Mẹ khéo tắm lá bé hết rôm sảy

Mùa nắng nóng kéo dài, làn da mịn màng của bé bị nổi đầy những nốt đo đỏ chi chít rồi, mẹ thường gọi là rôm sảy đấy. Không chỉ khiến con khó chịu, ngứa ngáy, rôm sảy còn có thể gây nhiễm trùng da bé nữa. Vậy làm sao để vùng lưng, trán, ngực, cổ,… của bé mịn màng trở lại nhỉ? Mẹ cùng tham khảo những mẹo đánh bay rôm sảy hiệu quả mà an toàn dưới đây nhé!

Da bé mát lạnh nhờ mướp đắng (khổ qua)

Mướp đắng tính hàn, thường được các mẹ chế biến thành những món ăn mát, bổ. Tuy nhiên, nếu bé bị rôm sảy, mẹ cũng có thể dùng mướp đắng để tắm cho bé rất hiệu quả đấy. Chỉ cần lấy chừng 1 – 2 quả tươi, đem giã nát rồi lọc lấy nước pha vào chậu tắm cho bé. Làn da con sẽ nhanh chóng trở nên mát, mịn và các nốt rôm sảy cũng biến mất luôn. Thật đơn giản phải không các mẹ?

Dùng lá kinh giới

Thông thường, mẹ chỉ cần dùng một nắm lá tươi, rửa thật sạch rồi vò nát để pha nước tắm cho bé. Nếu là lá khô thì đem nấu sôi chừng 10 phút rồi làm tương tự như vậy. Mẹ cũng có thể kết hợp lá kinh giới với mướp đắng (khổ qua) để tăng hiệu quả bằng cách: rửa sạch tất cả rồi đem cắt nhỏ, xay hoặc giã nhuyễn sau đó lọc lấy nước và pha vào nước tắm cho con.

Tắm nước lá khế

Mẹ lấy một nắm lá khế, rửa sạch với nước muối loãng rồi cho vào nồi đun sôi để tắm cho con chừng 3 lần một tuần. Lá khế không chỉ làm bay rôm sảy mà còn khiến bé đỡ ngứa ngáy, khó chịu.

Mẹ cũng có thể vò trực tiếp lá tươi rồi lọc lấy nước để pha vào chậu tắm cùng 1 chút muối, nhưng lá khế vốn có nhiều sâu gây ngứa nên mẹ phải đảm bảo là rửa thật sạch nhé! Cũng không nên tắm quá thường xuyên vì lá khế có nhựa sẽ làm da bé xỉn màu.

'Điểm danh' loạt bài tắm lá thổi bay rôm sảy - 1
Lá khế không chỉ làm bay rôm sảy mà còn khiến bé đỡ ngứa ngáy, khó chịu (ảnh minh họa)

Lá mảnh bát

Có lẽ nhiều mẹ nghe tên có thể thấy lạ lẫm với loại lá này. Nhưng nếu ra các cửa hàng chuyên bán các loại lá ở những chợ lớn mẹ có thể dễ dàng tìm được. Mua lá mảnh bát về, các mẹ nhớ rửa sạch rồi đem phơi. Khi nào cần dùng thì lấy ra chừng 2 nắm, rửa thật sạch một lần nữa rồi cho vào nồi, đổ xăm xắp nước và đun sôi. Khi lá bắt đầu chuyển sang màu vàng và có mùi thơm nhẹ là được. Mẹ chờ cho nước nguội bớt, đem lọc bã rồi pha nước tắm cho con. Bằng cách này, chỉ chừng 1 tuần là da bé sẽ láng mịn và đỡ hẳn những nốt rôm.

Rau sam

Thường mọc trong vườn và những nơi đất ẩm, rau sam có vị chua, tính hàn, không độc và có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, sát trùng. Mẹ dùng khoảng một nắm rau sam tươi giã nát, vắt lấy nước rồi pha tắm cho con để trị rôm sảy rất hiệu quả đấy!

Hạt cây thì là và dầu dừa

Khi bé bị rôm sảy, mẹ hãy giã nát hạt cây thì là rồi trộn lần với dầu dừa để thoa lên vùng da nhiều rôm cho bé. Sau đó để nguyên trong vòng 1 giờ rồi mới tắm lại bằng nước ấm, đảm bảo bé sẽ hết sạch những đốm đỏ li ti "đáng ghét".

Nước cốt chanh

Nếu da con không bị trầy xước, mẹ có thể vắt chừng nửa quả chanh vào nước ấm để tắm cho bé. Tình hình rôm sảy sẽ cải thiện đáng kể. Tuyệt đối không chà xát chanh trực tiếp lên da bé.

Lá chè xanh

Có tác dụng trị rôm sảy rất tốt, tuy nhiên khi tắm bằng lá này, các mẹ nên lưu ý: chè xanh dùng để tắm cho bé phải thật sạch, an toàn. Nên đun sôi một lúc để lá chè ngấm và pha đặc một chút (nước có màu nâu vàng), bởi nếu nước nhạt quá sẽ không có tác dụng. Mẹ cũng không cần tắm chè xanh hàng ngày cho con, vì sẽ rất mất thời gian và làm vàng khăn, vàng áo bé.

Lá dâu tằm và bột đậu xanh

Dùng một nắm lá dâu tằm (chừng 200g), rửa sạch cho vào túi vải, nấu với khoảng 5 lít nước, đun sôi rồi chờ đến nước ấm thì tắm cho bé. Sau đó mẹ lau khô rồi bôi (hoặc rắc) bột đậu xanh vào những chỗ rôm mọc (đậu xanh cả vỏ, tán thành bột mịn, cho vào lọ nút kín dùng dần). Làm như vậy liên tục 3 – 5 ngày là rôm hết mọc.

Ngoài ra, một số loại lá như vòi voi, sài đất,… cũng có tác dụng trị rôm sảy rất tốt. Nếu mẹ kiếm được những loại đó thì có thể áp dụng.

Tuy nhiên, khi tắm lá cho con để trị rôm sảy, mẹ phải hết sức lưu ý những điều sau:

- Với tất cả các loại lá, phải đảm bảo rửa thật sạch, ngâm qua nước muối hay thuốc tím trước khi xay, giã hoặc đun nấu để tắm cho bé. Vì các loại lá này có thể chứa nhiều vi khuẩn gây hại mà thậm chí còn không chết khi đun sôi. Vả lại các loại lông tơ trên lá cũng có thể gây kích ứng da của con.

- Cần phải tắm sạch cho bé bằng sữa tắm trước vì các loại lá tuy có thể làm mát hoặc cung cấp kháng sinh tự nhiên nhưng lại không hòa tan được chất nhờn trên da. Sau đó, mẹ nên “tráng” lại bằng nước ấm để rửa trôi lượng bột của lá có thể đọng trên da, gây nhiễm khuẩn.

- Không vắt nhiều chanh, thêm nhiều muối vào nước tắm vì có thể làm bé bị xót, dễ làm kích ứng làn da của bé. Cũng không đun nước lá quá đặc vì lượng tinh bột của lá có thể đọng nhiều trên da, gây nhiễm khuẩn, viêm da, dị ứng cho bé.

- Không tắm nước lá khi da bé bị trầy xước, mưng mủ. Khi da đã trong tình trạng sưng đỏ, viêm da quá nặng do bé ngứa, gãi gây trầy xước, mất lớp màng bảo vệ, việc tắm nước lá dù đã qua đun nấu cũng có thể tăng nguy cơ vi khuẩn xâm nhập, làm tình trạng nhiễm trùng tăng lên, đôi khi gây những biến chứng không ngờ.

Ngoài ra, để phòng rôm sảy cho trẻ cần thường xuyên tắm rửa sạch sẽ và giữ vệ sinh da tốt. Không nên cho trẻ ăn uống các thức ăn cay nóng như ớt, tỏi, hạt tiêu; không ăn nhiều đường, đồ nếp, hạn chế ăn các loại hoa quả gây nóng mít, xoài, nhãn, vải… Tăng cường các đồ ăn mát.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ