Bác sĩ đang chăm sóc cho một bệnh nhân cúm tại phòng cấp cứu Bệnh viện Lehigh Valley — Cedar Crest, ở Allentown, PA (Mỹ) - Ảnh: New York Times.
Đừng nhầm lẫn giữa cúm và viêm mũi họng!
Podcast: Bổ sung vitamin C có giúp phòng cúm không?
Nghiêm cấm hành vi lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc điều trị cúm
Chuyên gia chia sẻ giúp người bệnh tim mạch vượt qua mùa cúm
Theo CNN, tại Mỹ, các bác sĩ ghi nhận nhiều bệnh nhân nhiễm cúm gặp biến chứng nguy hiểm. Trẻ em bị biến chứng thần kinh như phù não gây chết mô (viêm não hoại tử cấp tính - ANE). Người lớn mắc viêm phổi do siêu vi khuẩn "ăn thịt người".
"Nhiều trường hợp viêm phổi MRSA (tụ cầu vàng kháng methicillin) nặng, gây phá hủy mô phổi", tiến sĩ John Lynch, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại UW Medicine, cho biết.
MRSA là Staphylococcus aureus kháng methicillin, một loại vi khuẩn có thể chống lại nhiều loại kháng sinh có sẵn để điều trị. Nhiễm trùng có thể gây tử vong, người sống sót sau loại viêm phổi này cũng có thể bị sẹo phổi, làm giảm khả năng hô hấp bình thường.
Nhiễm trùng viêm phổi do vi khuẩn thường xảy ra sau cúm, đặc biệt là đối với người lớn tuổi. Các bác sĩ cho rằng họ thấy nhiều trường hợp như vậy hơn trong mùa cúm năm nay ở Mỹ. Trên mạng xã hội, nhiều điều dưỡng chia sẻ về tình cảnh các khoa hồi sức tích cực của họ "quá tải" bệnh nhân cúm nặng, chuyển sang viêm phổi và suy hô hấp.
"Chúng tôi đang tiếp nhận rất nhiều người ở độ tuổi 40 hoàn toàn bị cúm tàn phá", một y tá đến từ Maryland đã viết trên Reddit.
"Cảm giác giống như làn sóng COVID-19 ở 'thời kỳ Delta' theo một số cách", một y tá khác làm việc ở Tây Bắc Thái Bình Dương chia sẻ.
Mùa cúm lần đầu vượt COVID-19

Nhân viên y tế đang đưa bệnh nhân cấp cứu do cúm đến bệnh viện ở New York, Mỹ - Ảnh: Xinhua
Trong tuần cuối cùng của tháng 1/2025 (từ 26/1-1/2), cứ 100.000 người Mỹ có 14,4 người nhập viện do cúm, cao hơn tỷ lệ nhập viện do COVID-19 trong "đỉnh điểm" của làn sóng Delta tháng 9/2021, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC).
Tỷ lệ nhập viện vì cúm trong mùa này vẫn chỉ bằng khoảng một nửa so với thời kỳ đỉnh dịch COVID trong làn sóng Omicron năm 2022, nhưng đây là mùa cúm đầu tiên có số ca nhập viện tích lũy cao hơn COVID-19.
Theo dữ liệu của CDC Mỹ, tính đến ngày 1/2, đã có khoảng 64 ca nhập viện vì cúm trên 100.000 người, so với khoảng 44 ca nhập viện vì COVID-19 trên 100.000 người. Trong khi, mùa trước, số ca nhập viện do COVID-19 gấp 2,4 lần cúm.
Dữ liệu của CDC cũng cho thấy, số ca tử vong hàng tuần do cúm đã lần đầu tiên vượt qua số ca tử vong vì COVID-19. Có 1.302 ca tử vong do cúm trong 2 tuần cuối tháng 1/2025, so với 1.066 ca tử vong do COVID-19. Theo CDC, virus cúm hoạt động ở mức độ cao trên toàn quốc. Cứ khoảng 3 người xét nghiệm tại phòng khám hoặc bệnh viện, sẽ có 1 người dương tính với cúm.
Tại một số phòng khám ở Washington, 50% bệnh nhân xét nghiệm dương tính. Tiến sĩ John Lynch nhận định "Tỷ lệ dương tính 50% với cúm là thực sự cao, thật đáng kinh ngạc".
Các bác sĩ cảnh báo về biến chứng não ở trẻ em sau cúm
Theo CNN, tiến sĩ Keith Van Haren, chuyên gia miễn dịch thần kinh nhi tại Stanford Medicine báo cáo các ca viêm não hoại tử cấp tính (ANE) ở trẻ mắc cúm gia tăng mạnh trong năm nay.
Thông thường, bác sĩ không bắt buộc ghi nhận ca ANE cho cơ quan y tế công cộng. Mỹ cũng không có số liệu chính thức hàng năm, nên khó theo dõi xu hướng. Tuy nhiên, qua các cuộc thảo luận gần đây, tiến sĩ Van Haren và đồng nghiệp Andrew Silverman tại Stanford cho biết, nhóm của họ tiếp nhận 35-40 trường hợp ANE trong 2 mùa cúm vừa qua tại các bệnh viện trường đại học, phần lớn trong mùa này.
"Có điều gì đó đang xảy ra", TS. Van Haren nói với CNN. "Những gì chúng ta đang thấy thực sự bất thường".
ANE là tình trạng não bị sưng lên trong vỏ cứng của hộp sọ, xảy ra do một số bệnh nhiễm trùng do virus, bao gồm cả cúm. Các nghiên cứu cho thấy tình trạng này có tỷ lệ tử vong khoảng 50%. Ở những bệnh nhân bị ANE, tình trạng sưng tấy sẽ dẫn đến chết mô ở "vùng đồi thị", nơi kiểm soát giấc ngủ và sự tỉnh táo. Trẻ em mắc biến chứng này sẽ thấy buồn ngủ dữ dội và khó giữ được tỉnh táo.
"Nó giống như thổi một quả bóng bay trong một cái hộp carton. Nó chỉ có thể phồng lên đến một mức nhất định trước khi bị vỡ", Van Haren cho biết, theo CNN.
Ngoài ANE, các chuyên gia y tế cũng ghi nhận biến chứng thần kinh khác ở trẻ mắc cúm, chẳng hạn co giật. Tuy nhiên, còn quá sớm để khẳng định các ca cúm hiện nay cao bất thường. Tiến sĩ James Antoon, bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Monroe Carell Jr. tại Vanderbilt (Mỹ) cho biết, trong một mùa cúm thông thường, cứ 10.000 trẻ em dưới 5 tuổi mắc cúm thì có thể có 4 trường hợp co giật. Tỷ lệ viêm não (phù não) hiếm hơn: khoảng 1 trên 100.000 trẻ mắc cúm.
"Đây là con số nhỏ, nhưng sẽ lớn hơn nhiều khi nhân với hàng triệu ca cúm hiện tại" - TS. James Antoon cảnh báo.
Bệnh viện quá tải

Bệnh viện ở Mỹ quá tải vì bệnh nhân cúm - Ảnh: Getty Images
Theo CNN, tiến sĩ Ryan Maves, chuyên gia y khoa chăm sóc đặc biệt tại Trường Y khoa Đại học Wake Forest, cho biết cường độ của mùa cúm năm nay giống như đại dịch cúm năm 2009, do một loại virus mới, H1N1, xuất hiện ở Mexico và lây lan nhanh chóng trên toàn thế giới.
"Bệnh viện quá tải, người bệnh không tràn ra bãi đỗ xe như đại dịch, nhưng các phòng mạch đều rất đông. Chúng tôi chứng kiến những điều đã không thấy vài năm gần đây, chẳng hạn người cao tuổi phải thở ECMO để hồi phục", tiến sĩ Maves cho biết.
Tiến sĩ Buddy Creech, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt ở Nashville, cho biết, vài năm một lần, Mỹ lại gặp một chủng cúm nghiêm trọng. Năm nay, hai chủng cúm A gây bệnh là H1N1 và H3N2, với điều bất thường là chúng xuất hiện với tỷ lệ gần bằng nhau.
"Thông thường một chủng sẽ chiếm ưu thế, nhưng hiện tại tỷ lệ gần như 50/50. Đây không phải là điều thường thấy" - Tiến sĩ Jennifer Nayak, chuyên gia bệnh truyền nhiễm nhi khoa tại Trung tâm Y tế Đại học Rocheste chia sẻ.
Bên cạnh đó, chưa đến 50% người lớn và trẻ em tại Mỹ đã tiêm phòng cúm trong năm nay. Khoảng 44% người lớn đã được tiêm chủng, tỷ lệ ổn định trong vài năm qua. Độ bao phủ vaccine cho trẻ em giảm gần 14%, từ 58% trước đại dịch xuống 44%. Xu hướng này khiến các bác sĩ lo lắng.
Theo CNN, mùa cùm này, 57 trẻ em đã tử vong vì cúm. "Chắc chắn là con số này khá cao vào thời điểm này trong năm", Nayak cho biết. Hầu hết trong số họ đều không được tiêm vaccine.
Vẫn còn quá sớm để biết vaccine cúm năm nay có bảo vệ hoàn toàn chống lại các chủng đang lưu hành hay không. Một số thử nghiệm sơ bộ cho thấy vaccine ngăn ngừa H1N1 hiệu quả hơn so với biến chủng H3N2 đang lưu hành. Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, không nên chỉ dựa vào vaccine, để tự bảo vệ mình, người dân cần thường xuyên vệ sinh không khí trong nhà và thông gió, rửa tay, đeo khẩu trang khi ra ngoài và chủ động xét nghiệm khi bị ốm.
Bình luận của bạn