng hợp có tính acid, không tốt cho hệ tiêu hóa, hấp thu chậm và đào thải nhanh. Vì vậy, cha mẹ nên ưu tiên bổ sung cho trẻ thực phẩm giàu vitamin C tự nhiên như cam, bưởi, quýt...
Bình luận của bạn