Học sinh cả nước dự lễ khai giảng năm học 2022-2023 trực tiếp sau 2 năm chịu ảnh hưởng của COVID-19
Du lịch khi thời tiết chuyển mùa, nguy cơ trẻ mắc bệnh hô hấp tăng
Nhật Bản chuẩn bị tiêm mũi thứ 3 vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5 - 11 tuổi
Cách phòng bệnh hô hấp "tấn công" khi trẻ tựu trường
Tiêm chủng vaccine để trẻ được đến trường học tập bình thường, an toàn
Trong Thư chúc mừng nhân dịp khai giảng năm học 2022-2023, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Hôm nay, ngày 5/9/2022, chúng ta lại cảm nhận được những cảm xúc đặc biệt sau một khoảng thời gian bất thường, việc học tập bị gián đoạn thường xuyên bởi đại dịch COVID-19, thầy và trò lại được cùng nhau dự lễ khai giảng trực tiếp tại ngôi trường thân yêu, cùng nhau chia sẻ quyết tâm, niềm tin và hy vọng về một chặng đường mới trong học tập."
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương sự đồng lòng, quyết tâm, nỗ lực vượt qua khó khăn và những kết quả của ngành Giáo dục đã đạt được trong năm học vừa qua. Sau một năm phải tổ chức khai giảng trực tuyến vì dịch COVID-19, năm học 2022-2023 đánh dấu quá trình thích ứng linh hoạt của toàn xã hội với đại dịch COVID-19. Theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường lên kế hoạch lễ khai giảng gọn nhẹ, tạo không khí vui vẻ, phấn khởi cho học sinh.
Để đón năm học mới an toàn, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp, các địa phương đã tích cực đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch và phát động Chiến dịch "Vui Trung thu và tựu trường an toàn" về tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em với mong muốn mọi trẻ em trong độ tuổi đến trường đều được tạo điều kiện tiêm vaccine, có miễn dịch chủ động với virus SARS-CoV-2, để có thể vui chơi, học tập và sinh sống an toàn. Đến ngày 4/9, đã có hơn 15,6 triệu liều vaccine COVID-19 được tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi. Nhóm 12-17 tuổi đã tiêm hơn 22,5 triệu liều vaccine.
Bên cạnh phòng chống dịch COVID-19, các địa phương còn chủ động phòng sốt xuất huyết và tay chân miệng. Tại Đồng Nai – "điểm nóng" sốt xuất huyết tại phía Nam, các trường học đã phát quang, dọn dẹp sạch sẽ môi trường trong và xung quanh trường; Xử lý các vật chứa nước, các vũng nước, không để muỗi và lăng quăng phát triển lây truyền bệnh sốt xuất huyết trong học sinh. Các trường mầm non và các lớp đầu cấp Tiểu học cần tẩy rửa các phòng học, khu vực nghỉ ngơi của học sinh; Lau rửa bàn ghế, đồ dùng học tập, vui chơi của trẻ bằng dung dịch sát khuẩn và thường xuyên làm vệ sinh hằng tuần để phòng, chống bệnh tay chân miệng cho trẻ.
Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn bày tỏ: "Bước vào năm học mới, một trong những nhiệm vụ quan trọng ngành giáo dục phải làm là tiếp tục củng cố kiến thức, bù đắp, hỗ trợ những học sinh chịu nhiều thiệt thòi trong đại dịch, đặc biệt là các cháu chịu ảnh hưởng nặng của dịch bệnh, những cháu có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ mất vì dịch bệnh... Những hỗ trợ về tâm lý, bù đắp về kiến thức, củng cố các kỹ năng sẽ là công việc quan trọng mà ngành giáo dục phải làm trong thời gian sắp tới".
CHÙM ẢNH ĐẸP NGÀY KHAI TRƯỜNG
Bình luận của bạn