Đừng để mất đôi chân vì đái tháo đường!

Người bệnh đái tháo đường cần chăm sóc kỹ lưỡng bàn chân

6 thói quen giúp kiểm soát đường huyết

Kiểm soát đường huyết trong giấc ngủ

Kiểm soát bệnh đái tháo đường với nguyên tắc STAR

Bệnh thận đái tháo đường là gì?

Một số người bệnh đái tháo đường chủ quan nghĩ: “Bệnh của tôi chẳng liên quan gì đến bàn chân cả” và bỏ qua việc vệ sinh bàn chân hàng ngày. Tuy nhiên, sự thực là bệnh đái tháo đường khiến cho nguy cơ mất chân đến gần hơn bao giờ hết.

Vì sao người bệnh đái tháo đường cần chăm sóc bàn chân?

Tổn thương thần kinh ngoại biên là biến chứng thường gặp nhất của bệnh đái tháo đường. Hội Đái tháo đường thế giới ước tính có tới một nửa số người trưởng thành mắc đái tháo đường sẽ phải chịu đựng hậu quả nặng nề của biến chứng này, bao gồm đau rát, tê bì và mất cảm giác hoàn toàn ở bàn chân.

Mất cảm giác thực sự rất đáng sợ, nó giống như bạn bước vào môi trường bị nhiễm khí độc mà nếu không tỉnh táo sẽ không hề hay biết. Khi bàn chân không cảm nhận được cơn đau, bất kỳ vết thương nhỏ nào cũng có thể trở thành cơn ác mộng.

Đôi khi, tổn thương thần kinh có thể làm biến dạng bàn chân, tạo cơ hội cho mụn nước, vết thương hoặc vét loét hình thành. Đường huyết cao cũng phá hủy các mạch máu li ti ở bàn chân khiến máu lưu thông kém đi, các vết thương chậm lành hoặc không tự lành được. Nếu không được phát hiện và điều trị, các vết loét sẽ ngày một lan rộng ra, có thể lan sâu vào xương. Hậu quả là bạn phải chấp nhận hy sinh một ngón chân, cả bàn chân, thậm chí là từ cẳng chân trở xuống. 

Vì vậy, chăm sóc bàn chân cũng quan trọng không kém việc uống thuốc, ăn kiêng và tập thể dục mỗi ngày.

Người bệnh đái tháo đường nên bôi kem dưỡng ẩm cho bàn chân hàng ngày

Chăm sóc bàn chân – việc cần làm ngay không nên chậm trễ

Có ba điểm chính cần lưu ý khi chăm sóc bàn chân, đó là: Vệ sinh thật sạch, phòng ngừa chấn thương và điều trị càng sớm càng tốt.

Mỗi ngày, bạn cần quan sát cả hai bàn chân xem có vết nứt nẻ, chai sần, đốm đỏ vết bỏng, vết cắt hoặc nhiễm trùng hay không. Quan sát kỹ vùng giữa các ngón chân và xung quanh móng chân. Nếu vết thương xuất hiện, cần chăm sóc kỹ càng để tránh loét rộng hơn.

Dưới đây là những lưu ý khi chăm sóc bàn chân:

- Rửa chân trong nước ấm và lau khô ngay sau khi rửa.

- Cắt móng chân hàng tuần hoặc bất cứ khi nào bạn thấy móng chân đã dài. Tốt nhất nên cắt móng chân sau khi rửa chân bởi lúc đó móng sẽ mềm và dễ cắt hơn. Không cắt sát vào phần da chân và mài móng cho đỡ sắc.

- Thoa kem dưỡng ẩm lên đầu ngón chân và gót chân để tránh bị khô, nứt nẻ. Không thoa kem vào khu vực giữa các ngón chân.

- Chọn những loại giày vừa với chân. Người bệnh đái tháo đường không nên thay đổi giày thường xuyên. Nếu mua giày mới, cần cho chân thích nghi dần dần bằng cách chỉ đi 1 – 2 giờ mỗi ngày trong 1 – 2 tuần đầu tiên.

- Đi tất để tránh mụn và các vết loét. Cần đi tất sạch, co giãn tốt và thấm hút mồ hôi. Tốt nhất, nên chọn tất không đường may (tất được dệt liền từ sợi).

- Không bao giờ đi chân trần để tránh dẫm phải vật sắc nhọn gây tổn thương.

- Tránh nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh.

- Không ngồi quá nhiều, nên thường xuyên đứng lên đi lại để máu được lưu thông xuống chân.

- Bỏ thuốc lá vì thói quen này có thể làm giảm lưu lượng máu đến bàn chân.

- Kiểm soát mức đường huyết, cholesterol và huyết áp bằng cách ăn các thực phẩm lành mạch, tăng cường tập thể dục, sử dụng thuốc và các sản phẩm hỗ trợ điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ.

Nếu quản lý tốt bệnh đái tháo đường và chăm sóc bàn chân thật kỹ, bạn có thể “chung sống hòa bình” với căn bệnh này và giữ được đôi chân khỏe mạnh.

Kim Chi H+

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nội tiết