Lễ tưởng niệm 250 năm ngày mất danh nhân Nguyễn Quý Kính

Tượng đồng của danh nhân Nguyễn Quý Kinh được trao tặng cho dòng họ Nguyễn Quý tại Nhà Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội).

Lễ hội rước vua sống "độc nhất vô nhị" ở Thủ đô

Những lễ hội đầu năm không nên bỏ qua

Ấn tượng 19 loài hoa khoe sắc trong Lễ hội áo dài 2016

Dân Ném Thượng chém lợn trong nhà kín

Tham dự Lễ tưởng niệm có Nhà sử học Dương Trung Quốc – Tổng thư ký Hội khoa học lịch sử Việt Nam cùng đông đảo hậu duệ của dòng họ Nguyễn Quý tại Hà Nội.

Ngoài ra, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã gửi lẵng hoa trang trọng chúc mừng.

Nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phát biểu tại lễ tưởng niệm 250 năm ngày mất danh nhân Nguyễn Quý Kính

Phát biểu tại buổi lễ, nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết: Dòng họ Nguyễn Quý ở Đại Mỗ (nay thuộc quận Nam Từ Liêm - Hà Nội) là một trong những dòng họ có nhiều đời nối nhau làm quan to và có nhiều đóng góp rất lớn đối với sự phát triển của đất nước trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục…Tiêu biểu là gia đình Nguyễn Quý Đức, ba đời kế tiếp nhau đỗ đạt cao và đều trở thành trụ cột của triều đình, là những danh nhân, danh thần. Cả ba cha con ông cháu đều được truy phong Đại vương và Phúc thần.

Ông Nguyễn Quý Hồng - Trưởng Đại diện dòng họ Nguyễn Quý cảm ơn sự quan tâm của các lãnh đạo Đảng và nhà nước tới dòng họ

Cũng theo nhà sử học Dương Trung Quốc, tượng đồng do nghệ sỹ Tạ Duy Đoán và nhóm các nghệ nhân đúc. Tượng có được là nhờ chương trình “Mỗi người một giọt đồng để đúc tượng danh nhân” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khởi xướng. Buổi lễ tưởng niệm và trao tượng lần này bày tỏ sự tri ân với các bậc tiền nhân và cũng để nhắc nhở con cháu hậu duệ, những thế hệ nối tiếp sự nghiệp đời xưa tiếp tục gây dựng truyền thống trong cuộc sống ngày hôm nay.

Danh nhân Nguyễn Quý Kính là cháu nội của cụ Nguyễn Quý Đức. Năm 22 tuổi, cụ Nguyễn Quý Kính thi đỗ Hương cống, được tuyển vào Thị nội văn chức rồi thăng Lễ bộ lang trung thời vua Lê Dụ Tông. Sau đó, dưới thời vua Lê Thuần Tông, cụ được thăng chức Thái bộc tự khanh, Thanh Hoa sứ, tiếp đến là làm Thị giảng rèn dạy em chúa Trịnh Giang là Trịnh Doanh. Năm 1738, dưới thời vua Lê Ý Tông, cụ lĩnh chức Bồi tụng, Công bộ hữu thị lang, năm sau thăng Lại bộ hữu thị lang.

Cống hiến trọn đời cho dân, cho nước, Danh nhân Nguyễn Quý Kính đã để lại cho hậu thế một sự nghiệp cao cả, đáng trân trọng, được sử sách ghi nhận. Các tác phẩm của cụ để lại gồm các bộ “Tứ thư” và “Ngũ kinh”, “Trung hiếu kinh chú giải”.

Nhân kỷ niệm 250 năm ngày mất của Danh nhân Nguyễn Quý Kính, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức Lễ tưởng niệm tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Sau đó, diễn ra nghi thức trao tặng tượng đồng Danh nhân Nguyễn Quý Kính và rước tượng đồng về Từ đường dòng họ Nguyễn Quý (phường Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội).

Một số hình ảnh tại Lễ tưởng niệm và trao tượng đồng danh nhân Nguyễn Quý Kính:

Nghĩ lễ tại Nhà Bái Đường (Văn Miếu - Quốc Tử Giám) trước khi hậu duệ của dòng họ Nguyễn Quý đợi rước Tượng đồng Danh nhân Nguyễn Quý Kính về Từ đường

 Tượng đồng danh nhân Nguyễn Quý Kính do nghệ sỹ Tạ Duy Đoán và nhóm các nghệ nhân đúc thông qua chương trình “Mỗi người một giọt đồng để đúc tượng danh nhân” do Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam khởi xướng

Lễ tưởng niệm và trao tượng đồng danh nhân Nguyễn Quý Kính thu hút đông đảo người dân và hậu duệ dòng họ Nguyễn Quý từ khắp nơi đến tham dự

Đoàn rước tượng đồng danh nhân Nguyễn Quý Kính đi từ Văn Miếu - Quốc Tử Giám về Từ đường dòng họ Nguyễn Quý (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội). Đi trước đoàn rước là di ảnh danh nhân Nguyễn Quý Kính

Người dân vùng Từ Liêm ngoại thành Hà Nội vẫn còn truyền tụng câu: "Nhất Mỗ, nhì La, thứ ba Canh Cót" để chỉ những làng của vùng Từ Liêm cũ có nhiều người hiển đạt và nổi tiếng. Xếp hàng đầu là làng Thiên Mỗ (nay là phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm), vì có gia đình danh nhân Nguyễn Quý Đức

Nguyễn Quý Đức và con trai cả là Nguyễn Quý Ân đều đỗ Tiến sĩ, cháu nội là Nguyễn Quý Kính đỗ Hương cống, ba đời đều giữ chức vụ trọng yếu trong triều đình, khi mất đều được phong làm Phúc thần (Đại vương), được người dân lập đền thờ coi là thành hoàng làng

Đền thờ ngày nay vẫn còn ở Đại Mỗ đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa. Với tượng đồng danh nhân Nguyễn Quý Kính được rước về lần này, Từ đường dòng họ Nguyễn Quý đã đủ 3 bức tượng đồng tương ứng với Tam Đại Vương - nhà thờ dòng họ Nguyễn Quý, niềm tự hào của người dân làng Đại Mỗ

Các hậu duệ dòng họ Nguyễn Quý cùng người dân làng Đại Mỗ đến thắp nhang tưởng niệm sau khi tượng danh nhân Nguyễn Quý Kính được an vị tại Từ đường. 


Hiệp Nguyễn H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin