Dịch cúm càn quét toàn cầu, Hà Nội ghi nhận 820 ca mắc

Dịch cúm đang diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực trên toàn cầu - Ảnh: Financial Times.

CDC: Dịch cúm mùa tại Mỹ đang ở mức cao nhất trong 15 năm qua

Bộ Y tế thông tin về dịch cúm mùa đang bùng phát tại Nhật Bản

Podcast: Nguy cơ bùng phát cúm mùa dịp Tết

Bộ Y tế cấp phép cho thuốc cổ truyền điều trị COVID-19 và cúm mùa

Tin từ CDC Hà Nội cho biết, trong tháng 1/2025, toàn thành phố ghi nhận 820 trường hợp mắc cúm, tăng so với cùng kỳ năm 2024 (769 trường hợp mắc), tăng 51 trường hợp (6%). Cộng dồn năm 2024 ghi nhận 7.133 trường hợp, không ghi nhận trường hợp tử vong. Bệnh nhân cúm ghi nhận quanh năm tại 30/30 quận huyện thị xã, trong đó có xu hướng gia tăng từ tháng 12 đến tháng 5.

CDC Hà Nội tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường giám sát phát hiện bệnh nhân tại cơ sở y tế được phân cấp và tại cộng đồng, để kịp thời điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch, không để dịch lây lan rộng.

Tổ chức hoạt động giám sát sốt phát ban nghi sởi, điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm 100% các trường hợp nghi ngờ mắc, tổ chức khoanh vùng, xử lý triệt để khu vực có bệnh nhân, ổ dịch theo quy định.

Đồng thời, thường xuyên phối hợp giữa ngành Y tế và Giáo dục trong công tác giám sát, phòng chống, xử lý các ca bệnh, ổ dịch bệnh Sởi, tay chân miệng, thủy đậu... trong trường học; tăng cường công tác giám sát tại các Lễ hội Xuân trên địa bàn thành phố; phối hợp triển khai công tác tiêm chủng vaccine trong trường học cũng như việc rà soát, tuyên truyền cho phụ huynh học sinh cho con em đi tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine theo quy định.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người có bệnh nền nên tiêm vaccine cúm hàng năm để chủ động phòng bệnh

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, phụ nữ mang thai, người cao tuổi, người có bệnh nền nên tiêm vaccine cúm hàng năm để chủ động phòng bệnh

Theo CDC Hà Nội, tiêm vaccine cúm là một biện pháp chủ động để phòng bệnh. Tuy nhiên, virus cúm thường hay thay đổi kháng nguyên, do vậy chúng ta cần đi tiêm vaccine phòng cúm mỗi năm 1 lần. Đặc biệt, đối với phụ nữ mang thai, nếu mắc cúm có thể gây dị dạng thai nhi, thai chết lưu hoặc đẻ non, đặc biệt là mắc bệnh trong 3 tháng đầu của thai kỳ. Vì vậy, tiêm phòng cho phụ nữ trước khi mang thai là một biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả.

Để chủ động phòng chống cúm mùa, ngành y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các nội dung sau:

- Che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải/khăn tay/khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

- Đeo khẩu trang tại nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi). Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng.

- Hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

- Tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh.

- Thực hiện lối sống lành mạnh; ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm; tăng cường vận động thể lực, nâng cao sức khỏe.

- Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.

Dịch cúm diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực trên thế giới

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới đây cảnh báo bệnh cúm tiếp tục gia tăng tại nhiều khu vực ở bắc bán cầu, trong đó có Bắc Mỹ, Châu Âu, Châu Á và một số khu vực khác. Bắc Mỹ chủ yếu do virus cúm A, Châu Âu do các virus cúm thuộc mọi phân nhóm, và Châu Á chủ yếu do chủng H1N1.

Tại Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật (CDC) vừa cho hay tỷ lệ mắc bệnh cúm đang ở mức cao nhất kể từ đại dịch cúm lợn năm 2009. Mỹ ghi nhận ít nhất 24 triệu ca bệnh, 310.000 ca nhập viện và 13.000 ca tử vong do cúm trong mùa này, theo Reuters ngày 8/2 dẫn báo cáo của CDC. Có đến 7,8% số bệnh nhân đến khám tại các cơ sở ngoại trú trong tuần kết thúc vào ngày 1/2 là do các bệnh giống cúm, tăng liên tục trong vài tuần qua.

Dữ liệu do CDC Mỹ thu thập từ các phòng thí nghiệm cũng cho thấy, 31,6% số ca xét nghiệm tuần qua cho kết quả dương tính với cúm A. CDC Mỹ cảnh báo nhiều bang vẫn chưa đạt đỉnh dịch cúm trong mùa này.

Theo CDC, dịch cúm mùa tại Mỹ đang ở mức cao nhất trong 15 năm qua, trong khi tỷ lệ tiêm vaccine cúm lại rất thấp - Ảnh: CBC News/Getty Images

Theo CDC, dịch cúm mùa tại Mỹ đang ở mức cao nhất trong 15 năm qua, trong khi tỷ lệ tiêm vaccine cúm lại rất thấp - Ảnh: CBC News/Getty Images

Tại Châu Âu, số ca mắc bệnh cúm gia tăng đang khiến hệ thống y tế Bỉ rơi vào tình trạng báo động. Số lượt khám vì các triệu chứng giống cúm trong tuần này đã tăng gấp đôi so với đỉnh điểm của mùa cúm trước. Các chuyên gia y tế gọi đây là đại dịch cúm tồi tệ nhất kể từ đại dịch COVID-19. Các bệnh viện đang phải vật lộn với tình trạng quá tải. Tỷ lệ nhập viện do cúm là 6,6/100.000 dân. Đáng lo ngại, virus cúm năm nay có vẻ nguy hiểm hơn. Theo một bác sĩ đa khoa tại Bệnh viện Đại học Saint-Luc ở Brussels, bệnh nhân thường cần phải điều trị từ 5 đến 6 ngày.

Tại Anh, chính phủ vừa ban hành lệnh cấm "tập trung gia cầm" trên cả nước, nhằm ứng phó tình trạng lây lan dịch cúm tại "nhiều khu vực". Lệnh cấm có hiệu lực từ trưa 10/2 (giờ địa phương), theo tờ Daily Mail. Trước đó, giới chức Anh ghi nhận một bệnh nhân nhiễm cúm gia cầm tại khu vực West Midlands, được cho là lây nhiễm từ một trang trại nơi người này tiếp xúc với nhiều gia cầm nhiễm bệnh.

Trong khi đó, tại Châu Á, theo Đài Nippon, dịch cúm gia cầm ở Nhật Bản đang lây lan nhanh kể từ đầu năm với 5,4 triệu gia cầm bị tiêu hủy trong tháng 1. Về bệnh cúm nói chung, Nhật đang đối phó đợt dịch tồi tệ nhất trong 25 năm, với 317.812 ca được ghi nhận tại 5.000 cơ sở y tế trong tuần cuối năm 2024.

Nhật Bản là một trong những quốc gia có tình hình dịch cúm phức tạp nhất trong mùa cúm năm nay - Ảnh: CGTN

Nhật Bản là một trong những quốc gia có tình hình dịch cúm phức tạp nhất trong mùa cúm năm nay - Ảnh: CGTN

Còn tại Đông Bắc Á, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa bệnh tật Hàn Quốc (KDCA) cho biết, tình hình cúm ở nước này vẫn xếp ở ngưỡng dịch bệnh, dù số ca bệnh giảm 4 tuần liên tiếp. Cụ thể, theo tờ The Korea Herald, tỷ lệ mắc cúm trong tuần cuối tháng 1 là 30,4 ca/1.000 bệnh nhân ngoại trú. Trước đó, nhằm đối phó đợt cúm, KDCA cho phép những người có nguy cơ cao như người cao tuổi, trẻ em, phụ nữ mang thai được hưởng bảo hiểm y tế đối với thuốc kê toa kháng virus.

Theo CDC tại Đài Loan (Trung Quốc), trong tuần cuối tháng 1, số người tìm đến cơ sở y tế vì các triệu chứng giống cúm đã vượt mốc cao nhất trong vòng 10 mùa dịch gần đây. Nỗi lo dịch bệnh đã kích hoạt làn sóng người dân đổ xô đi tiêm ngừa. Trung tâm CDC Đài Loan (Trung Quốc) cho biết, dịch cúm hiện đã bước vào giai đoạn bùng phát, và dự báo sẽ còn tiếp tục gia tăng trong 1 - 2 tuần tới trước khi giảm dần.

 
Hiệp Nguyễn
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội