4 thách thức của y tế thế giới năm 2015

Trùng kháng thuốc là một trong những thách thức đối với y tế thế giới năm 2015

1. Trùng kháng thuốc sẽ giết chết nhiều người hơn ung thư

Có thể bạn sẽ được nghe nhiều hơn tới cụm từ “kháng kháng sinh” trong năm 2015 bởi theo các chuyên gia, các kháng sinh còn hiệu lực gần như đã cạn kiệt.

Theo khảo sát ở Anh, nếu không hành động kịp thời, trùng kháng thuốc sẽ giết chết thêm ít nhất 10 triệu người mỗi năm – hơn cả tử vong do ung thư – và kinh tế thế giới tổn thất 100 nghìn tỷ USD đến năm 2050.

Trong khi con người phát minh ra các loại thuốc để điều trị bệnh do vi khuẩn và virus gây ra, chúng lại tiến hóa để kháng thuốc, đó là quy trình tự nhiên. Thế nhưng trong nhiều thập kỷ, chúng ta đã vô tình đẩy nhan tốc độ của sự tiến hóa này bằng việc lạm dụng thuốc kháng sinh, không tuân thủ liệu trình dùng thuốc và vi phạm quy trình kiểm soát nhiễm trùng trong bệnh viện – nơi trùng kháng thuốc dễ dàng lây lan.

Trong quá khứ chúng ta chỉ sáng chế ra các thuốc mới khi thuốc cũ trở nên kém hiệu quả. Không may là chiến lược này không thể bền vững: kể từ năm 1987 đến nay không có khám phá mới nào về một nhóm kháng sinh thực sự khác biệt.

Tình trạng kháng kháng sinh còn đáng sợ hơn khi chúng ta đang ngày càng phụ thuộc vào kháng sinh: Từ các bệnh thông thường như viêm họng, bệnh lây truyền qua đường tình dục, đến chấn thương và phẫu thuật, hóa – xạ trị ung thư…

Trước thực trạng đáng lo ngại này, các quốc gia cũng đã bắt tay vào việc ngăn chặn cuộc khủng hoảng mang tên “kháng thuốc”. Vào tháng 5/2015, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) sẽ xuất bản "Kế hoạch hành động toàn cầu về kháng kháng sinh” để hỗ trợ kiểm soát trùng kháng thuốc.

2. Khủng hoảng Ebola

Y tế thế giới sẽ phải đối mặt với những hậu quả do dịch ebola gây ra

Nỗi sợ hại đại dịch chết người Ebola đang dần lắng xuống nhưng không có nghĩa là vấn đề y tế công cộng này sẽ ít cấp thiết hơn. Năm 2014 đánh dấu sự bùng nổ nghiêm trọng nhất của dịch Ebola từ trước đến nay, hậu quả mà dịch bệnh để lại không dễ dàng khắc phục.

- Nền kinh tế châu Phi bị thiệt hại nghiêm trọng: Người dân mất việc làm, trẻ em không được đi học, thực phẩm ngày càng khan hiếm.

- Hệ thống y tế bị tổn thất lớn: Hàng trăm cán bộ y tế tử vong, chủ yếu ở Guinea, Liberia và Sierra Leone – nơi hệ thống y tế vốn đã mong manh. Đại dịch Ebola khiến cho hàng ngàn người không được nhận các dịch vụ y tế cần thiết như tiêm chủng và chăm sóc thai sản.

Vì vậy, cần có biện pháp ngăn ngừa thiệt hại do dịch bệnh gây ra, đặc biệt là ở ba nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Các công ty dược đang ráo riết phát triển vaccine và thuốc điều trị, có thể chính thức đưa ra thị trường vào năm 2015. Virus Ebola được phát hiện từ năm 1976 và đã bị ngành dược phẩm thờ ơ trong suốt từng ấy năm. Hiện chưa có một loại thuốc hay vaccine Ebola nào chính thức được công nhận.

3. Thế giới đang thua trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Thế giới đang thua trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu

Tính cấp bách của việc định hình cơ chế điều phối đối với thay đổi khí hậu đang ngày càng lớn. Sự xuất hiện của các khí nhà kính đang ở mức cao hơn bao giờ hết và tốc độ phát thải của chúng tiếp tục tăng lên. Theo TS. Margaret Chan, Tổng giám đốc WHO, đây là một vấn đề của sức khỏe toàn cầu. "Có vô số bằng chứng cho thấy thay đổi khí hậu gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Đã có những giải pháp và chúng ta cần hành động quyết liệt để thay đổi thảm kịch này."

Có lẽ năm 2015 sẽ khác. Ngay cả trước khi Hội nghị Biến đổi khí hậu lần thứ 20 (COP 20) kết thúc ở Lima (tháng 12/2014), thế giới đã bắt đầu nhìn về COP 21 với kỳ vọng một thỏa ước ràng buộc có tính pháp lý thay thế cho Nghị định thư Kyoto chưa thành công.

Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đang tranh cãi về hiệu quả của thỏa ước trong việc làm giảm khí nhà kính. Cho đến nay, các cuộc đàm phán về thay đổi khí hậu đều không đạt kết quả như mong đợi.

Cho dù thỏa thuận chính trị tại COP 20 ở Lima được thực thi triệt để thì nó vẫn sẽ không đảo ngược được sự nóng lên của trái đất mà các nhà khoa học cho biết là sẽ gây ra những hậu quả thảm khốc.

4. Y học thực chứng sẽ dựa trên bằng chứng nhiều hơn

Có một thực tế rất đáng sợ về y học đương thời mà bất kỳ ai làm trong ngành y đều biết đó là: Kết quả của rất nhiều thử nghiệm lâm sàng không bao giờ được đưa ra ánh sáng!

Nếu các nhà nghiên cứu không thích kết quả mà họ thu được hoặc công ty dược gặp phải những kết luận ảnh hưởng tới doanh thu, số liệu sẽ không cần phải công bố. Điều này có nghĩa là toàn bộ bằng chứng dành cho y học luôn bị sai lệch.

Các nhà nghiên cứu đã cảnh báo về vấn đề này trong rất nhiều năm, và cuối cùng họ cũng đã được kết quả đầy hứa hẹn.

Theo một kế hoạch mới được Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ đề xuất tháng  11/2014, các nhà nghiên cứu đang tiến hành thử nghiệm lâm sàng sẽ phải đăng ký vào một cơ sở dữ liệu thử nghiệm lâm sàng lớn nhất thế giới (clinicaltrials.gov) trong vòng 3 tuần sau khi có đối tượng nghiên cứu đầu tiên, và cũng báo cáo tóm tắt kết quả - bất kể kết quả thế nào.

Kết quả này diễn ra song song với phong trào AllTrials ở châu Âu, dẫn đầu bởi các nhà khoa học và bác sỹ. Chính phủ nhiều nước đã đăng ký vào cuộc vận động này và hứa sẽ hành động. Cũng đã có những thay đổi trong cách thức mà Cơ quan Dược phẩm châu Âu quản lý quá trình phê duyệt thuốc, cũng như công bố những yêu cầu cho các thử nghiệm lâm sàng mà họ sử dụng.

Việc giải quyết vấn đề này đòi hỏi thời gian. Nó cần sự hợp tác xung quanh việc chia sẻ dữ liệu từ tất cả các bên – các nhà quản lý, cộng đồng khoa học, các trường đại học, các tạp chí, ngành công nghiệp dược. Nhưng việc vạch ra cách thức để đưa thêm nhiều thử nghiệm lâm sàng ra khỏi bóng tối sẽ được tiến hành và sẽ cải thiện mọi quyết định cần được đưa ra trong y học.

Kim Chi H+ (Theo Vox)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin