Người bị tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia giảm hẳn

Các chốt kiểm tra nồng độ cồn hoạt động tích cực và hiệu quả trong thời gian qua - Ảnh: VTV

Uống rượu bia sau bao lâu thì cơ thể mới thải hết cồn?

Bị rối loạn thần kinh tim có uống rượu được không?

Tay run mạnh nhưng uống rượu vào đỡ run là bệnh gì?

Trả lời phỏng vấn của VOV Giao thông, TS. BS Đỗ Mạnh Hùng, Trưởng khoa Kế hoạch và Tổng hợp, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cho biết qua thống kê của bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, dịp Tết Nguyên Đán năm 2023, tỷ lệ bệnh nhân tai nạn giao thông mà chúng tôi định lượng nồng độ cồn trong máu chiếm 11,7 %, giảm so với các năm trước. Dịp Tết 2022, tỷ lệ này là 18,5 % năm; 2021 là 67,2 % và năm 2020 là 10,3 %.

Tỷ lệ bệnh nhân tai nạn giao thông có sử dụng rượu bia giảm hẳn dẫn đến tỷ lệ bệnh nhân tử vong hoặc nặng xin về do có yếu tố về uống rượu, bia thấp hơn so với các năm khác.

 

Box : Sau 2 tháng thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) trên toàn quốc đã xử lý hơn 27 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông (nguồn VOV giao thông).

Trong năm 2022, bệnh viện có 27 bệnh nhân nặng tử vong do nguyên nhân tai nạn giao thông (TNGT), trong khi năm 2019 là 34 ca.

BS Đỗ Mạnh Hùng cho biết thêm: "Năm 2019 tỷ lệ tử vong của bệnh nhân do tai nạn giao thông là 3,5%. Tuy nhiên đến năm 2022 thì giảm xuống còn 1,2%. Như vậy, chúng ta thấy có một xu thế giảm rất rõ rệt và đặc biệt tỷ lệ những bệnh nhân chấn thương do tai nạn giao thông và uống rượu giảm hơn rất nhiều.

Liên hệ với các chiến dịch của Đảng và Nhà nước và đặc biệt sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông trên đường phố. Chúng tôi nhận thấy rõ hiệu quả của chiến dịch này, khi số lượng bệnh nhân do tai nạn giao thông giảm rất rõ rệt, tỷ lệ bệnh nhân nặng cũng giảm mạnh. Bên cạnh đó, số lượng bệnh nhân đa chấn thương mức độ vừa và nhẹ thấp đi.

Tỷ lệ người bệnh bị chấn thương do TNGT giảm sẽ góp phần làm giảm gánh nặng cho bản thân cả gia đình người bệnh, giảm các di chứng cho nạn nhân và giảm gánh nặng đối với xã hội.Do vậy, chúng tôi thấy rằng việc tích cực trong công tác kiểm soát của các đồng chí công an, cảnh sát giao thông đã góp phần rất là rõ rệt trong việc nâng cao ý thức của người dân, giảm thiểu tỷ lệ người bệnh do tham gia giao thông uống rượu, bia và từ đó làm giảm thiểu mức độ tàn phá nặng nề lên chính cơ thể bệnh nhân, gia đình bệnh nhân và cho toàn xã hội nói chung.

Cảnh sát giao thông kiểm tra chặt chẽ nồng độ cồn người điều kiển ô tô và xe máy: Ảnh: CSGT

Cảnh sát giao thông kiểm tra chặt chẽ nồng độ cồn người điều kiển ô tô và xe máy: Ảnh: CSGT

Chúng tôi thấy rằng, thời gian tới cần tiếp tục duy trì nhiều hình thức khác nhau, trong đó có hình thức kiểm soát nồng độ cồn khi tham gia giao thông trên đường phố để từ đó góp phần giảm thiểu tỷ lệ người bệnh chấn thương do TNGT có liên quan đến rượu bia, để đảm bảo người dân một cuộc sống yên bình hơn".

Số liệu từ Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong năm 2022, đã có 308.508 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị lực lượng chức năng phát hiện và xử phạt. Vi phạm về nồng độ cồn cũng được xác định là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông.Theo đó, năm 2023 được xác định là năm xử lý vi phạm về nồng độ cồn với mục tiêu nhằm giảm các vụ tai nạn giao thông, nhất là các vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến bia, rượu.

Bên cạnh sự nỗ lực vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, điều quan trọng nhất là mỗi người dân cần nâng cao ý thức và trách nhiệm, tự giác chấp hành các quy định về trật tự, an toàn giao thông. Đặc biệt tuân thủ khuyến cáo "đã uống rượu, bia thì không lái xe" cũng như không chuốc rượu bia cho người lái xe; không ngồi xe những người uống rượu bia lái…

 
PV
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội