Báo động tình trạng gia tăng số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Châu Phi

Nhân viên y tế đang lấy mẫu xét nghiệm cho trẻ nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ ở Cộng hòa Dân chủ Congo vào tháng 7/2024 - Ảnh: Reuters.

FDA phê duyệt vaccine ACAM2000 phòng bệnh đậu mùa khỉ

WHO ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu lần thứ 2 vì bệnh đậu mùa khỉ

Bộ Y tế "nhắc" giám sát và phát hiện sớm ca bệnh đậu mùa khỉ

Các quốc gia Đông Nam Á tăng cường cảnh giác với bệnh đậu mùa khỉ

Báo cáo của Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc (OCHA) cho biết, tính đến 2/9, Burundi đã ghi nhận 328 ca, Nam Phi 24 ca, Uganda 7 ca trong khi Rwanda và Kenya mỗi nước có 4 ca nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, theo Xinhua.

Theo bản cập nhật mới nhất của Văn phòng khu vực OCHA tại Nam và Đông Phi, hiện một số quốc gia trong khu vực đã triển khai kế hoạch để kiểm soát dịch bệnh đậu mùa khỉ, bao gồm Burundi, Rwanda và Uganda. Tuy nhiên, nguồn tài trợ và nguồn lực hạn chế đang cản trở những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

Cơ quan cứu trợ của Liên Hợp Quốc cũng cho biết, hơn 3.800 ca mắc bệnh đã được xác nhận trên khắp Châu Phi kể từ tháng 1, trong đó Burundi là quốc gia bị ảnh hưởng nhiều thứ hai tại lục địa này sau Cộng hòa Dân chủ Congo.

Ngày 14/8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ gây tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu (PHEIC) và kêu gọi phản ứng phối hợp từ cộng đồng quốc tế để chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh, cứu lấy mạng sống con người.

Theo The Guardian, ngày 27/8, WHO cũng đã khởi động một chiến dịch toàn cầu mang tên Kế hoạch chuẩn bị và ứng phó chiến lược nhằm ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ lây từ người sang người.

Kế hoạch chuẩn bị và ứng phó chiến lược của WHO được thực hiện dựa trên các nguyên tắc về công bằng, đoàn kết toàn cầu, trao quyền cho cộng đồng và phối hợp giữa các lĩnh vực. Giai đoạn triển khai kế hoạch dự kiến kéo dài 6 tháng, bắt đầu từ tháng 9/2024 đến tháng 2/2025 với kinh phí lên tới 135 triệu USD.

Trọng tâm của kế hoạch bao gồm thúc đẩy nghiên cứu cũng như đảm bảo mọi người dân trên thế giới được tiếp cận công bằng với chẩn đoán và tiêm vaccine phòng bệnh, giảm lây truyền bệnh từ động vật sang người và tăng cường năng lực kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng. Cụ thể, kế hoạch tiêm chủng nhắm đến những người có nguy cơ cao nhất, như những người tiếp xúc gần với ca bệnh và nhân viên y tế, qua đó cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Kế hoạch này cũng sẽ tập trung vào việc cung cấp định hướng chiến lược và hướng dẫn, cũng như đảm bảo các nhóm người dễ bị tổn thương trong các khu vực bị ảnh hưởng được tiếp cận điều trị y tế.

Động thái trên được cơ quan y tế Liên Hợp Quốc đưa ra trong bối cảnh số ca mắc biến thể 1b (dễ lây lan và có nguy cơ gây tử vong cao hơn) tăng vọt tại CHDC Congo và lan rộng sang các nước lân cận ở Châu Phi.

Đậu mùa khỉ là một căn bệnh do virus gây ra bởi virus đậu mùa khỉ, có hai nhánh riêng biệt, bao gồm nhánh 1b và nhánh 2b, có thể lây truyền sang người thông qua tiếp xúc vật lý với người bị nhiễm bệnh, đồ vật hoặc động vật bị nhiễm bệnh.

Theo OCHA, hiện các nước Burundi, Kenya, Rwanda và Uganda đều đã báo cáo các trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên thuộc nhánh 1b trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 8/2024, ban đầu lưu hành ở CHDC Congo vào năm 2023.

Tháng 8/2024, Liên minh Châu Phi (AU) đã phê duyệt một gói tài chính 10,4 triệu USD Mỹ để hỗ trợ các nỗ lực đang diễn ra nhằm chống lại làn sóng bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên khắp Châu Phi.

Trong khi đó, các chính phủ và đối tác y tế, với sự hỗ trợ của WHO đang tiếp tục mở rộng quy mô ứng phó, bao gồm truy vết tiếp xúc, sàng lọc quản lý ca bệnh tại các điểm nhập cảnh biên giới, tăng cường năng lực xét nghiệm, giám sát, báo cáo ca bệnh và phổ biến thông tin về các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.

 
Hiệp Nguyễn (Theo Xinhua/The Guardian)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn