Sẽ tiêm miễn phí vaccine phòng cúm, tiêu chảy, phế cầu, ung thư cổ tử cung

Lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021 – 2030 - Ảnh: Hiệp Nguyễn/Sức khỏe+

Quyền Bộ trưởng và chiến dịch tiêm chủng phòng chống COVID-19

Vaccine trong Tiêm chủng mở rộng rất an toàn và hiệu quả

Thêm vaccine Rubella vào Chương trình tiêm chủng mở rộng

Vaccine HPV giúp ngăn ngừa ung thư cổ tử cung tái phát sau phẫu thuật

Ngày 15/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ký ban hành Nghị quyết số 104/NQ-CP của Chính phủ về lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021-2030.

Chính phủ đồng ý với lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2021-2030 của Bộ Y tế gồm tăng vaccine phòng bệnh do virus Rota từ năm 2022, vaccine phòng bệnh do phế cầu từ năm 2025, vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung từ năm 2026 và vaccine phòng bệnh cúm mùa từ năm 2030.

Nghị quyết nêu rõ phạm vi và số lượng thụ hưởng theo đề xuất của Bộ Y tế. Trong trường hợp huy động được nguồn viện trợ, hỗ trợ trong nước, hoặc được bổ sung ngân sách nhà nước, Bộ Y tế quyết định việc có thể thực hiện lộ trình này sớm hơn.

Chính phủ đồng ý cho phép các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có khả năng cân đối ngân sách địa phương mua vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung nếu có thể tiếp cận với mức giá ưu đãi cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao khác ngoài Tiêm chủng mở rộng ngay từ giai đoạn 2022 – 2025 nhằm khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng phòng bệnh.

Về nguồn kinh phí thực hiện, Ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí mua vaccine theo lộ trình. Ngân sách địa phương bố trí kinh phí tổ chức triển khai tiêm chủng tại địa phương. Nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác. Nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vaccine tự nguyện chi trả.

Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện lộ trình tăng số lượng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2022-2030 của Bộ Y tế theo quy định.

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí kinh phí để mua vaccine theo lộ trình tăng vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thể sử dụng ngân sách địa phương để mua các loại vaccine đã được cấp phép bổ sung vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng giai đoạn 2022 – 2030 và tổ chức triển khai tiêm chủng.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có khả năng cân đối ngân sách địa phương phối hợp với Bộ Y tế hoặc các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện mua vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để tiêm cho các đối tượng nguy cơ cao ngoài Tiêm chủng mở rộng trên địa bàn, bảo đảm đúng quy định.

 

Bắt đầu triển khai ở Việt Nam từ năm 1981 do Bộ Y tế khởi xướng với sự hỗ trợ của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia có mục tiêu ban đầu là cung cấp dịch vụ tiêm chủng miễn phí cho trẻ em dưới 1 tuổi, bảo vệ trẻ khỏi mắc các loại bệnh truyền nhiễm phổ biến và gây tử vong cao.

Sau một thời gian thí điểm, Chương trình tiêm chủng mở rộng từng bước được mở rộng dần cả về địa bàn và đối tượng tiêm chủng và các loại vaccine. Đến nay, đã có 12 vaccine phòng bệnh truyền nhiễm phổ biến, nguy hiểm cho trẻ em được đưa vào Chương trình tiêm chủng mở rộng, bao gồm: Vaccine phòng bệnh lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm màng não mủ do Hib, sởi, rubella, viêm não Nhật Bản, tả (vùng có nguy cơ cao), thương hàn (vùng có nguy cơ cao). Cùng với tiêm cho trẻ, Chương trình tiêm chủng mở rộng còn tiêm miễn phí vaccine phòng uốn ván cho phụ nữ mang thai.

Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn