Tiêm chủng mở rộng: Lợi ích của toàn xã hội

Tiêm chủng và những điều cần biết

Tiêm chủng là việc truyền chất kháng nguyên vào cơ thể (một dạng vaccine) nhằm kích thích hệ thống miễn dịch phát triển sự miễn dịch thích ứng đối với một căn bệnh. Vaccine có thể ngăn ngừa hoặc cải thiện các hiệu ứng lây nhiễm của nhiều tác nhân gây bệnh. Hiệu quả của tiêm phòng đã được nghiên cứu rộng rãi và xác minh, ví dụ, thuốc chủng ngừa cúm, vaccine HPV, và vaccine thủy đậu cùng nhiều loại khác.

Nói chung, tiêm chủng được coi là phương pháp hiệu quả nhất để ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm. Chất hoạt động của vaccine có thể nguyên vẹn nhưng bị khử hoạt tính hoặc giảm độc lực, các dạng mầm bệnh, hoặc thành phần tinh khiết của của mầm bệnh cũng được chứng minh là có khả năng miễn dịch (ví dụ như, các protein ngoài của một loại virus). Biến độc tố được sản xuất để chống lại các bệnh độc tố, chẳng hạn như sửa đổi tetanospasmin của độc tố uốn ván để loại bỏ tác dụng độc hại nhưng vẫn giữ được hiệu quả miễn dịch của nó.

Với vaccine viêm gan B nên tiêm cho trẻ trong 24h giờ đầu sau khi sinh

Theo Dự án Tiêm chủng Mở rộng (TCMR) quốc gia, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, vaccine là một công cụ rất hiệu quả trong dự phòng các bệnh nhiễm khuẩn.

Hiện nay đã có gần 30 bệnh nhiễm khuẩn có thể dự phòng được bằng vaccine. Ngoài tác dụng làm giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, làm cho trẻ em khỏe mạnh phát triển thể chất và trí não bình thường, vaccine còn giúp giảm mắc các bệnh khó chữa.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính rằng, nếu tất cả các vaccine sẵn có hiện nay đều được sử dụng rộng rãi trên thế giới với tỷ lệ bao phủ cao trên 90%, thì hàng năm dự phòng 2 -3 triệu trẻ em nữa không bị chết vì các bệnh nhiễm khuẩn, góp phần đạt được mục tiêu thiên niên kỷ làm giảm 2/3 số trẻ em chết dưới 5 tuổi vào năm 2015 so với năm 1990.

Tiêm chủng đầy đủ giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong ở trẻ em

Ngoài ra, tiêm chủng còn giúp bảo vệ sức khỏe cho cả người lớn như vaccine phòng cúm, phòng viêm màng não do não mô cầu, phòng ung thư gan, ung thư cổ tử cung.

Bên cạnh những ích lợi trực tiếp và gián tiếp của vaccine trong việc làm giảm tỷ lệ mắc và tử vong của các bệnh nhiễm trùng, nó còn có những tác động lâu dài cho cá nhân và cộng đồng như tăng khả năng và năng suất lao động do không bị ốm đau. Đầu tư cho tiêm chủng dự phòng bằng vaccine là đầu tư cho phát triển.

Nắm bắt lịch tiêm chủng phù hợp

Ngoài việc đưa trẻ đến tiêm vaccine ở các đợt TCMR do Nhà nước tổ chức, mỗi gia đình cũng cần hiểu đúng về các bệnh cũng như một số tác dụng phụ của mỗi loại vaccine sau tiêm, nhằm tránh sự hoang mang và có phản ứng kịp thời với các tình huống đó. Nắm bắt lịch tiêm chủng của trẻ theo từng lứa tuổi, từng loại bệnh để đến các cơ sở tiêm chủng gần nhất cho phù hợp, vì lợi ích của chính con em mình và cộng đồng.

Ví dụ, theo chương trình tiêm chủng quốc gia, trong năm đầu nên tiêm:

Tháng tuổi

Vaccine cần tiêm

Mục đích ngừa bệnh

Sơ sinh

BCG-VGSVB 1

Lao, Viêm gan siêu
vi B

1

VGSVB 2

Viêm gan siêu vi B


2

 

Sabin 1- DTC 1
VGSV 3

Bại liệt, Bạch hầu, Uốn ván.
Ho gà, Viêm gan siêu vi B

3

Sabin 2
DTC 2

Bại liệt
Bạch hầu, Uốn ván, Ho gà

4

Sabin 3
DTC 3

Bại liệt
Bạch hầu, Uốn ván, Ho gà.


9

Sởi

Sởi (ban đỏ)

Lưu ý: 

Nếu trẻ bị sốt nhẹ, tiêu chảy hay suy dinh dưỡng vẫn cho trẻ tiêm chủng như thường lệ.

Sau khi tiêm, nếu trẻ bị sốt nhẹ, chỗ tiêm bị sưng đỏ là phản ứng bình thường, không đáng ngại.

Sau năm đầu, nhớ đưa trẻ đi tiêm ngừa nhắc lại theo hướng dẫn của nhân viên y tế.

Chương trình TCMR được ngành y tế triển khai trên phạm vi cả nước từ năm 1984. Thống kê cho thấy, cho đến nay, tỷ lệ mắc bệnh sởi giảm 23 lần, bệnh bạch hầu giảm 167 lần, bệnh ho gà giảm 428 lần, ngoài ra bệnh uốn ván sơ sinh đã được loại trừ, bệnh sởi dự kiến sẽ được thanh toán vào năm 2015... Chương trình TCMR có tính xã hội hóa cao nhất và được Nhà nước ưu tiên thực hiện cho toàn bộ trẻ em Việt Nam.

Kết quả tiêm chủng đầy đủ toàn quốc giai đoạn 1985 - 2012

Ðã có 10 loại vaccine được sản xuất tại Việt Nam, đáp ứng hơn 70% nhu cầu vaccine sử dụng trong Chương trình TCMR là: lao, bại liệt, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, viêm gan B, viêm não Nhật Bản, tả và thương hàn. Hiện tại, Việt Nam đang tiến hành nghiên cứu, thử nghiệm và đã tiến hành sử dụng một số vaccine thế hệ mới như: quai bị, Hib, Rubella, dại tế bào, Cúm A(H5N1), Cúm mùa A(H1N1).

Để nâng cao chất lượng và bảo đảm Chương trình TCMR cũng cần được toàn dân ủng hộ và tham gia nhằm giảm nhanh tỷ lệ mắc các bệnh cũng như tiến tới thanh toán các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ em.

Để nâng cao nhận thức của cộng đồng về phòng chống dịch bệnh và vai trò của tiêm chủng, Vụ Truyền thông và Thi đua khen thưởng, Bộ Y tế đã phối hợp với trường Đại học Y tế công cộng tổ chức Cuộc thi “Xây dựng Thông điệp phòng, chống dịch bệnh và tiêm chủng mở rộng” với cơ cấu giải thưởng rất hấp dẫn. Đối tượng tham gia dự thi là tất cả mọi người dân Việt Nam có khả năng tham gia sáng tạo các tác phẩm dự thi. Chi tiết xem tại địa chỉ website: thongdiepsuckhoe.com.vn

 

Vi Dũng
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ