Lupus ban đỏ: "Sự nhầm lẫn" của cơ thể

Ban cánh bướm là dấu hiệu điển hình của lupus ban đỏ hệ thống (Ảnh minh họa)

Sự nhầm lẫn nguy hiểm
Theo Quỹ Lupus Hoa Kỳ (Lupus Foundation of America - LFA), lupus ban đỏ là một bệnh tự miễn mạn tính mà chính những kháng thể sinh ra trong cơ thể con người “nhầm lẫn” và tấn công các tế bào lành khác của cơ thể. Chính sự "tấn công nhầm" này gây nên những viêm nhiễm, đau đớn cho người bị bệnh.
Ước tính, có khoảng 50/1000.000 dân mắc lupus ban đỏ. Lupus ban đỏ hệ thống phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới, với 90% người mắc bệnh là nữ.
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn - Trưởng khoa Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, các dấu hiệu bệnh lupus ban đỏ bao gồm nổi ban đỏ hình cánh bướm trên mặt, mệt mỏi, đau đầu, đau xương cơ, sốt không rõ nguyên nhân, nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, rụng tóc, ngón tay chuyển màu trắng hoặc tím tái, xuất hiện các vết lở loét trong miệng. Đôi khi lupus ban đỏ được coi là kẻ trá hình tài tình vì các dấu hiệu bệnh của nó cũng tương tự như các bệnh khác như thấp khớp, rối loạn máu, viêm cơ, đái tháo đường, bệnh tuyến giáp trạng… 
Cũng theo PGS.TS Đoàn, hiện nay chưa có giải thích rõ ràng về căn bệnh này. Nhưng theo một số nghiên cứu, có một số tác nhân khác có thể gây bệnh lupus ban đỏ thuốc điều trị, môi trường, thai kỳ… Hormone giới tính cũng được coi là một nguyên nhân khác vì lupus ban đỏ thường chủ yếu xảy ra ở phụ nữ ở độ tuổi sinh đẻ nhiều hơn nam giới. Di truyền cũng được coi là một yếu tố có thể dẫn đến lupus.
Điều trị triệu chứng là chính...
Việc chẩn đoán lupus không đơn giản. Các bác sỹ phải kiểm tra các dấu hiệu lâm sàng của người bệnh kết hợp với một loạt các xét nghiệm máu để có thể đi đến kết luận cuối cùng là người bệnh có bị lupus ban đỏ hay không. 
Việc điều trị hiện tại chủ yếu vẫn là sử dụng các thuốc kháng viêm, giảm đau không steriod (NSAIDS) kết hợp với các thuốc bôi ngoài da. Bên cạnh đó, một loại thuốc khá phổ biến khác và tỏ ra khá hiệu nghiệm được các bác sỹ thường kê cho người bị lupus là corticoid. Đây là loại thuốc có tác dụng giảm khả năng kháng thể của cơ thể con người và do đó làm giảm những tấn công của các kháng thể vào tế bào lành. Ngoài ra, với người bệnh không đáp ứng tốt với corticoid, bác sỹ có thể kê đơn thuốc ức chế miễn dịch như các thuốc chống ung thư và chống thải ghép thận. Việc kết hợp sử dụng các thuốc này từ lâu đã chứng minh những tác dụng nhất định và có thể kéo dài tuổi thọ của người bệnh. Tuy nhiên các thuốc này đồng thời cũng gây ra những tác dụng phụ như đau dạ dày, mụn, tăng cân, da dễ bong và dễ bầm tím, kìm hãm sự phát triển ở trẻ, mất ngủ, trầm cảm, loãng xương, viêm tụy. Và bởi vì thuốc có tác dụng làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch, cơ thể con người cũng dễ bị các viêm nhiễm khác tấn công.
Có nhiều loại thuốc mới được cấp phép thử nghiệm điều trị lupus ban đỏ trên thế giới
Những năm gần đây, các nhà khoa học trên thế giới đã tiến hành nghiên cứu và tìm ra những loại thuốc và các sản phẩm từ thảo dược để thay thế corticoid hay các thuốc ức chế miễn dịch khác trong điều trị bệnh lupus ban đỏ. Hay nói chính xác hơn là cân bằng lại hệ miễn dịch. Tới nay, đã có khoảng 30 loại thuốc được cấp phép thử nghiệm tại một số quốc gia trên thế giới. Dù đang trong giai đoạn thử nghiệm, nghiên cứu và chưa đưa ra được hiệu quả như mong muốn nhưng đó có thể coi là phần mở đầu của những thay đổi lớn mà các chuyên gia y tế đang hy vọng.
 Hiện nay, có một số sản phẩm TPCN cũng đã được các bác sỹ miễn dịch đánh giá cao trong việc hỗ trợ điều trị và phòng ngừa biến chứng của căn bệnh nguy hiểm này.

Khánh Hạ (H+)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Phòng bệnh chủ động