Làm sao để sữa mẹ đảm bảo đầy đủ dưỡng chất cho trẻ khi trẻ bú mẹ hoàn toàn? Nếu sữa mẹ được vắt ra, trữ đông thì cần bảo quản ra sao để sữa không bị ảnh hưởng chất lượng? Trong trường hợp nào người mẹ phải dừng việc cho con bú. (M.Hoa, TP.HCM)
- Tùy thuộc người mẹ đang sống ở đâu, vùng đồng bằng, biển đảo hay miền núi cao, miễn là chế độ ăn cân bằng hợp lý và dinh dưỡng thích hợp. Khi đang cho con bú, bạn đừng quên bổ sung các sinh tố đã dùng trong thời kỳ mang thai. Các thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất là thịt, cá, trứng gia cầm, sữa và chế phẩm từ sữa, rau quả và trái cây. Lưu ý lượng nước lọc mỗi ngày, nhất là thời điểm nóng (uống ít nhất trên 2 lít/ngày).
Nếu có điều kiện, người mẹ có thể uống sữa nhiều dinh dưỡng như lúc đang mang thai. Lưu ý vitamin D rất quan trọng vì đa số phụ nữ ít ăn những thực phẩm chứa nhiều vitamin D (như sữa, dầu cá, cải xoăn, cải lá xanh) và ít hoạt động ngoài trời. Nếu mẹ thiếu vitamin D, sữa cho bé bú cũng sẽ thiếu vitamin D. Do vậy, Hiệp hội Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo tất cả bé nhũ nhi cần uống 400 IU mỗi ngày (dạng thuốc giọt, ngày một giọt sau khi bú).
Nhiều bà mẹ lo lắng thức ăn có gây dị ứng cho bé không. Nói chung, bé bú sữa mẹ sẽ giảm thiểu tình trạng dị ứng. Tiếp tục cho bú khi bé chuyển sang ăn giặm (thường bắt đầu lúc bé 6 tháng tuổi) giúp hệ thống miễn dịch của bé biết cách phản ứng đối với những thực phẩm và giúp giảm dị ứng.
Nếu mẹ dung nạp thực phẩm chế biến từ sữa bò có thể gây dị ứng cho bé vì chứa các protein. Khi nghi ngờ dị ứng (gây cơn đau bụng cho bé hoặc mẩn đỏ da), mẹ nên ngưng tiêu thụ những thực phẩm này trong 10 ngày. Nếu vẫn còn triệu chứng dị ứng, có thể loại trừ là tình trạng dị ứng nêu trên không do nhóm thực phẩm này, và mẹ có thể dung nạp như trước.
Không nên cho bú mẹ trong trường hợp nào?
Không có chống chỉ định tuyệt đối mà chỉ chống chỉ định tương đối khi người mẹ có những tình trạng như sau:
- Đầu vú mẹ lõm nghiêm trọng.
- Nứt đầu vú.
- Viêm, sung huyết hoặc ápxe vú.
- Đang uống thuốc kháng giáp.
- Lao tiến triển (dễ lây bệnh cho người khác, kể cả bé).
- Nhiễm trùng cấp tính gây sốt và những triệu chứng khác.
- Sốt rét, nghiện ma túy, rối loạn tâm thần, bệnh thận đang điều trị, xuất huyết trầm trọng khi sinh...
Một số thuốc cần tránh dùng khi mẹ đang cho bú: thuốc trị ung thư, trị bệnh tuyến giáp, chất phóng xạ, thuốc ngủ, tetracycline, sulfomnamides, chloramphenicol.
Bảo quản sữa mẹ như thế nào?
Sữa mẹ có thể bảo quản ở nhiệt độ phòng trong vài giờ. Luôn bảo quản sữa mẹ trong một ly miệng rộng, tiệt trùng và đậy nắp kín. Sữa non có thể giữ 12 giờ ở nhiệt độ 27-32 độ C. Sữa mẹ tiết ra trong vài ngày đầu sau sinh có thể dự trữ tối đa 10 giờ ở nhiệt độ 19-22 độ C và khoảng sáu giờ ở nhiệt độ 25 độ C.
Trong tủ lạnh, có thể dự trữ sữa mẹ hai tuần nếu để trong ngăn đông. Còn nếu để tủ đông có thể bảo quản lâu hơn. Khi lấy sữa từ tủ đông hoặc tủ lạnh ra, nên làm ấm sữa bằng cách bỏ vào trong một chén nước ấm. Không nên chuyển sữa dự trữ lạnh hoặc đông sang một bình chứa khác. Một khi sữa hơi ấm, nên cho bé bú ngay. Không đưa sữa uống thừa vào tủ đông hoặc tủ lạnh sau khi được làm ấm. Không bao giờ hâm nóng sữa dự trữ bằng lò vi sóng vì sẽ phá hủy những dưỡng chất có trong sữa.
Bình luận của bạn