Mua sâm Ngọc Linh "đại hạ giá": Coi chừng hàng rởm!

Tam thất Trung Quốc đội lốt sâm

Sâm Ngọc Linh
Hình ảnh so sánh: Sâm Ngọc Linh

Công an tỉnh Kon Tum từng phát hiện một đường dây tiêu thụ sâm Ngọc Linh giả liên tỉnh. Theo khai nhận của các đối tượng liên quan, nguồn củ sâm Ngọc Linh giả chính là củ vũ diệp tam thất từ Trung Quốc được đưa vào Kon Tum (nơi có vùng sâm Ngọc Linh) để đội lốt thành sâm quý! Công nghệ làm giả khá đơn giản: lấy củ vũ diệp tam thất có hình dáng giống sâm rồi ngâm trong nước pha từ sâm Ngọc Linh thật để có mùi sâm.

Ngày 23/9, một chuyên gia của viện Dược liệu trung ương cho biết viện này từng có cảnh báo nhiều loại thực vật giả sâm Ngọc Linh, từ các mẫu sâm khách hàng đưa đến nhờ kiểm nghiệm. Trong đó, loại giả y như thật ít gặp là một loại sâm có ở biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, cùng chi Panax (nhân sâm), thành phần giống sâm Ngọc Linh tới 97%. Loại này chỉ ít dược liệu hơn chứ không độc hại. Loại giả phổ biến hơn là dùng củ vũ diệp tam thất (còn được gọi tam thất hoang, sâm vũ diệp, trúc tiết nhân sâm, sâm hai lần chẻ…), có tên khoa học Panax bipinnatifidum Seem.

Tuy cùng chi nhân sâm nhưng giá trị dược liệu của loại này kém sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis) "một trời một vực", giá chỉ vài trăm ngàn đồng/kg nhưng nếu bán với danh nghĩa sâm Ngọc Linh thì giá đội lên hàng chục triệu đồng/kg.

Có người bán còn sử dụng các loại hoá chất bơm vào củ vũ diệp tam thất để tăng thời gian sinh trưởng, hình dạng củ càng giống với sâm thật. Nguy hiểm hơn cả là những loại giả sâm Ngọc Linh làm từ củ của một số loài thuộc họ ráy (Araceae), hình dáng bên ngoài khá giống sâm Ngọc Linh. Dùng phải những loại sâm giả này có thể bị phỏng miệng, phồng rộp, hôi miệng, dùng nhiều có thể ngộ độc.

Cách phát hiện sâm giả

Theo TS.DS Lê Thị Hồng Anh, thầy thuốc ưu tú, Trung ương hội Đông y Việt Nam, người sử dụng có thể phân biệt sâm thật với sâm giả:

Sâm thật: vỏ ngoài củ sâm Ngọc Linh thật bao giờ cũng mỏng và nhẵn, không xù xì, có mùi nồng nồng của đất mùn trên núi đá. Sâm Ngọc Linh khi cắt lát có vân đồng nhất và những sợi xơ nhỏ. Khi nhai lát sâm mềm, thơm, có vị đắng dịu, ngọt thanh, kéo dài về sau, có mùi sâm đặc trưng.

Sâm giả: vỏ ngoài thường rất dày, sờ vào thấy bì bì, nhìn xa giống như màu da tê giác, có thể cạy được những loại đất feralit đỏ vàng hoặc nâu bám trên ngóc ngách của củ. Nếu là vũ diệp tam thất, củ thường không tròn mà có hình dáng hơi dẹt, khi nếm có cảm giác hơi ngứa ở đầu lưỡi, rít miệng. Sâm giả cắt lát có vân không đồng nhất, không có sợi xơ, khi nếm có cảm giác cứng, không có vị đắng hoặc đắng gắt, không mùi sâm đặc trưng.


Hình ảnh so sánh: Vũ diệp tam thất - một loại thường được "nhập nhằng" giả Linh Chi

Ai cần kiêng sâm?

Theo y học cổ truyền, sâm là đầu vị của thuốc bổ khí và đứng đầu trong bốn vị thuốc quý của Đông y: sâm, nhung, quế, phụ. Với công năng bổ khí, ích huyết, sinh tân, định thần, ích trí... sâm được dùng trị chứng chân khí suy kém, cơ thể thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, người gầy yếu, mới bệnh dậy, trí nhớ suy giảm, căng thẳng thần kinh, trong người nóng, háo khát, đái tháo, tim loạn nhịp, sinh dục kém, trẻ em gầy yếu, chậm lớn; tăng cường chức năng gan và bảo vệ gan, giảm lượng đường trong máu... "Tuy nhiên, việc dùng sâm không được tuỳ tiện, bởi nếu dùng không đúng người, đúng liều lượng, sâm sẽ gây ngộ độc làm bệnh nặng thêm, thậm chí gây chết người", TS Hồng Anh lưu ý. Cụ thể, phụ nữ đang mang thai tuyệt đối không được sử dụng sâm vì có tác dụng tăng cường nội tiết tố sinh dục và co bóp thành tử cung sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Các trường hợp: đau bụng, trướng bụng, tiêu chảy… và người cao huyết áp cũng không nên dùng sâm. Tránh dùng sâm vào chiều tối đối với người mất ngủ. Trẻ em cơ thể suy nhược, kém ăn, chậm phát triển về thể lực và tinh thần, thiếu máu… có thể dùng sâm ở dạng bổ sung, nhưng không nên lạm dụng vì sẽ làm trẻ bị kích dục sớm. Các trẻ có thể chất khoẻ mạnh, phát triển bình thường thì không nên dùng sâm. "Sâm tuy đứng đầu trong các vị thuốc bổ nhưng vẫn là thuốc, nên không phải muốn dùng thế nào cũng được bởi thể trạng, bệnh tình khác nhau. Nếu sức khoẻ có vấn đề thì tốt nhất nên đi khám bệnh và dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, tuyệt đối không nên dùng thuốc bổ đông y một cách tuỳ tiện", TS Hồng Anh lưu ý.

songha
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất