Ngày Sức khỏe Thế giới: Hãy cùng trò chuyện để phòng chống trầm cảm!

Hãy cùng trò chuyện để phòng chống trầm cảm!

Phát hiện mới: Yoga giúp đánh bại trầm cảm

Giật mình với 10 biểu hiện trầm cảm bác sỹ cảnh báo

6 điều về trầm cảm có thể bạn chưa biết

5 sự thật về chứng trầm cảm sau sinh mẹ bầu cần lưu ý

Trầm cảm là một rối loạn tâm thần thường gặp, là nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng tàn tật, làm cho hàng triệu người bị giảm hoặc mất sức lao động tại Việt Nam. Tổ chức Y tế Thế giới ước tính năm 2015 Việt Nam có hơn 3,5 triệu người bị rối loạn trầm cảm, chiếm 4% dân số. Tất cả mọi người đều có thể mắc trầm cảm, tuy nhiên rối loạn này xảy ra ở nữ giới nhiều hơn so với nam giới. Có 3 nhóm tuổi có tỷ lệ mắc cao hơn là học sinh và thanh thiếu niên, phụ nữ trước và sau sinh và người cao tuổi.

Trầm cảm luôn nằm trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật ở mọi nhóm tuổi, kể cả nhóm dưới 15 tuổi. Theo kết quả nghiên cứu năm 2008 ở Việt Nam, gánh nặng bệnh tật do trầm cảm đo bằng DALY (số năm sống điều chỉnh theo mức độ bệnh tật) chiếm tới 12% tổng gánh nặng bệnh tật ở nữ giới. Trầm cảm cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra gánh nặng tàn tật ở nữ giới  - chiếm tới 29% tổng số năm sống với khuyết tật do mọi nguyên nhân và nguyên nhân thứ 2 gây gánh nặng tàn tật ở nam giới.

Trong thời gian qua, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần tại Việt Nam đã từng bước được quan tâm đầu tư. Phòng, chống trầm cảm cần thiết là một nội dung ưu tiên của chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần ở Việt Nam, trong đó tập trung vào nhóm nguy cơ cao như phụ nữ, nhất là phụ nữ trước và sau sinh, người cao tuổi và thanh thiếu niên.

Trò chuyện là một trong những biện pháp đơn giản nhất để phòng và điều trị trầm cảm

Để dự phòng và kiểm soát trầm cảm hiệu quả, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp sau như đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe, làm cho người dân có nhận thức đúng về trầm cảm, cách nhận biết, phát hiện sớm để đi khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Hỗ trợ, giúp đỡ, tạo môi trường để hòa nhập và không kỳ thị, phân biệt đối xử với người có rối loạn trầm cảm. Phối hợp triển khai các chính sách, chương trình nâng cao sức khỏe tâm thần phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau thông qua các mô hình trường học nâng cao sức khỏe, tăng cường kỹ năng sống, câu lạc bộ sức khỏe người cao tuổi và chương trình tăng cường hoạt động thể lực cho người dân...

Mỗi cá nhân có thể phòng ngừa trầm cảm bằng cách thực hiện lối sống cân bằng như nghỉ ngơi và ngủ điều độ, chế độ ăn cân đối và tập luyện thể dục thể thao thường xuyên. Được bảo vệ không bị bạo lực, xâm hại và mất mát cũng giúp phòng ngừa trầm cảm. Trầm cảm thể nhẹ có thể điều trị khỏi mà không dùng thuốc, có thể được các bác sỹ không chuyên khoa chẩn đoán và điều trị tại tuyến chăm sóc sức khoẻ ban đầu.

Khuyến cáo đối với cộng đồng:
1. Trầm cảm không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối. Bất kỳ ai cũng có thể mắc trầm cảm.
2. Để dự phòng trầm cảm: Bạn hãy TRÒ CHUYỆN với mọi người bởi vì trò chuyện là một trong những biện pháp đơn giản nhất để phòng và điều trị trầm cảm.
3. Nếu bạn nghĩ rằng mình bị trầm cảm: Hãy tích cực giao tiếp với mọi người, hãy chia sẻ với ai đó mà bạn tin cậy về cảm giác và suy nghĩ của mình. Bạn hãy tiếp tục làm việc, tích cực tập luyện thể dục thể thao, đồng thời tránh sử dụng đồ uống có cồn và các chất gây nghiện.
4. Khi cần trợ giúp chuyên môn: Hãy đến cơ sở y tế gần nhất để được cán bộ y tế hướng dẫn, tư vấn về sức khỏe. 
Trần Lưu H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin