Chị em cần lưu ý gì khi sử dụng tampon?

Sử dụng tampon đúng cách giúp chị em thoải mái trong kỳ kinh nguyệt

Loại tampon “thần kỳ” giúp kiểm tra ung thư và STDs

Những hiểu lầm tai hại về băng vệ sinh tampon

Đau bụng kinh buồn nôn, phải làm gì để cải thiện?

Mẹo giảm đau bụng dữ dội trong những ngày “đèn đỏ” cho chị em

Tampon là gì?

Tampon là băng vệ sinh dạng ống với một đầu tròn như hình viên thuốc con nhộng, một đầu có gắn dây để chị em có thể dễ dàng rút ra mỗi lần thay.

Khác với những loại băng vệ sinh thông thường, tampon giúp người dùng thoải mái và linh hoạt hơn khi đi bơi hoặc chơi thể thao cũng như những hoạt động mạnh trong những ngày “đèn đỏ”.

Ở Việt Nam, dù không được ưa chuộng như băng vệ sinh dạng miếng hay cốc nguyệt san, tampon đang dần trở nên phổ biến hơn. Đa số phụ nữ sử dụng tampon đúng cách đều hài lòng với khả năng thấm hút của tampon. Đồng thời, tampon nhỏ gọn đem lại cảm giác “dùng như không dùng”, không hề bí bách như băng vệ sinh dạng miếng.

Lưu ý khi sử dụng tampon

Bạn gái mới lớn không nên dùng tampon

Cơ chế của tampon là được đưa vào trong “cô bé” để chặn và thấm hút máu kinh. Do đó, với những bạn gái mới có kinh, chưa hiểu biết rõ về bộ phận sinh dục, việc sử dụng tampon khá khó khăn và có thể gây ra đau đớn.

Đặc biệt, tampon có thể chà xát gây đau hoặc làm rách màng trinh. Các bạn nữ chưa quan hệ tình dục cần lưu ý điều này trước khi quyết định sử dụng tampon.

Không dùng tampon quá 8 tiếng

Khác với băng vệ sinh thông thường, cứ 4-8 tiếng bạn cần thay tampon một lần. Sử dụng tampon quá lâu không chỉ làm giảm khả năng thấm hút mà có thể dẫn tới “tác dụng phụ” nguy hiểm, như hội chứng sốc nhiễm độc (TSS).

Tampon không được thay mới là môi trường ẩm ướt, thuận lợi cho nhiều chủng vi khuẩn phát triển. Một trong số đó là khuẩn tụ cầu có thể nhân lên với số lượng lớn ở âm đạo, chúng tiết ra một số loại độc tố xâm nhập vào máu và gây ra hội chứng sốc nhiễm độc.

Các triệu chứng thường gặp của hội chứng sốc nhiễm độc là: Đau đầu, co cứng cơ, co giật, sốt cao, tiêu chảy, nôn mửa, nổi mẩn đỏ ở tay, chân.

Chị em có thể cài đặt các ứng dụng nhắc nhở thay băng vệ sinh 

Khi sử dụng tampon, chị em cần đặt ghi chú để thay băng vệ sinh 4 tiếng/lần (với tampon cỡ nhỏ) và không để vượt quá 8 tiếng (với tampon thấm hút tốt hơn). Dấu hiệu cho thấy bạn cần thay tampon là: Máu rỉ ra đáy quần lót, có vết máu khi dùng giấy lau vùng kín.

Không dùng tampon qua đêm

Trong chu kỳ kinh nguyệt, chị em không nên sử dụng tampon vào ban đêm. Nếu giấc ngủ kéo dài hơn 8 tiếng, bạn sẽ quên mất việc thay tampon, dẫn đến nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa hoặc sốc độc tố nguy hiểm.

Lựa chọn an toàn hơn là những loại băng vệ sinh dạng miếng có kích thước lớn, dành riêng cho ban đêm. Bạn cũng có thể dùng cốc nguyệt san qua đêm (1 cốc nguyệt san có thể dùng đến 12 tiếng).

Chọn kích thước tampon phù hợp

Các sản phẩm băng vệ sinh dạng ống trên thị trường được chia làm nhiều kích thước, tương ứng với độ thấm hút khác nhau. Tuy nhiên, với người mới bắt đầu sử dụng tampon, bạn nên chọn sản phẩm cỡ nhỏ để làm quen dần. Dùng tampon kích thước quá lớn có thể gây đau rát, khó khăn khi đưa vào cơ thể, đồng thời tạo cảm giác không thoải mái.

Đi bơi với tampon

Bạn cần thay tampon ngay sau khi rời khỏi bể bơi

Ưu thế của tampon là độ an toàn cao khi chị em đi du lịch, đi bơi hoặc vận động mạnh trong ngày “đèn đỏ”. Tuy nhiên, bạn nên nhớ thay tampon ngay sau khi bước ra khỏi nước. Tampon ngấm nước giảm khả năng thấm hút và là môi trường thuận lợi cho nhiều vi khuẩn phát triển.

Quỳnh Trang H+ (Theo Insider)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Phụ khoa