Bộ Y tế họp triển khai công tác y tế ứng phó cơn bão số 3. Ảnh: MOH.
Siêu bão số 3 sắp đổ bộ, khuyến cáo người dân tránh ra đường
Khuyến cáo người dân trước giờ siêu bão số 3 YAGI đổ bộ
Thời tiết cả nước thuận lợi trong ngày khai giảng, bão số 3 tăng cấp trên biển Đông
Vì sao bão YAGI liên tục tăng cấp, trở thành siêu bão?
Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, ngày 6/9, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế đã chủ trì cuộc họp triển khai công tác y tế ứng phó cơn bão số 3 (bão YAGI) năm 2024 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Tại cuộc họp, Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó trước siêu bão YAGI, tập trung sẵn sàng ứng trực cấp cứu, tìm kiếm cứu nạn, sẵn sàng cơ số thuốc, vật tư, hóa chất để phục vụ công tác điều trị và phòng, chống dịch bệnh.
Báo cáo của các địa phương tại cuộc họp cho thấy, cơ bản đến thời điểm này thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Y tế và lãnh đạo tỉnh, thành phố, ngành y tế đều đã chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh đảm bảo chuẩn bị cơ số thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất, phân công cán bộ trực 24/24h để đảm bảo đáp ứng mọi nhu cầu khám chữa bệnh, cấp cứu của nhân dân; Đồng thời lên phương án phòng chống dịch, vệ sinh môi trường theo các tình huống cụ thể.
Ngành y tế tỉnh Quảng Ninh đã thành lập các đội y tế cơ động sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới. Tại Hải Phòng, ngành y tế đã có các văn bản chỉ đạo đảm bảo công tác y tế, phối hợp tìm kiếm cứu nạn trong mưa bão. Tại tỉnh Nam Định, ngành y tế đã lên các phương án cụ thể, đảm bảo an toàn các cơ sở y tế, người bệnh, xử lý môi trường sau bão.
Tỉnh Cao Bằng căn cứ vào thực tiễn dự kiến di chuyển 1 trạm y tế để tránh sạt lở; chuẩn bị sẵn thuốc, vật tư, hóa chất sẵn sàng phục vụ cấp cứu... Ngành y tế Lạng Sơn đã chỉ đạo các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng các tình huống đảm bảo công tác khám chữa bệnh, cấp cứu theo phương châm 4 tại chỗ...
Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo một số bệnh viện trung ương trên địa bàn Hà Nội như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã lên các phương án, tình huống ứng phó với mưa bão, chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã lập 4-5 đội cấp cứu cơ động để hỗ trợ các bệnh viện, địa phương khi có nhu cầu.
Lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã yêu cầu các khoa phòng, đặc biệt là Trung tâm cấp cứu A9 chuẩn bị sẵn nhân lực, thuốc, vật tư phục vụ cấp cứu đồng thời bệnh viện đã lập các tổ cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng hỗ trợ cấp cứu khi cần. Đồng thời, Bệnh viện Bạch Mai cũng thông báo sẽ tạm dừng công tác khám bệnh tại khoa khám chữa bệnh theo yêu cầu - trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật (7-8/9), để tập trung nguồn lực phòng chống bão, cấp cứu và điều trị người bệnh, đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân và người nhà.
Lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã đề nghị ngành y tế các tỉnh, các bệnh viện thuộc Bộ trong vùng ảnh hưởng bão cần chủ động sơ tán người bệnh và các trang thiết bị y tế, thuốc phục vụ người bệnh tới các tòa nhà kiên cố có khả năng chịu được tác động mạnh của bão; Chuyển người bệnh nặng, phương tiện máy thở lên tầng cao, tránh ngập lụt...
Lãnh đạo Cục Y tế dự phòng đề nghị ngành y tế các địa phương lên các phương án phòng chống dịch sau mưa lũ, lưu ý các dịch bệnh sởi, đau mắt đỏ, nước ăn chân, tiêu chảy...;
Cục Môi trường Y tế đề nghị các địa phương chuẩn bị hóa chất, lên phương án chủ động về vệ sinh môi trường sau bão lũ...
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên yêu cầu ngành y tế 28 tỉnh, thành theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa bão để có những ứng phó kịp thời;
Đồng thời, thực hiện các chỉ đạo về khám chữa bệnh, vệ sinh phòng chống dịch, đảm bảo công tác y tế trong mưa lũ của Bộ Y tế, trong đó đặc biệt lưu ý chuẩn bị về nhân lực trực 24/24h, thuốc, vật tư, hóa chất... phương tiện, máy móc phục vụ khám chữa bệnh, điều trị bệnh nhân.
Cùng với đó, yêu cầu ngành y tế các tỉnh ra soát ngay các kế hoạch, phương án đáp ứng về y tế (khám chữa bệnh, phòng chống dịch... vệ sinh môi trường) trong và sau bão, mưa lũ; lưu ý các cơ sở khám chữa bệnh phải đảm bảo an toàn người bệnh.
Các bệnh viện trực thuộc bộ, Viện Y học Biển các địa phương phải rà soát ngay các đội cấp cứu ngoại viện để sẵn sàng ứng cứu tuyến dưới.
Ngoài ra, các bệnh viện khác trực thuộc bộ như: Bệnh viện E, Bệnh viện Hữu Nghị... chuẩn bị sẵn đội cấp cứu cơ động để sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới, bệnh viện khác khi có điều động.
Trực 24/24h sẵn sàng ứng cứu cho các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão
Cùng ngày, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng đã có công văn số 1462 gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế khu vực miền Bắc và miền Trung; Sở Y tế các tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, miền Trung về việc triển khai công tác phòng chống, ứng phó bão số 3 (YAGI) tại cơ sở khám bệnh chữa bệnh.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị các đơn vị khẩn trương triển khai công tác phòng chống, ứng phó bão số 3 (YAGI), sẵn sàng phương án tổng thể với các tình huống giả định xấu nhất để đối phó với bão, trong đó chuẩn bị về nhân lực, vật lực, hậu cần…
Đối với các bệnh viện/viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện đa khoa tỉnh/thành phố: Chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, cơ số xe cấp cứu, trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao cho tối thiểu 2 đội cấp cứu lưu động (lưu ý các cơ số phục vụ cấp cứu chấn thương);
Đội cấp cứu lưu động có quyết định phân công nhiệm vụ cụ thể, kèm danh sách liên lạc, trực 24/24 sẵn sàng ứng cứu cho các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão khi được lệnh điều động.
Đối với Sở Y tế, bố trí lãnh đạo Sở trực chỉ huy 24/24, chỉ đạo và chịu trách nhiệm giám sát, kiểm tra các bệnh viện, các đơn vị trực thuộc để chuẩn bị sẵn sàng đáp ứng cho các tình huống khẩn cấp trước, trong và sau bão…
Đêm 6/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính lần thứ ba gửi công điện đến 25 tỉnh thành phía Bắc và 10 bộ ngành, yêu cầu quyết liệt phòng chống bão Yagi, ưu tiên đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và nhà nước. Bên cạnh khuyến cáo người dân hạn chế ra ngoài trong mưa bão, các địa phương cần cho học sinh nghỉ để đảm bảo an toàn.
Bình luận của bạn