Hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường rất nguy hiểm
Bệnh nhân Nguyễn Thị H, 63 tuổi ở Hà Nội cấp cứu tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương trong tình trạng co giật hôn mê do bị hạ đường huyết. Bệnh nhân đang được điều trị đái tháo đường type 2. Người nhà bệnh nhân cho biết, do người khác mách bảo, bệnh nhân cả tuần ăn miến để giảm đường huyết. Hai ngày trước khi vào viện, bệnh nhân mệt, ăn uống kém, khi gia đình phát hiện bệnh nhân bệnh nhân đã rơi vào tình trạng hôn mê. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị hôn mê do hạ đường huyết.
Một bệnh nhân khác là Lê Đức T. 68 tuổi, ở Hà Nội cũng phải cấp cứu trong tình trạng hôn mê. Bệnh nhân có tiền sử bệnh đái tháo đường type 2 nhưng phải điều trị bằng insulin bán chậm 25 UI/ngày tiêm DD. Buổi trưa trước khi vào viện, bệnh nhân uống rượu và không ăn gì, tới chiều tối vẫn tiêm 20 UI insulin DD. Sau đó, gia đình phát hiện bệnh nhân đã hôn mê… Sau khi được cấp cứu và điêu trị kịp thời bệnh nhân đã qua khỏi cơn nguy hiểm…
Trên thực tế tình trạng hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường thường xảy ra khi bệnh nhân đang ở nhà, hoặc đang đi xa, khi đang ngủ… nên ít khi được người thân phát hiện để đưa đi cấp cứu kịp thời, nên thường dẫn đến biến chứng nặng nề như hôn mê, tử vong do hôn mê quá giai đoạn, suy hô hấp quá nặng do sặc phổi. Nguy hiểm hơn là tình trạng hạ đường huyết xảy ra khi người bệnh đang lao động hoặc đang điều khiển các phương tiện giao thông nên rất dễ gây tai nạn.
Khi bị hạ đường huyết, các cơ quan trong cơ thể bị lâm vào tình trạng thiếu năng lượng, các hoạt động bị đình trệ. Đặc biệt là não và hồng cầu là hai cơ quan trong cơ thể phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn năng lượng từ glucose. Vì thế hạ đường huyết kéo dài có thể gây tổn thương não, thậm chí hôn mê gây tử vong.
Biểu hiện hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường
Theo các sĩ chuyên khoa nội tiết cho biết, ban đầu, người bệnh cảm thấy mệt, chân tay bủn rủn, vã mồ hôi lạnh, cảm giác cồn cào trong ruột, mạch nhanh, huyết áp tăng nhẹ, tim đập nhanh. Nặng hơn, bắt đầu xuất hiện những cơn co giật và đi vào hôn mê ở các mức độ khác nhau. Khi bệnh nhân hôn mê, các phản xạ nuốt và ho sặc rất kém hoặc mất dẫn đến tình trạng sặc dịch hầu họng, dịch vị, thức ăn… vào phổi gây viêm phổi suy hô hấp nặng, có trường hợp tử vong.
Ngay cả khi đã được điều trị tích cực, các di chứng thần kinh sau hôn mê hoặc do thiếu o xy não quá lâu cũng thường gặp như chóng mặt, đau đầu, suy giảm trí nhớ, mất tập trung, các cơn co giật kiểu động kinh thậm chí tổn thương não quá nặng nề khiến cho bệnh nhân tuy được cứu sống nhưng phải sống kiểu thực vật, không còn chất lượng cuộc sống.
Xử trí khi bị hạ đường huyết
Ngay khi nghi ngờ hoặc có biểu hiện của hạ đường huyết, người bệnh cần uống ngay một cốc nước đường, sữa, ăn bánh kẹo, hoa quả ngọt để nhanh chóng nâng đường huyết lên.
Lưu ý, khi người bệnh đã có biểu hiện hôn mê, không nên cho ăn uống rất dễ bị suy hô hấp do sặc, trường hợp này phải đưa đến bệnh viện ngay. Dừng tất cả các loại thuốc điều trị tiểu đường đang dùng sau đó đến ngay cơ sở y tế kiểm tra lại đường huyết.
Biện pháp phòng tránh
Tâm lý chung của các bệnh nhân tiểu đường là rất sợ đường huyết tăng. Thậm chí có người nhịn ăn cả cơm để tránh tăng đường huyết. Điều này rất nguy hiểm
- Tuân thủ đúng chỉ định điều trị của bác sĩ về chế độ dùng thuốc và chế độ ăn uống điều trị bệnh tiểu đường. Loại bỏ các yếu tố nguy cơ như kiêng khem quá mức, bỏ ăn vì mệt mỏi hoặc do các bệnh lý khác…
- Tập luyện thường xuyên, phù hợp đối với từng người theo tư vấn của bác sĩ điều trị để đảm bảo sức khoẻ.
- Thường xuyên kiểm tra đường huyết tại các cơ sở y tế hoặc có thể tự làm kiểm tra tại nhà bằng cách theo dõi đường máu mao mạch theo chỉ dẫn của nhân viên y tế.
Nguyên nhân gây hạ đường huyết
Hạ đường huyết không thể chủ quan vì nếu chủ quan hoàn toàn có thể gây những nguy hiểm đểm sức khỏe kể cả trường hợp tử vong. Chính bởi những ảnh hưởng khi bị hạ đường huyết gây ra mà đề phòng là rất quan trọng.
Hiểu rõ được nguyên nhân cũng có nghĩa là sẽ tìm ra cách khắc phục phù hợp. Cụ thể, hạ đường huyết thường xảy ra trong những trường hợp sau:
- Ăn quá ít, bỏ bữa ăn hoặc ăn chậm sau khi uống hoặc tiêm thuốc điều trị đái tháo đường.
- Uống hoặc tiêm liều quá cao các thuốc tây điều trị ĐTĐ.
- Tập luyện hoặc lao động quá nặng, quá lâu so với bình thường.
- Do một số tương tác của các nhóm thuốc bệnh nhân dùng để điều trị các bệnh khác như các thuốc chống viêm giảm đau, một số thuốc điều trị nấm hoặc kháng sinh.
- Ngoài ra uống rượu quá nhiều sẽ ức chế gan tổng hợp glucose từ glucogen. Nếu bệnh nhân bị các bệnh gan, thận, tim nặng hoặc bị bệnh viêm nhiễm nặng, ví dụ như bị suy giáp hoặc suy thượng thận thì rất dễ bị hạ đường huyết.
Bình luận của bạn