SK+ Viem nao nhat ban-02
Empty
Empty

Cuối tháng 6, Đắk Lắk ghi nhận 2 ca mắc viêm não Nhật Bản trong vòng 1 tuần. Trường hợp thứ nhất là bệnh nhi sinh năm 2012, có biểu hiện ban đầu là sốt cao liên tục, đau đầu nhiều. Sau một ngày cho trẻ uống thuốc không đỡ nên người nhà đưa đi khám bệnh viện. Sau đó, bệnh nhi tiếp tục được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) điều trị và có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh viêm não Nhật Bản.

Trường hợp thứ hai là bệnh nhi sinh năm 2019, sốt, nôn ói nên được người nhà đưa tới trung tâm y tế huyện điều trị. Đến ngày 20/6, bệnh nhi chuyển nặng nên được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ngày 23/6, kết quả xét nghiệm MAC ELISA do Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên thực hiện với kết quả bệnh nhi mắc bệnh viêm não Nhật Bản. Hiện tại, bệnh nhi vẫn đang được điều trị tích cực tại bệnh viện.

Ngay sau khi ghi nhận các trường hợp mắc bệnh trên, ngành y tế Đắk Lắk đã nhanh chóng triển khai khoanh vùng nhằm xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan trong cộng đồng và đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh cho người dân. Nguyên nhân là bởi viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, với cao điểm dịch là tháng 6 đến tháng 7 hàng năm.

Empty

Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus xâm nhập vào cơ thể con người qua vết đốt của muỗi truyền bệnh. Có hơn 30 loài muỗi trung gian truyền bệnh virus viêm não Nhật Bản, đặc biệt là Culex Tritaeniorhynchus thường sinh sản trên ruộng lúa, đầm lầy và các vũng nước nông khác.  

Virus viêm não Nhật Bản được nhân lên trong một chu kì giữa muỗi và vật chủ khuếch đại, chủ yếu là lợn và chim cao cẳng. Virus truyền từ vật chủ này sang vật chủ kia qua trung gian muỗi đốt. Người là vật chủ ngẫu nhiên và muỗi không truyền virus trực tiếp từ người này sang người khác.

Vì lý do trên, nguy cơ nhiễm virus viêm não Nhật Bản cao nhất là ở các vùng nông thôn, nông nghiệp. Chim và lợn là các vật chủ quan trọng duy trì virus bệnh viêm não Nhật Bản trong tự nhiên. Ở Việt Nam có hai nhóm chim có khả năng mang mầm bệnh là nhóm chim sống ở làng mạc và nhóm chim kiếm ăn ngoài đồng ruộng.

Chính vì vậy, vào mùa Hè cũng là mùa vải chín, nhiều chim chóc làng mạc, nhất là tu hú tìm đến ăn quả vải bị muỗi đốt lây truyền virus viêm não Nhật Bản, rồi muỗi đốt qua người. Các báo cáo về dịch tễ học cho thấy đỉnh dịch viêm não Nhật Bản thường vào các tháng 5-6-7, trùng với mùa vải chín. Tuy nhiên, dù ở thành thị hay nông thôn, tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với virus viêm não Nhật Bản đều có thể bị mắc bệnh.

Empty

Đánh giá về bệnh viêm não Nhật Bản, BS. Đỗ Anh - chuyên gia Nhi khoa cho hay: "Khi chúng ta nghe từ "viêm não" thì đã biết đây là bệnh nguy hiểm, bởi vì bệnh gây ra tổn thương ở não - bộ phận rất là quan trọng trong cơ thể." Trong thời điểm dịch có nguy cơ bùng phát, cha mẹ cần lưu ý phòng bệnh và phát hiện những dấu hiệu gợi ý viêm não hay viêm não Nhật Bản, để đưa trẻ đến bệnh viện sớm nhất có thể.

Biểu hiện triệu chứng điển hình và rõ nét ở trẻ em nghi mắc viêm não Nhật Bản gồm: Sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn và có thể co giật, đặc biệt là những thay đổi như kích thích, quấy khóc, li bì. Ngoài ra, trẻ còn có những dấu hiệu về thần kinh như hôn mê, mất ý thức; Hoặc các triệu chứng khác như suy hô hấp, viêm phổi...

Empty
Empty

Viêm não Nhật Bản đã nhiều lần bùng nổ thành đại dịch trên những khu vực rộng lớn ở châu Á và khu vực Thái Bình Dương. Cách đây hơn nửa thế kỷ, virus gây viêm não Nhật Bản mới được nghiên cứu để chế tạo ra vaccine, góp phần đáng kể trong việc khống chế sự bùng nổ và lây lan của căn bệnh này. Vì vậy, cha mẹ nên cho trẻ tiêm phòng vaccine viêm não Nhật Bản theo đúng chỉ định (trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên) và tiêm đủ các mũi nhắc lại.

Theo BS. Đỗ Anh, vaccine là phương pháp tốt nhất để giúp cơ thể phòng, tránh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên, khi tiêm vaccine, ta cũng cần phải chấp nhận những tác dụng phụ không mong muốn. Rất may mắn, vaccine phòng viêm não Nhật Bản lại rất an toàn và những tác dụng gần như rất ít, nếu có chỉ có cảm giác đau và sưng ở tại vị trí tiêm. Các phản ứng phụ khác, ví dụ như sốt nhẹ hay sốt cao tùy thuộc vào sự đáp ứng miễn dịch của từng bệnh nhi.

Empty

Tuy nhiên, ngay cả khi có vaccine, các gia đình vẫn cần chủ động bảo vệ sức khỏe bằng nhiều biện pháp khác. Trung gian lây truyền viêm não Nhật Bản là muỗi Culex, vì vậy, trong mùa mưa, các gia đình cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, nên dời chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy. Khi đi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi trong các hộ gia đình; Không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc để phòng muỗi đốt.

BS. Đỗ Anh nhấn mạnh: "Chúng ta nên nhớ, tiêm chủng vaccine là một trong những biện pháp phòng bệnh tốt nhất. Nhưng đó chỉ là miễn dịch mà chúng ta tạo ra thông qua đường tiêm chủng. Chúng ta vẫn có thể bị mắc bệnh sau khi tiêm, nhưng mắc bệnh sẽ nhẹ hơn, giảm thiểu các biến chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong. Đó là mục đích khi tiêm vaccine."

Ngoài tiêm vaccine, BS. Đỗ Anh khuyến cáo, cần tạo ra miễn dịch chủ động bằng cách cải thiện sức đề kháng của trẻ. Trong kỳ nghỉ Hè, trẻ nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ vận động và quan tâm đến tâm lý của trẻ. Đặc biệt khi trẻ bị ốm, cha mẹ nên sử dụng thuốc một cách an toàn và hợp lý: Dùng thuốc hạ sốt đúng liều lượng và khoảng cách; Tránh lạm dụng kháng sinh và tự ý dùng thuốc khi chưa có chỉ định.

Thói quen lạm dụng kháng sinh vô tình làm cơ thể yếu đi và xuất hiện những vi khuẩn kháng thuốc. Chẳng hạn, trong trường hợp bị viêm não, cơ thể suy yếu tạo điều kiện cho các vi khuẩn kháng thuốc tấn công, dễ khiến cho bệnh nặng hơn và gây ra nhiều biến chứng hơn.

Empty
SK+ Viem nao nhat ban-11
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ